Cần phải có một cuộc cách mạng trong tổ chức quản lý rừng để giải quyết triệt để những bất cập đang diễn ra, đặc biệt là xung đột tranh chấp đất rừng giữa lâm trường quốc doanh với dân địa phương đang gia tăng - ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu&Phát triển Xã hội (CODE), cho biết.
Sau hơn tám năm thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 200 của Chính phủ, việc sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh (LTQD) vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bình mới - rượu cũ
Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn đến chính sách đổi mới LTQD không đạt hiệu quả là do tiến trình tổ chức thực hiện mới chỉ quan tâm đến tổ chức, cơ cấu lại các LTQD theo hướng "bình mới - rượu cũ" để thúc đẩy nhanh việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho LTQD mà bỏ qua nội dung quan trọng nhất là rà soát đất đai của LTQD và giải quyết tình trạng chồng lấn quyền quản lý đất rừng cũng như mâu thuẫn trong sử đụng đất rừng giữa LTQD và dân địa phương.
Chính vì vậy, rừng vẫn bị chặt phá, đất rừng vẫn bị lấn chiếm, tranh chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lâm trường gặp khó khăn.
Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu về quản lý sử dụng đất rừng tại huyện Tương Dương (Nghệ An) cho thấy, với 78 ha đất rừng trên địa bàn xã Tam Đình, Tương Dương thì có đến năm đơn vị quản lý bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Lâm trường Tương Dương, Hạt kiểm lâm Tương Dương, Phòng Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn huyện Tương Dương, và Ban Quản lý Rừng Phòng hộ huyện Tương Dương.
Cho nên, khi doanh nghiệp được giao khai thác gỗ thì các tổ chức từ cấp huyện đến xã và cả lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đều biết nhưng không có một cơ quan nào tới kiểm tra quy trình chăt phá và số lượng gỗ thì chưa ai có thể thống kê hết được. Chính sự chồng chéo trong quản lý đã tạo ra nhiều mâu thuẫn và hoạt động kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết: “Vùng đệm không cấm khai thác gỗ. Thực ra ít nơi có vùng đệm, cụm từ vùng đệm gọi chung vậy là vùng kề với rừng quốc gia. Việc khai thác của Lâm trường Tương Dương là ở vùng đệm của Vườn Quốc gia nhưng trong chỉ tiêu thì họ được phép khai thác nên không thể cấm. Hoặc vùng đệm đã được giao cho dân thì họ được phép khai thác và cái này cũng không thể gọi là cấm”.
Bên cạnh đó, do ranh giới phân định không rõ ràng, dân thiếu đất sản xuất nên một số hộ gia đình đã tự xâm lấn đất của lâm trường để trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp. Số vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất ngày càng gia tăng, tính từ năm 1995 đến năm 2010, ở xã Tam Đình, số vụ tranh chấp đất đai tăng 12 vụ .
Nguyên nhân được cho là do hộ dân chỉ biết lờ mờ về diện tích đất của mình theo kiểu “cây của ai thì đất của người đó”, thậm chí có hộ chỉ biết trên giấy tờ.
Theo Nguyễn Thị Hương Giang, Đại học Vinh, 100 phần trăm dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng nhưng số hộ được giao đất giao rừng còn ít. Trong số 13 hộ được giao đất rừng thì chỉ có hai hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sổ đỏ đất.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Quế Sơn, Quế Phong, Nghệ An, cho biết xã Quế Sơn có 450 ha rừng phòng hộ, nhưng có đến 2000 ha đất hoang phí trong khi dân vẫn thiếu đất sản xuất và đất ở.
“Đất rừng lâm trường rộng mênh mông thì không khai thác lại đi khai thác tận đất ở của dân, khiến cho mâu thuẫn giữa dân và lâm trường ngày càng cao độ”, ông Dũng bức xúc.
Cần rà soát lại
Ông Tú cho rằng cần ưu tiên thực hiện giao đất rừng tối thiểu là 3 – 5 ha/người để họ có thể khai thác, đảm bảo sinh kế. Tuy nhiên, tiến trình rà soát đất đai và giao lại cho địa phương diễn ra rất chậm, đến năm 2011 đã bàn giao 702.000 ha nhưng chỉ mới thực hiện ở bước thống kê, rà soát phân loại trên sổ sách. Trong khi đó, đất giao lại cho dân nhiều nơi không phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của dân địa phương.
Hơn nữa việc tổ chức rà soát đất đai của LTQD theo quy định được tiến hành nhưng chủ yếu là trên giấy tờ mà hầu hết chưa xác định trên thực địa.
Trường hợp ở xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, sau rà soát LTQD, thu hồi đất giao cho địa phương 1025 ha đất chưa sử dụng. Điều đáng nói ở đây, diện tích này lại nằm rải rác xen kẽ núi đá và ở quá xa khu dân cư, địa hình hiểm trở nên khi tổ chức giao đất thì dân không nhận.
Theo ông Nguyễn Khắc Thứ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, việc giao đất giao rừng vẫn không giải quyết được thỏa đáng cho dân là do chính quyền không phân định rạch ròi và thực hiện không quyết liệt. Một số nơi, chính quyền tự chuyển đổi theo ý chủ quan, rừng hạ nguồn lại chuyển thành rừng phòng hộ và ngược lại rừng đầu nguồn lại biến thành rừng sản xuất và khai thác.
Theo đó, chính sách về rừng hiện nay muốn được thực hiện hiệu quả thì cần quan tâm đến nguồn lợi chung của lâm trường, địa phương và hộ dân vì nó liên quan đến nguồn tài nguyên dưới lòng đất.
Đồng tình với ý kiến trên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý Bảo vệ Rừng&Chứng chỉ Rừng, cho biết, biện pháp tốt nhất là cổ phần hóa LTQD, muốn vậy cần đánh giá được tài sản đất đai. Trước đây giá trị đất chưa cao thì có giao rừng cho dân, họ cũng không mấy mặn mà.
Nhưng từ khi đất đai trở thành mối quan tâm của nhiều người, xung đột tranh chấp đất rừng giữa LTQD với dân, LTQD với chính quyền địa phương ngày một gia tăng.
Để giải quyết được mâu thuẫn này, khâu rà soát đất đai và quy hoạch rừng cần được thực hiện song song với nhau vì khi nắm được tài sản của mình có bao nhiêu thì trên cơ sở đó mới đưa ra được chính sách hợp lý.
Tường Vi
(VFEJ)