quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Cần giữ gìn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam

Thứ Sáu, 29/09/2023 | 06:20:00 PM

(VACNE, 29/9) - Đây là ý kiến của cộng đồng các dân tộc địa phương, được phản ánh qua báo chí, trong đó có sự đồng thuận của báo Văn hóa. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Như Đông, qua bạn đọc vừa gửi về.

VHO- Ở làng An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có cây kơ nia cổ thụ hơn 500 năm tuổi. Những năm qua, người dân luôn nỗ lực bảo vệ cây, gìn giữ và phát huy giá trị cây di sản, góp phần bảo vệ nguồn gen quý và văn hóa làng quê của người Việt. 

 

 

Cây kơ nia (cây cầy) được công nhận là cây Di sản Việt Nam

Năm 2014, nhân dân làng An Điềm tự hào được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây kơ nia (cây cầy) là cây Di sản Việt Nam. Trải qua thời gian, cây vẫn đứng hiên ngang, trước những cơn cuồng phong của thiên nhiên, vững vàng như để che chở cho xóm làng. Đứng dưới bóng cây kơ nia ông Lộ Bé (77 tuổi), người dân làng An Điềm kể lại, không còn nhớ rõ cây cầy cổ thụ được trồng chính xác ở mốc thời gian nào. Nhưng theo các bậc cao niên trong làng, cây cổ thụ này không dưới 500 tuổi. “Chúng tôi hỏi các cụ cao niên trong làng thì các cụ nói khi các cụ còn nhỏ đã thấy cây như thế này. Làng chúng tôi hình thành cách đây hơn 500 năm, cây cầy cổ thụ này là chứng tích lịch sử của làng. Cây đã đem lại nhiều điều may mắn cho mọi người. Đặc biệt nó trở thành một biểu tượng, một báu vật vô cùng cao quý của nhân dân trong làng”, ông Bé cho hay.

 

Gốc cây cầy có tán khá rộng, thân to, khoảng 4 - 5 người ôm mới xuể

Gốc cây cầy có tán khá rộng, thân to, khoảng 4 - 5 người ôm mới xuể. Cây nằm trên một gò đất gần mép đường tỉnh lộ Trà Bồng – Châu Ổ, bên phải là cánh đồng lúa bạt ngàn. Cây cầy gắn với đình làng An Điềm, theo gia phả của các tộc họ trong xã ghi chép lại, thời kháng chiến chống Pháp, ngọn cầy là nơi treo cờ khởi nghĩa, bên gốc cầy là nơi tổ chức cách mạng tuyên truyền, cổ vũ sức mạnh, rải truyền đơn, hô hào nhân dân nổi dậy vùng lên đấu tranh làm cách mạng. Sau cách mạng tháng 8, dưới bóng cầy, ban đêm là lớp học bình dân học vụ. Vào năm 1945, một đội viên du kích Ba Tơ đã mở các lớp huấn luyện quân sự, tập đánh kiếm, võ thuật dân tộc cho các dân quân, tự vệ ở các xã của huyện Bình Sơn. Cũng dưới gốc cây cầy, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, bao thế hệ học trò xã Bình Chương đã tập đọc, tập viết những nét chữ đầu tiên. “Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều lần giặc kéo quân để đánh phá làng, một số du kích có ý định chặt hạ cây cầy này để chặn không cho xe địch lên, nhưng các cụ cao niên trong làng vẫn cương quyết giữ lại cây cầy cổ thụ này”, ông Bé nhớ lại. 

 

Người dân làng An Điềm vào ngày 22 tháng Chạp âm lịch tổ chức lễ cúng cầu nguyện cho xóm, làng được bình yên

Hằng ngày, người dân làng An Điềm cần mẫn chăm sóc hoa màu, những lúc nắng nóng, thường vào bóng mát cây ngồi nghỉ ngơi ngồi ngắm cây cổ thụ thì bao mệt nhọc tan biến hết. “Những năm qua, các cụ thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nên không còn tình trạng thả trâu, bò gây hại không gian đình. Cứ vào ngày 22 tháng Chạp âm lịch, người dân lại tề tụ về dưới gốc cây cầy cổ thụ này để dọn dẹp, tổ chức lễ cúng cầu nguyện cho xóm, làng được bình yên … quây quần dưới bóng cây trò chuyện và tự hào đình làng có cây cầy hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây vẫn mang sức sống trường tồn, trở thành “mộc linh” quý của làng”, ông Bé tự hào nói.  
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Chương cho biết, cây cầy đã gắn bó với con người nơi đây qua nhiều thế hệ, không biết tự bao giờ mà tình người, tình đất, tình cây đã hòa quyện vào tâm hồn của các thế hệ. Cây di sản gắn với lịch sử địa phương nên nếu bảo tồn và phát huy tốt những giá trị hiện có thì giữ gìn văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, do có tuổi thọ cao, cây di sản dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai... Để bảo vệ cây di sản, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả cộng đồng.
“Cây cầy để lại cho Bình Chương rất nhiều kỉ niệm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã rất có ý thức trong bảo vệ cây. Hiện nay, UBND xã đã có tờ trình xin kinh phí huyện để bảo tồn và tôn tạo khu vực này cho khang trang xứng tầm với cây di sản”, ông Hải chia sẻ thêm.

NHƯ ĐỒNG

(http://baovanhoa.vn/)

Lượt xem: 1138

Các tin khác

(TTXVN): Cây thiên tuế 200 tuổi ở Bến Tre được vinh danh là cây di sản Việt Nam

(13/01/2025 10:38:AM)

Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(11/01/2025 11:14:PM)

Video của Đài Truyền hình TP HCM: CÔNG NHẬN 8 CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

(02/01/2025 09:57:AM)

(Báo Tuổi trẻ) - Video "Cận cảnh 8 cây quý vừa được công nhận cây di sản ở Thảo cầm viên"

(02/01/2025 09:46:AM)

Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(01/01/2025 11:53:PM)

(nld.com.vn): Thảo Cầm Viên: 8 cây di sản kể chuyện lịch sử thiên nhiên

(01/01/2025 04:21:PM)

(Tuoitre.vn): Thảo cầm viên có 8 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:16:PM)

(Tienphong.vn): Nhìn gần 8 cây cổ thụ ở Thảo cầm viên vừa được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:10:PM)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.

(30/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE