Biển Việt Nam có chiều dài trên 3.260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2. Trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.

Hệ sinh thái biển Việt Nam khá đa dạng và có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa. Đồng thời, các hệ sinh thái này đem lại nhiều giá trị, lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, với khoảng 28 triệu người chịu tác động gián tiếp và trực tiếp trong đời sống. Trong những thập niên gần đây, các hệ sinh thái biển của nước ta đang bị suy thoái do tác động của con người và biến đổi khí hậu.

Với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển đã xảy ra với tần suất và sự phức tạp ngày càng tăng trên toàn bộ vùng duyên hải Việt Nam với các phạm vi khác nhau ở từng vùng và vị trí khác nhau tùy thuộc vào cấu trúc địa chất, quá trình ven biển và các hoạt động của con người.

Với tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, ngày 22 tháng 10 năm 2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị Quyết số 36/-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển kinh tế biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Ngày 25/6/2015 Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, theo quy định tại Khoản 2 Điều 79, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Để triển khai, thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ngày 12 tháng 10 năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 29/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 04 văn bản hướng dẫn, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 9/2019, đã có 7/28 tỉnh, thành phố phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là cơ sở để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; có 6/28 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; còn lại 15/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển chưa thực hiện việc lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan về dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Với tầm quan trọng của biển trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bờ biển và hải đảo, đảm bảo khai thác sử dụng bền vững các vùng đất ven biển, vùng biển ven bờ, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bảo vệ quyền tiếp cận của người dân đối với biển đảm bảo kế hoạch đề ra theo văn bản số 5877/BTNMT-TCBHĐVN.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển cần chỉ đạo việc thực hiện thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, chỉ đạo các sở, ban, ngành tập hợp hệ thống dữ liệu liên quan nhằm bổ sung các dữ liệu còn thiếu, bố trí nguồn lực, tuyên truyền việc thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển. Đối với các Bộ có liên quan cho ý kiến về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển theo đúng quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng hướng dẫn thẩm định và phê duyệt danh mục và ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. Và, để đảm bảo về thời gian và tính logic của vấn đề, nên ghép việc xin ý kiến và phê duyệt danh mục và ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển./.