quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cần đầu tư thích đáng cho khoa học môi trường

Thứ Năm, 08/07/2010 | 05:12:00 PM

(Vfej.vn)-Nếu không nghiên cứu về môi trường và có những đầu tư thích đáng cho khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học môi trường nói riêng thì không thể nói đến phát triển bền vững - TS. Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường - Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam, trả lời phỏng vấn.

 

 

 

Viện Công nghệ Môi trường có một số sản phẩm công nghệ chủ lực đã được áp dụng thành công trong phạm vi cả nước (ảnh minh họa internet)

 

- Hiện nay, ở Việt Nam, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại, TS nhận thấy hiện tượng này như thế nào?

 

 

 

- TS. Nguyễn Hoài Châu: Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá khá nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi chất thải.

 

 

Ở các thành phố lớn, quá nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có hoặc không vận hành thường xuyên công trình và thiết bị xử lý nước thải.

 

 

Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị thấy rõ nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở các thành phố này, nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương).

 

 

Mặt khác, còn rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, phần lớn các bệnh viện và cơ sở y tế lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được… là những nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nước. Hiện nay, mức độ ô nhiễm trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn là rất nặng.

 

 

- Vậy nguyên nhân là đâu thưa TS?

 

 

 

- TS. Nguyễn Hoài Châu: Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu: nhận thức của dân về vấn đề môi trường còn chưa cao…

 

 

Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

 

 

Các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu. Chế tài đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa đủ hiệu lực trên thực tế. Chưa có các quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước, gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường nước.

 

 

- Thưa TS, hiện nay có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học về môi trường được nghiên cứu, nhưng trong số đó có không ít những công trình không đem lại hiệu quả thực tiễn. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho khoa học lại thấp, dàn trải. Phải chăng đây là một nghịch lý thưa ông?

 

 

- TS. Nguyễn Hoài Châu: Đúng vậy! Có rất nhiều công trình khoa học được làm xong nhưng không phát huy được tác dụng, thậm chí có một công trình nhưng được nhiều tác giả cùng nghiên cứu, hay nghiên cứu đi nghiên cứu lại.

 

 

 

Hiện nay, mức đầu tư toàn xã hội cho khoa học công nghệ ở nước ta thuộc loại thấp ngay cả so với các nước đang phát triển. Nguồn kinh phí hạn hẹp cùng với tập quán đầu tư dàn trải kiểu phân phối đều không tạo điều kiện cho việc tập trung giải quyết những vấn đề công nghệ trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tạo ra các sản phẩm chiến lược giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc nhất.

 

 

- Nhiều ý kiến cho rằng, để những người làm khoa học nói chung và khoa học về môi trường nói riêng làm được tốt công tác nghiên cứu của mình, nhà nước nên có cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học nhằm tháo gỡ một số bất hợp lý trên? Quan điểm của TS về vấn đề này?

 

 

 

- TS. Nguyễn Hoài Châu: Cơ chế quản lý mở này sẽ giúp phát huy tính năng động sáng tạo cho người nghiên cứu. Khoán kinh phí sẽ giúp người nghiên cứu linh động và lựa chọn phương án tối ưu, có hiệu quả nhất và không bị ràng buộc theo khoản định mức được duyệt theo các khoản ban đầu, tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu không hợp lý, tiết kiệm thời gian và công sức để nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu.

 

 

Người được nhận khoán được toàn quyền sử dụng kinh phí và nếu làm không được phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên việc thực hiện cơ chế khoán kinh phí đối với đề tài nghiên cứu khoa học cần phải đi kèm với việc nâng cao chất lượng công tác xét duyệt đề tài, nghiệm thu đề tài.

 

 

Nếu không thực hiện được điều này, lại tiếp tục rơi vào tình trạng buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho việc thất thoát kinh phí mà không mang lại hiệu quả trong nghiên cứu.

 

 

- Mặc dù rất khó khăn về kinh phí nhưng đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học của Viện Công nghệ Môi trường vẫn đạt hiệu quả cao, hàng năm có rất nhiều đề tài, công nghệ mới được áp dụng vào thực tiễn? Vậy để làm được những điều đó Viện đã phải làm gì?

 

 

- TS. Nguyễn Hoài Châu: Chẳng có cách nào để Viện nghiên cứu khoa học có thể tồn tại và vươn lên trong hoàn cảnh hiện nay nếu không nỗ lực hết sức mình, phát huy năng lực của từng cán bộ nghiên cứu, từng tập thể và tìm mọi cơ hội để phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

 

 

Viện Công nghệ Môi trường có một số sản phẩm công nghệ chủ lực đã được áp dụng thành công trong phạm vi cả nước, đã huy động được nguồn kinh phí nghiên cứu và doanh thu từ các hợp đồng kinh tế lớn hơn 10 lần kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp.

 

 

Viện đã ký kết hợp tác với các đối tác ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Pháp, Canada, v.v... trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như về đào tạo cán bộ.

 

 

Viện đã kết hợp với các trường đại học trong và ngoài nước đào tạo hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ bổ sung cho lực lượng nghiên cứu khoa học của đất nước. Hiện nay chúng tôi đang hoàn thành xây dựng kế hoạch nghiên cứu cho hai năm 2011-2012 và định hướng nghiên cứu đến năm 2015.

 

 

- Xin cảm ơn TS.

 

Minh- Đoàn (t/h)

(VFEJ, 8/7/2010)

Lượt xem: 1787

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE