quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cấp phép khai khoáng dễ dãi: ''Thủ phạm'' là phân cấp?

Thứ Bảy, 18/08/2012 | 09:26:00 AM

Chủ trương đúng đắn, văn bản rất nhiều, song dễ dãi ngay từ khâu cấp phép đã khiến cho hoạt động khai thác khoáng sản luôn được nhắc đến với sức nóng và sự bức xúc cao độ.

Tác giả: Vĩnh An

Bởi vậy, xem xét báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại phiên họp chiều 15/8, không ít vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội "đòi" truy rõ địa chỉ trách nhiệm của sự dễ dãi đó.

Một trong những "thủ phạm" được coi là nguyên nhân khiến cho số giấy phép tăng đột biến trong thời gian rất ngắn (trong 3 năm các địa phương cấp gần 3.500 giấy phép, gấp 7 lần số Trung ương cấp trong 12 năm) có tên gọi là phân cấp.

Báo cáo của Chính phủ về nội dung giám sát khẳng định "tăng cường phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương là chủ trương đúng đắn". Thực tế thời gian qua việc phân cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản cho UBND cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải cách thủ tục hành chính.

Kết quả, số doanh nghiệp tham gia khai thác mỏ đã tăng nhanh từ 427 (năm 2000) lên đến gần 2.000 vào thời điểm hiện tại, với đủ cả doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, công ty TNHH, cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã..

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận rằng, năng lực của cơ quan tham mưu thực hiện phân cấp tại nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đã vậy, lại thiếu vắng sự trao đổi thường xuyên về mặt chuyên môn giữa cơ quan này với cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương.

Bởi thế, trên 70% trong tổng số hơn 4.600 giấy phép khai thác khoáng sản do địa cấp có thời hạn khai thác dưới 5 năm. Điều này, theo Chính phủ đã dẫn tới tâm lý là doanh nghiệp đầu tư theo kiểu ngắn hạn để cố gắng thu hồi nhanh vốn đầu tư (do không chắc chắn khi hết hạn có được gia hạn hay không?) mà không quan tâm đến thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, không sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản khi khai thác, cũng như chưa quan tâm đến trách nhiệm hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác.

Từ mắt thấy, tai nghe, đoàn giám sát đưa ra nhiều nhận định cụ thể hơn về hệ lụy của việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh về địa phương. Đó là một số địa phương đã cấp phép tràn lan, có lúc trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương, nhiều giấy phép cấp không đúng đối tượng.

Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Rất dễ dàng đồng tình với nhận định này, song nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại chẳng thể yên tâm với những cụm từ "một số" hay "có lúc" của đoàn giám sát.

Vì, nếu chỉ nói chung chung như thế, sẽ chẳng có lãnh đạo địa phương nào thấy giật mình, và hiệu quả sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, băn khoăn liệu rằng "thủ phạm" chính có phải là phân cấp quá nhiều cho địa phương hay không cũng được đặt ra. Vì nói như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa thì quản lý, bao gồm cả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng ở Trung ương rất quan trọng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước "phê" phần đánh giá tác động môi trường còn quá mờ nhạt. Song, sẽ không bất ngờ khi báo cáo của Chính phủ cho hay: "vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề kinh phí, việc đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về hiện trạng môi trường trong khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc, đối với tất cả các loại hình khoáng sản đang khai thác vẫn chưa thực hiện".

Để khắc phục những yếu kém nêu trên, một trong những giải pháp được Chính phủ nhắc đến là nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản. Với "điểm tựa" chính là quy định mới trong thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010.

Song, thêm một lần đoàn giám sát khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng khi khẳng định chắc nịch rằng, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ có những bất cập.

Vì, quy định về vấn đề này tại nghị định số 22/2012/NĐ - CP còn quá chung chung, tiếp tục lại giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn, nhưng đến nay các văn bản này chưa được ban hành.

Điều này, theo đoàn giám sát là sẽ dẫn đến không thống nhất khi thực hiện giữa các địa phương, có thể có nơi thực hiện đấu thầu, nhưng có nơi lại đấu giá.

"Nếu như những văn bản hướng dẫn không thể hiện rõ tính công khai, minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ thì cơ chế đấu giá trong thực tế dễ bị lợi dụng, mang tính hình thức, chưa đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, chưa minh bạch trong quá trình lựa chọn doanh nghiệp, nên sẽ không đem lại lợi ích đích thực cho đất nước", báo cáo giám sát nêu rõ.

Như vậy, chưa qua nỗi lo cấp phép đang hiện hữu đã thấy ngay quan ngại mới. Và, khi nào yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra là phải "tìm cho ra hơn 4.000 giấy phép đã cấp sai đúng thế nào" để chấn chỉnh xử lý thì công và tội (nếu có) của phân cấp mới có thể được minh định rạch ròi hơn.

(Tuần VN)

Lượt xem: 1158

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE