GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Môi trường Đô thị&Công nghiệp Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần hạn chế dần công nghệ chôn lấp rác thải và hướng tới công nghệ tái chế rác thải thành phân vi sinh hoặc đốt rác chuyển hóa năng lượng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Trần Văn Sơn, cho biết trong những năm qua, dù dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị khoảng 83% nhưng việc xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu vẫn thực hiện bằng phương pháp chôn lấp.
Theo ông Dũng, ưu điểm của công nghệ chôn lấp rác thải có ưu điểm là đơn giản so với các công nghệ khác, chi phí đầu tư và vận hành thấp, có thể thu hồi khí CH4 nhưng nhược điểm là chiếm nhiều đất, khó kiểm soát nước rỉ rác, ô nhiễm không khí, mùi hôi khu vực chung quanh bãi chôn lấp.
Ông Sơn nói Việt Nam cũng như các nước đang phát triển đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong vấn đề quản lý chất thải rắn. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, thu hút đầu tư, phát triển công nghệ nhằm phấn đấu đến năm 2050 tất cả các loại chất rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện của từng địa phương và hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
“Hiện một số dự án công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn hoạt động chưa hiệu quả do thiết bị điều khiển hỏng, nhiên liệu tiêu thụ cao”, ông Dũng nêu ví dụ, ”Hiện nhà máy Xử lý Rác Xuân Sơn (Sơn Tây) – công nghệ seraphin xử lý rác không hiệu quả do thiết bị không đồng bộ”.
Nhiều công nghệ xử lý được đưa ra như công nghệ chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, tái chế rác thải thành phân vi sinh, công nghệ đốt rác thải sinh hoạt, công nghệ liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ đốt rác chuyển hóa năng lượng, công nghệ liên hợp xử lý tái chế, v.v…
Tuy nhiên lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng miền lại được ông Dũng nhấn mạnh, “không thể chọn một công nghệ rồi áp dụng cho các tỉnh”.
Theo ông Dũng, tại các đô thị vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long do đặc điểm ngập lũ nên áp dụng công nghệ tái chế rác thải thành phân vi sinh, áp dụng lò đốt rác sinh hoạt có công suất khoảng 300 tấn/ngày; công nghệ đốt rác chuyển hóa năng lượng phục vụ liên đô thị. Tại các đô thị loại đặc biệt và loại 1 nên áp dụng công nghệ đốt rác tái tạo năng lượng, công nghệ liên hợp xử lý rác thải.
Tại các đô thị vùng núi Bắc Bộ nên áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ tái chế rác thải thành phân vi sinh hoặc viên đốt nhiên liệu.
Còn tại các đô thị khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên nên áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ chế biến phân vi sinh và viên đốt, công nghệ liên hợp xử lý tái chế.
Mạnh Cường
(VFEJ)