Công ty Cổ phần nhập khẩu thủy sản Cần Thơ đã nhập 40 tấn rùa tai đỏ gồm 24.000 con từ Mỹ, nuôi tại Trung tâm giống kỹ thuật thủy sản Caseamex ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long từ tháng 4/2010. Đây là loài ngoại lai nguy hiểm đã được Cục Môi Trường (cũ) cảnh báo từ lâu và được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn sau đó đã quyết định tái xuất loài rùa này sau hơn 3 tháng chúng được đưa vào Việt Nam.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Vài nét về rùa tai đỏ
|
Rùa tai đỏ |
Rùa tai đỏ hay còn gọi là rùa vạch đỏ (Trachemys scripta elegans Seidel 2002) – có tên gọi do đặc điểm hình dáng bên ngoài: hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt. Rùa tai đỏ có vùng cư trú gốc tại thung lũng Mississippi Bắc Mỹ. Đến nay, ngoài Hoa Kỳ, rùa tai đỏ còn được phát hiện ở Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Lithuania, Anh, Bahamas, Thụy Điển, Na Uy, Latvia, Pháp, Ba Lan, Đài Loan,… Vì phát triển rộng rãi ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới nên rùa tai đỏ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Chrysemys scripta (Boulenger 1889), Chrysemys scripta var. elegans Boulenger 1889, Emys elegans Wied 1839, Emys holbrooki Gray 1844, Emys sanguinolenta Gray1855, Pseudemys scripta elegans Stebbins 1985, Pseudemys scripta (Jordan 1899), Trachemys lineata Gray 1873, Testudo scripta Schoepff, 1792. Rùa tai đỏ được nuôi làm cảnh phổ biến trên thế giới,và đã xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng 10 năm nay. Tại Hà Nội, khá nhiều rùa tai đỏ được người dân thiếu hiểu biết đã phóng sinh xuống Hồ Gươm Hà Nội, khiến cân bằng sinh thái hồ này bị đe dọa nghiêm trọng.
Rùa tai đỏ mới sinh chỉ dài khoảng 2cm khi trưởng thành khoảng 15cm, chiều dài tối đa khoảng 25 cm. Chúng có thể sống đến 60 -70 năm. Rùa cái có thể đẻ tới ba ổ trứng một năm, mỗi ổ có từ 4 - 23 trứng.Rùa tai đỏ gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường. Rùa tai đỏ có khả năng cạnh tranh thức ăn cao, ăn tạp; chúng có thể ăn mọi thứ bất kể động vật nước hay thực vật nước; giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, đưa đến phá vỡ cân bằng sinh thái. Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã liệt kê “rùa tai đỏ” nằm trong danh sách bắt buộc kiểm soát. Ngoài gây hại cho môi trường rùa tai đỏ còn là loài có khả năng mang vi khuẩnSalmonella gây bệnh thương hàn cho người. Đặc biệt nguy hiểm cho người dân sống trong vùng sông nước.Rùa tai đỏ sống trong các thủy vực nước ngọt khác nhau: sông, đầm lầy, hồ, ao,…). Chúng ưa các vùng nước yên tĩnh với đáy bùn mềm, có nhiều thực vật nướcvà có chỗ để chúng phơi nắng phù hợp. Mặc dù thích những vùng nước tĩnh, rùa tai đỏ vẫn có thể thích nghi nhanh với các sinh cảnh lạ như các thủy vực nước lợ, các con kênh đào thậm chí các hồ trong công viên thành phố.
Rùa tai đỏ vừa được nhập vào Việt nam
Công ty Cổ phần nhập khẩu thủy sản Cần Thơ đã nhập 40 tấn rùa tai đỏ gồm 24.000 con từ Mỹ, hiện nuôi tại Trung tâm giống kỹ thuật thủy sản Caseamex ở xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long từ tháng 4/2010. Nhưng đã có khoảng 5.200 con rùa chết do chịu không nổi nắng nóng và bị đói, bị cắn do không cạnh tranh thức ăn với các con rùa khỏe mạnh. Người dân xã Phú Thành cho biết hiện hằng ngày có từ 5 - 30 con rùa bị chết nổi trong ao, sau đó rùa chết bị vứt bỏ tràn lan.
Được biêt đơn vị cấp phép nhập khẩu rùa tai đỏ là Vụ Nuôi trồng thuỷ sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ này sau đó tuyên bố là không cho phép nhập khẩu loài động vật xâm hại môi trường này vào Việt Nam. Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản “đề nghị” (đáng lẽ là phải bắt buộc mới đúng) công ty giải quyết số rùa trên, chậm nhất trong quý III/2010 phải đưa hết đàn rùa này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng từ việc nhập ốc bươu vàng, bọ dừa (theo cây cau cảnh từ Thái Lan nhập về), chuột hải ly, tôm thẻ chân trắng, việc không có phản ứng gì trước việc nhập giống rong nho biển, một số giống cây trồng biến đổi gen, đến cấp phép cho việc nhập rùa tai đỏ,… cho thấy một số đơn vị có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem lại trách nhiệm của mình. Những sai lầm trên đây đã góp phần gây hại cho ngành nông/ ngư nghiệp và môi trường, góp phần làm chậm sự nghiệp xóa nghèo đói ở nông thôn Việt nam./.