quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cần sớm thúc đẩy kinh doanh tín chỉ các bon rừng

Chủ Nhật, 14/07/2024 | 06:18:00 AM

Nhiều địa phương trên cả nước (trong đó có Quảng Nam) có dư địa lớn để phát triển thị trường thương mại các bon rừng. Từ “thương vụ” chuyển nhượng thành công tín chỉ các bon rừng với Ngân hàng thế giới của các tỉnh Bắc Trung Bộ, cũng như Quảng Nam đang đàm phán hợp đồng với các đối tác chiến lược quốc tế, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành hữu quan, địa phương có rừng phối hợp xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các bon rừng.

 

dq1.jpg
Quảng Nam có diện tích rừng lớn với độ che phủ cao hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ từ bán tín chỉ các bon rừng. Trong ảnh là rừng nguyên sinh ở Tây Giang. Ảnh: A.N

Chưa thực hiện dịch vụ hấp thụ các bon của rừng

Xoay quanh việc kinh doanh tín chỉ các bon rừng của Việt Nam (chỉ bán được 5 đô la/ tín chỉ các bon rừng/1 tấn CO2), tại hội thảo diễn ra tháng 6/2024 tại tỉnh Phú Yên, Bộ NN&PTNT thông tin, về giá các bon rừng năm 2023 trên thị trường tự nguyện quốc tế đối với các loại dự án chính, cao nhất là dự án quản lý rừng cải tiến (IFM) với giá 16,21 USD/tấn CO2 (tCO2); tiếp đến là dự án trồng rừng mới/tái trồng rừng/tái sinh thực vật tự nhiên với 15,74 USD/tCO2. Theo Bộ NN&PTNT, một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu (REDD+) tuy giá thấp nhất (7,87 USD/tCO2), nhưng đem lại giá trị cao nhất với 222 triệu USD đã chi trả trong năm 2023 trên toàn cầu (năm 2022 là 584 triệu USD). Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ giá trị chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tCO2.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, 6 tháng đầu năm, nguồn thu dịch vụ môi trường hơn 100,1 tỷ đồng, trong khi kế hoạch thu ủy thác cả năm hơn 194,5 tỷ đồng, chủ yếu thu từ các nhà máy thủy điện, các đơn vị nước sạch và nước công nghiệp.

Đến nay, loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng chưa được thực hiện tại Quảng Nam do Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện cho loại hình dịch vụ này trong khi tỉnh rất có tiềm năng về rừng với độ che phủ cao.

Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam

Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, các văn bản này chỉ quy định chung về nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, đối tượng, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo đó bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng; hoặc bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.

Đối với dịch vụ môi trường rừng từ “hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh” cũng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện và quản lý loại dịch vụ môi trường rừng này.

z5590102389337_44de70c48dc04047551a769834e2fb05.jpg
Cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Nông Sơn) dùng thiết bị công nghệ giám sát, theo dõi diễn biến rừng trong lâm phận được giao. Ảnh: H.P

Theo UBND tỉnh, đến tháng 7/2024, Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ sáng kiến quốc tế REDD+ tại tỉnh Quảng Nam hiện vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết, nhiều dự án thương mại tín chỉ các bon rừng sẽ triển khai trong thời gian đến. Cụ thể: Quỹ khí hậu xanh (GCF)/JICA sẽ mua tín chỉ các bon tại 4 tỉnh Trung Bộ và 11 tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2024 - 2029, với tổng số tiền dự tính 65 - 150 triệu USD (giá 5 USD/tCO2e). Đề án các bon rừng tỉnh Quảng Nam đang đề xuất đưa vào vùng dự án LEAF (Sáng kiến liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp). Bên mua tín chỉ là Tập đoàn BP với lượng tín chỉ ước tính 1,6 MtCO2e/năm, đơn giá 5 USD/tCO2e, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2030.

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các bon rừng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về “Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định”. Chỉ thị chỉ rõ, trong thời gian qua, có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường các bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các bon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ các bon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường các bon và phương thức tạo tín chỉ các bon để có thể giao dịch trên thị trường.

z4382364511015_8db13c6769c57f1a43bb3b7107e60f9b.jpg
Trao đổi công việc tuần tra bảo vệ rừng trong lâm phận Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: H.P

Quản lý tín chỉ các bon bao gồm việc xây dựng và tổ chức triển khai các quy định về cơ chế quản lý việc tạo tín chỉ và trao đổi, mua bán tín chỉ các bon theo hình thức tự nguyện hoặc bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính; là cơ sở cho phát triển thị trường các bon trong nước và tham gia thị trường thế giới.

Chỉ thị nhấn mạnh, việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các bon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các bon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường các bon trong nước, trao đổi với quốc tế. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định về quản lý tín chỉ các bon, hoạt động trao đổi tín chỉ các bon trong nước và ra nước ngoài, trình Chính phủ trước ngày 30/7/2024.

Bộ NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, các cơ quan liên quan và địa phương có rừng khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các bon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Cùng với đó xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các bon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) để làm cơ sở cho các hoạt động trao đổi tín chỉ các bon rừng với các đối tác quốc tế. Nhiệm vụ này hoàn thành trước ngày 31/10/2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN-MT, các cơ quan liên quan và các địa phương có rừng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các bon rừng và quy định chi tiết đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng hấp thụ các bon rừng…

(baoquangnam.vn)

Lượt xem: 939

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE