Vừa qua, tôm hùm đỏ, một loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm vừa được Công ty TNHH Phú Thành ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhập lậu từ Mỹ về nuôi tại huyện Trần Đề, và một công ty ở TP Hồ Chí Minh cũng nhập về nuôi ở tỉnh Hậu Giang. Loài tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
|
Tôm hùm đỏ |
Mới đây, 500 con tôm hùm đỏ vừa được Công ty TNHH Phú Thành ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhập từ Mỹ về nuôi tại huyện Trần Đề. Ngoài ra, gần 900 con tôm hùm đỏ khác cũng được nhập lậu từ Mỹ, nuôi lậu tại nhà ông Mến ở Hậu Giang, một số đã thoát ra ngoài môi trường và ăn sạch hoa màu. Ông Mến đã được ông Bùi Quốc Hải, trưởng phòng kinh doanh một công ty kinh doanh thủy sản tại TP HCM nhờ nuôi số tôm này. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Hải cho biết đã đưa 4 kg tôm hùm đỏ từ Mỹ về TP HCM bằng cách xách tay, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và giấy tờ cho phép. Sau đó, ông tiếp tục mua thêm 39 kg nữa đem về nhờ ông Mến nuôi. Trong quá trình vận chuyển, tôm chết khoảng 1 kg(2) . Loài tôm này vừa phá hại lúa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật bản địa, kể cả người.
Tôm hùm đỏ có tên khoa học là Procambarus clarkii, là một loài giáp xác nước ngọt, quê gốc ở Nam Hoa Kỳ. Chúng thậm chí được gọi là “sâu” ngoại lai gây hại (invasive pest) khi xâm nhập vào các lục địa khác.. Do sinh cư ở nhiều nơi nên nó có nhiều tên khác như tôm đầm lầy đỏ (red swamp crawfish”, red swamp crayfish), tôm Loussiana (Louisiana crawfish, Louisiana crayfish), thậm chí còn được gọi là bọ bùn (mudbug). Bản quán của tôm hùm đỏ ở ven bờ vịnh từ Bắc Mehico đến bán đảo Florida, cũng như ở các vùng nội địa Nam Illinois và Ohio. Chúng đã được đưa, đôi khi có chủ ý, ra bên ngoài vùng sinh cư bản địa của chúng sang các nước ở Châu Á, Phi, Âu và một số vùng ở Châu Mỹ.Tại Bắc Âu, các quần thể tôm hùm đỏ vẫn tồn tại nhưng không bành trướng được có lẽ do khó cạnh tranh sinh thái. Nhưng ở Nam Âu, chúng bùng phát và thống trị ở nhiều vùng lãnh thổ mới, tiêu diệt nhiều loài tôm bản địa.
Tôm hùm đỏ có khả năng di cư nhiều dặm trên mặt đất tương đối khô, nên chúng càng di cư dễ hơn vào mùa ẩm ướt, chúng còn lan truyền nhờ việc buôn bán sinh vật cảnh và nhờ dân câu cá. Kenia có nhập tôm hùm đỏ để kiểm soát sự phát triển của ốc mang ấu trùng sán máng nên đã tạo cơ hội bành trướng loài bọ bùn này trong khhi sán máng lại không tiêu diệt được. Tôm hùm đỏ thích sống trong vùng nước ngọt ấm, các dòng sông chảy chậm, bãi lầy, hồ chứa nước, các hệ thống kênh mương và ruộng lúa. Trong Bộ Giáp xác Mười chân (Decapoda), tôm hùm đỏ được coi là loài rộng cảnh vì có thể thích nghi với các điều kiện cư trú khác nhau. Chúng có thể lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện của các vùng chỉ có ít nước vào mùa mưa. Khi khô hạn, chúng có khả năng chịu đựng khô hạn đến 4 tháng. Tôm hùm đỏ lớn rất nhanh và có thể đạt đến chiều dài 5,5-12 cm. Chúng cũng sống được cả trong môi trường nước có độ muối rất thấp vốn không phù hợp với nhiều loài tôm khác. Chúng có thể sống đến 5 năm, một số con có thể sống trên 6 năm trong điều kiện tự nhiên.
Do chóng lớn và chịu đựng giỏi nên chúng được nuôi rộng rãi ở bang Lousiana, Hoa Kỳ. Tại đây, tôm hùm đỏ mỗi năm cho doanh thu nhiều triệu USD, với vùng nuôi rộng đến 500 km2. Vụ thu hoạch tôm hùm đỏ chiếm lĩnh vị trí chủ đạo của nghề nuôi tôm ở Hoa Kỳ và một số nước như Tây Ban Nha, mặc dù ở Tây Ban Nha chúng gây hại cho các loài tôm bản địa. Do sinh cư nhiều nơi nên ngoài màu đỏ chúng có thể còn có các màu trắng, xanh và da cam. Do đó gọi tôm hùm đỏ thường là để chỉ giống tôm hùm đỏ của Hoa kỳ.
Tôm hùm đỏ có thể đào hang rất giỏi nên gây hại hệ thống kênh mương qua đó gây hại cho cây trồng, nhất là lúa.Tính phàm ăn của chúng có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa, gây hại cho tôm bản địa và đặc biệt chúng mang theo dịch bệnh nấm tôm Aphanomyces astaci, bệnh virus tôm cũng như một số loài giun ký sinh cho động vật có vú (kể cả con người).
Tôm hùm đỏ được sử dụng làm thực phẩm ở Châu Âu, Trung Quốc, Châu Phi, Úc, Canada, New Zealand, Hoa Kỳ và vùng vịnh Caribe. Chừng 98% sản lượng tôm hùm đỏ ở Hoa Kỳ là thu hoạch từ bang Lousiana. Bang này hiện sản xuất 90% tôm hùm đỏ toàn cầu và dân ở đây cũng ăn hết chừng 70%.
Tôm hùm đỏ sinh sản hữu tính (có đực cái) nhưng những nghiên cứu gần đây cho biết chúng có thể sinh sản bằng cách tự phân chia (sinh sản vô tính) (2).
Việc tự ý đưa tôm hùm đỏ vào Việt nam nuôi là vi phạm nghiêm trọng Luật Đa dạng sinh học của nước ta, cần được xử lý nghiêm.
Chú thích:
(3) Chú ý cần phân biệt tôm hùm đỏ Procambarus clarkiinói trên (sinh vật xâm hại) không phải Tôm hùm đỏ Panulirus longipes (A.M Edwards, 1868) được ghi trong sách đỏ Việt nam, vốn là loại bản địa.