quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn

Chủ Nhật, 30/08/2020 | 03:49:00 PM

Ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn ở nước ta vẫn tiếp tục gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí như hiện nay.



Ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người dân. Ảnh: Triệu Quang

Phó Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết: Vấn đề ô nhiễm không khí (ÔNKK), nhất là ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi mịn (PM10, PM2.5) đang trở thành thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của các chính quyền đô thị. Ðây là xu thế chung của các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế nêu trên. Với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế thời gian qua, nguồn phát sinh khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, các khu công nghiệp, các làng nghề… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Kết quả quan trắc tại Hà Nội cho thấy, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 chịu tác động rất nhiều từ điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có và hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch, dẫn đến chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng cao. Cụ thể, trong bốn tháng đầu năm 2020, Hà Nội có 47,3% số ngày có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép. Có những ngày ô nhiễm ở mức khá cao, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt từ 2 đến 3,4 lần giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc cũng cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí do hiện tượng nghịch nhiệt, sương mù quang hóa; tuy nhiên phần lớn thông số ô nhiễm vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Do vậy, có thể khẳng định vấn đề ÔNKK tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc nói chung chủ yếu vẫn tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn có giá trị đạt QCVN 05:2013/BTNMT.

Theo các chuyên gia lĩnh vực môi trường, các nguồn phát thải của con người là nguyên nhân chính dẫn đến ÔNKK ở các đô thị lớn do khí thải từ số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải. Hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa thực hiện nghiêm túc việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hằng ngày cũng như để kinh doanh. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan là thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt; ảnh hưởng do lan truyền ÔNKK khí xuyên biên giới…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ môi trường không khí đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QÐ-TTg ngày 1-6-2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các bộ, ngành xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng; đồng thời các địa phương đã triển khai một số biện pháp nhằm từng bước cải thiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình diễn biến ÔNKK  trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

 Ðể tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được trình Quốc hội cho ý kiến; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải và chất lượng môi trường không khí tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục xây dựng các trạm quan trắc để cảnh báo, dự báo; nâng cấp việc kiểm soát đo đạc, công bố và sử dụng các nguồn dữ liệu chính thống để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông, hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ...

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường. Việc xây dựng các công trình giao thông trong đô thị phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm bụi; tăng cường kiểm soát các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, dầu khí, hóa chất, thép... Các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tiếp tục khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

THÁI SƠN/Nhandan

Lượt xem: 1711

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE