DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG
Cần xem xét việc phá bỏ Đập Đá trên sông Như Ý – Huế
Thứ Năm, 14/04/2011 | 09:17:00 AM
Như Ý là sông “đào – nối” từ trên 300 năm trước, có chức năng vận tải, du lịch, chia lũ sông Hương. Nhưng sau khi xây Đập Đá chắn ngang đầu nguồn, sông Như Ý nay ô nhiễm và suy thoái, dáng dấp như sông Nhuệ của Hà Nội, không còn đáp ứng chức năng giao thông và du lịch.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
Đập Đá, phía trái của ảnh là đầu nguồn sông Như Ý,
phía phải của ảnh là sông Hương
Tên chữ của sông Như Ý là Thiên Lộc Giang (sông Lộc Trời). Trước đây là nhiều đoạn kênh rạch riêng rẽ, khoảng thế kỷ XVII các chúa Nguyễn cho đào nối các kênh rạch này thành dòng liên tục nối sông Hương với sông Lợi Nông đổ ra đầm Hà Trung thuộc Phá Tam Giang để tạo ra sông Như Ý. Khi đó dòng sông này chia nước chống lụt sông Hương và là tuyến giao thông thủy quan trọng cả về kinh tế lẫn phòng thủ Kinh Đô.
Là con sông đẹp nhất Kinh thành Huế xưa, hai bên bờ sông dày đặc đình đền, nhà thờ họ. Con đường bên bờ Đông chạy qua nhiều làng cổ như Ngọc Anh, Chiết Bi, Văn Khê…cho đến cầu ngói Thanh Toàn. Dọc bờ Tây có lăng Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần con trai thứ 4 của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), đền thờ Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, người đồng khởi xướng phong trào Cần Vương (1885). Vùng đất ven sông có nhiều nhà cổ và xanh mướt cây trái, là nơi hấp dẫn du khách du lịch đường sông.
Sau khi Đập Đá được đắp năm 1917 ngăn đầu nguồn sông Như Ý chỗ nối vào sông Hương gần Vĩ Dạ, để ngăn mặn cho nhà máy nước Vạn Niên trên sông Hương, sông Như Ý trở nên tù hãm, lòng sông bị thu hẹp dần theo năm tháng, nhiều chỗ chỉ còn rộng chừng 30 m. Rác rưởi và bèo lục bình nhiều đoạn phủ kín dòng chảy. Nhiều chỗ thảm cây mai dương đang mở rộng hai bên bờ. Như Ý nay ô nhiễm và suy thoái, dáng dấp như sông Nhuệ của Hà Nội, không còn đáp ứng chức năng giao thông và du lịch.
Có lẽ cần xét việc phá bỏ Đập Đá để thay bằng một cây cầu, giống như Hải Phòng làm cầu để khơi thông sông Tam Bạc, sau khi nguồn cấp nước cho Huế có hồ Tả Trạch lo.
Lượt xem: 8260
Các tin khác
Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng (23/12/2024 06:20:AM)
Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô (16/12/2024 06:57:AM)
Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh (11/12/2024 09:30:AM)
Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu (18/11/2024 08:37:AM)
Tìm tiền carbon cho cây lúa (13/11/2024 08:51:AM)
COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua (05/11/2024 06:53:AM)
Tăng tốc năng lượng tái tạo (21/10/2024 08:54:AM)
Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050 (18/10/2024 08:29:AM)
Người tiêu dùng Net Zero (30/09/2024 06:12:AM)