Giải pháp cho vấn đề cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch
Việt Nam từ chỗ xuất khẩu năng lượng (dầu thô, than), trong vòng 15 năm tới sẽ phải nhập năng lượng, trong đó xăng dầu dùng cho giao thông vận tải chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
|
Chú thích ảnh: Xăng E5, một loại nhiên liệu sinh học vẫn còn đắt vì còn nhiều rào cản (Ảnh: Quốc Minh) |
Khi nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hết công suất, Việt Nam cũng mới tự cung cấp được khoảng 5,3 triệu tấn xăng dầu dùng cho giao thông vận tải trong tổng nhu cầu 15,5 - 16 triệu tăng tấn xăng dầu. Do vậy, Việt Nam hiện tại vẫn phải nhập khẩu ít nhất 2/3 nhu cầu xăng dầu từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước.
Việc giá dầu thô tăng cao đã tác động trực tiếp lên giá thành xăng dầu thành phẩm. Việt Nam đang phải sử dụng một số lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá đồng thời bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai, chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách khuyến khích sử dụng đa dạng hóa các nguồn năng lượng như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và đặc biệt là NLSH (NLSH).
Việt Nam là nước nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu sinh khối dồi dào có thể sử dụng được để sản xuất NLSH với giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh với các dạng năng lượng khác. Quan trọng hơn là góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ.
Cần lực đẩy cho nhiên liệu sinh học
Điều các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần nhất hiện nay là được bổ sung giấy phép kinh doanh nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, các văn bản quy định về quy chuẩn kỹ thuật cho hệ thống pha chế, vận chuyển và tồn trữ xăng pha ethanol cũng cần khẩn trương soạn thảo để đáp ứng thực tiễn kinh doanh và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân đối với loại xăng này. Hàng loạt các rào cản cần lực bẩy cho xăng sinh học ra thị trường.
Ví dụ như, xăng sinh học không có ưu đãi về thuế môi trường. Theo Luật Thuế môi trường, áp dụng vào đầu năm 2012, xăng dầu nói chung, trừ ethanol E100, là một trong 8 nhóm sản phẩm phải chịu thuế môi trường với mức quy định từ 1.000-4.000 đồng/lít.
Điều cần cân nhắc là việc sản xuất nhiên liệu sinh học chỉ ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao nên sản phẩm E5, E10 không thể rẻ hơn xăng truyền thống. Thực tế, chưa có các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối xăng sinh học, nay lại không có ưu đãi về thuế môi trường, vô tình khiến cho khả năng tiêu thụ loại xăng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi sản phẩm xăng E5 và sắp tới là E10 đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đó là chưa kể đến hàng loạt các khó khăn khác như hiện nay Việt Nam chưa có văn bản luật quy định kỹ thuật về hệ thống pha trộn, xe vận chuyển, bồn chứa…; thiếu kinh phí để xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm, thiếu kinh phí quảng bá vì xăng dầu là loại hàng hóa “nhạy cảm” mà xăng E5 lại là sản phẩm rất mới khiến người tiêu dùng lo ngại khi thiếu thông tin về nó...
TS Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, luật pháp đôi khi đi chậm và đi sau thực tế xã hội và thực tế sản xuất. Lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu sinh học cũng không phải là ngoại lệ. Trong thời gian tới, nên có thêm nhiều ý kiến đóng góp để hỗ trợ cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… trong quá trình soạn thảo những quy phạm pháp luật cho lĩnh vực này.