quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cần thiết lập hàng rào kỹ thuật với phế liệu nhập khẩu

Thứ Sáu, 21/02/2014 | 09:32:00 AM

(Thanh tra) - Cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí rằng, cần có quy định về hàng rào kỹ thuật với phế liệu để tránh tình trạng biến nước ta thành bãi “rác” lớn, phương hại đến môi trường .


Sáng ngày 20/2, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phần nội dung thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Ban Soạn thảo đã chỉnh sửa lại quy định về nhập khẩu phế liệu, quy định cụ thể “phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa”, yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có quy định chặt chẽ về danh mục phế liệu được nhập khẩu và điều kiện kinh doanh, nhập khẩu phế liệu như tại Điều 78 “bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu”.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện khái niệm “phế liệu” nhằm tránh lạm dụng nhập khẩu chất thải và nên quy định Chính phủ quy định cụ thể Danh mục phế liệu được nhập khẩu.

Đóng góp ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Đã gọi là phế liệu thì bỏ đi. Các nước có khoa học công nghệ phát triển hơn ta, người ta đã bỏ đi rồi mình nhập về làm gì?

Ông Phùng Quốc Hiển nhận định, Dự thảo đưa ra các nguyên liệu được nhập rất rộng, kể cả loại không thể tiêu hủy được như sắt, thép, nhựa, giấy… đồng thời nhắc lại thực tế có nhiều vụ nhập “rác” về đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì bỏ trốn và việc xử lý rất phức tạp. Vì vậy, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề xuất, cần phải cân nhắc việc cho phép nhập khẩu phế liệu, tránh tình trạng biến nước ta thành bãi phế thải lớn.

Bày tỏ quan điểm để bảo vệ môi trường không khuyến khích nhập phế liệu, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý: Chúng ta đã có những cam kết hội nhập với quốc tế cho nên không thể cấm nhập khẩu phế liệu. Do đó, cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập phế liệu cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Phan Trung Lý nhấn mạnh: Đúng là trong cam kết gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), Việt Nam cho phép nhập khẩu phế liệu. Song mức nhập như thế nào là do chúng ta. Việc lập hàng rào kỹ thuật là cần thiết, nếu không sẽ “rất nguy hiểm” bởi “nhập phế liệu có khi đi ngược lại với mục đích bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường”.

Lấy ví dụ, việc tái chế gỗ vỏ thùng cần thiết được khuyến khích, được miễn thuế để hạn chế bớt việc phá rừng, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, việc “nhập phế liệu là đương nhiên” do nhu cầu sản xuất của chính nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, Luật Bảo vệ môi trường cần có quy định bổ sung về vấn đề này. Riêng về nhập khẩu phế liệu sắt, thép, ông Phúc đề xuất, cần phải có quy định rõ ràng để tránh gây phiền hà cho các doanh nghiệp sản xuất thép khi mỗi cơ quan quản lý nhà nước có cách hiểu khác nhau.

Một vấn đề khác cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đóng góp là câu chuyện ngân sách. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra ở Chương 16 cần xem lại tất cả các Điều 156, 157, 158, 159 khi liệt kê các nguồn tài chính bảo vệ môi trường.

Ông Phùng Quốc Hiển băn khoăn, liệt kê thế như vậy đã đủ chưa hay lại hàng năm lại phát sinh nhiều vấn đề, dẫn đến bội chi? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, vấn đề thuộc về ngân sách thì để Luật Ngân sách quy định; thuế môi trường thì đã có Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định. Cần phải rà soát lại, kiên quyết không để chồng lấn và mất tính thống nhất trong luật.

Nửa cuối thời gian làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định biên chế giai đoạn 2014 - 2016 của Văn phòng Quốc hội.

Chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc cử thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.


Thảo Nguyên

(Thanh tra)

Lượt xem: 1374

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE