quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cái lò không có lỗi, lỗi là do chúng đã được sử dụng như thế nào

Thứ Sáu, 06/03/2020 | 05:21:00 PM

(VACNE) – Mới đây, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam các vấn đề liên quan đến lò đốt rác tại các địa phương.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xin đăng tải toàn văn bài viết Cái lò không có lỗi, lỗi là do chúng đã được sử dụng như thế nào đã được đăng trên chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi một số nơi có lò đốt rác không đạt chuẩn, tỷ lệ ung thư và các bệnh khác tăng

GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cái lò không có lỗi

Bà bình luận ra sao về chuyện nhiều địa phương đang nở rộ lò đốt rác cỡ nhỏ?

Một số nơi hiện đang phát triển lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, quy mô cấp xã để giải quyết nhu cầu cấp bách là rác thải tràn lan bởi quá trình đốt giúp giảm thể tích đáng kể, chỉ còn lại cỡ 15-20%. Nhưng chúng lại đang có vấn đề khiến cho rất nhiều người quan tâm mà tôi cũng nằm trong số đó.

Tôi có tham gia thẩm định một số lò nhỏ cách đây khoảng 5-7 năm. Về mặt nguyên lý vận hành và hệ thống xử lý chất thải đi kèm chúng có thể chấp nhận được nếu mà quá trình cháy đảm bảo yêu cầu về thành phần rác được đốt, điều kiện đốt, nhiệt độ cháy, thời gian lưu, bảo đảm các công đoạn xử lý chất thải, khí thải phát sinh.

Những lò ấy cũng có thể áp dụng được để đốt rác sinh hoạt nhưng khi được lắp đặt tại các xã thì không phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Cái lò không có lỗi chỉ có điều nó chưa phù hợp với trình độ kỹ thuật, kinh tế, điều kiện sống ở nông thôn của chúng ta khi đặt tại địa điểm không phù hợp, người đốt trình độ kém, vận hành không đúng quy trình và thành phần rác đưa vào cũng không phù hợp nốt.

Thực chất lò đốt rác quy mô nhỏ thích hợp cho nhiều vùng nông thôn ở nước ngoài khi mà rác sinh hoạt của họ được phân loại rõ ràng. Ở nông thôn chúng ta, sau rất nhiều năm phát triển kinh tế, thành phần rác đã thay đổi. Tỷ lệ các chất như nhựa, nylon, cao su, thủy tinh, kim loại, chất thải điện tử rồi bao bì thuốc BVTV, phân bón… không được phân loại tăng lên rất nhiều thay thế cho các thành phần hữu cơ dễ phân hủy của ngày xưa.

Rác vẫn đang cháy rừng rực đã được cào ra khỏi lò, hoàn toàn sai quy trình ở lò đốt tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rác vẫn đang cháy rừng rực đã được cào ra khỏi lò, hoàn toàn sai quy trình ở lò đốt tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đưa vào lò đốt, khi cháy chúng hình thành khí thải không còn dễ kiểm soát nữa bởi bên cạnh các thành phần khí ô nhiễm thông thường như SO2, CO, NOx, CO2, bụi… có thể sẽ xuất hiện thêm cả dioxin. Đây chính là chất độc màu da cam đã để lại nhiều hậu quả thời chiến tranh.

Ở một số địa phương có lò đốt rác không đạt chuẩn, tôi thấy tỷ lệ ung thư và các bệnh khác tăng lên rất nhiều nhưng cũng không thể đổ cho mỗi khí thải lò là nguyên nhân được bởi khó chứng minh.

Có rất nhiều nguồn gây bệnh khác như môi trường ô nhiễm do công nghiệp, thực phẩm nhiễm hóa chất, nông nghiệp sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học thiếu kiểm soát…

Vấn đề thứ hai là người ta có khuyến cáo về chế độ đốt, nhiệt độ cháy, thời gian lưu trong lò để phòng ngừa và giảm thiểu các chất ô nhiễm trong đó có cả dioxin như đã đưa ra tại QC VN 61.

Với lò đốt 2 buồng yêu cầu về nhiệt độ buồng đốt sơ cấp > 400oC và nhiệt độ buồng đốt thứ cấp >950oC, thời gian lưu cháy >2s… Nếu nhiệt độ không đạt còn phải bổ sung thêm nhiên liệu để nâng tới yêu cầu.

Nhưng phần lớn lò đốt quy mô nhỏ hiện nay lắp đặt tại một số xã được vận hành bởi những lao động không đủ trình độ, không quan tâm đến những yêu cầu kỹ thuật mà chỉ biết quẳng rác vào.

Lò mới nhóm, nhiệt độ cháy chưa thể đạt nhưng người ta chẳng buồn nhìn nhiệt kế mà cứ gói to, gói nhỏ, rác ướt, rác khô đưa vào khiến cho nhiệt độ cháy không đạt, thời gian lưu tại các vùng đốt và vùng cháy không đạt.  Không có trách nhiệm và cũng không ai kiểm soát họ cả.

Thứ ba là, thực tế một số loại lò đốt công suất nhỏ ở Việt Nam hiện cũng có hệ thống xử lý khí thải tối thiểu nhưng do không có điều kiện để duy trì như điện, nước, hóa chất và người vận hành cũng không quan tâm… nên hoạt động cầm chừng hoặc không hiệu quả. Tất cả những nguyên nhân đó khiến cho chúng là nguồn phát sinh các chất khí độc hại và có thể là cực kỳ độc hại như dioxin.

Không thể xử lý dioxin theo cách đó

Từ trước đến nay bà có đi cùng các đoàn môi trường hay nông thôn mới để kiểm định các lò đốt rác không?

Tôi có đi với nhiều đoàn kiểm tra môi trường kể cả tại khu vực có lò đốt rác quy mô nhỏ tại một số xã. Các yêu cầu về kỹ thuật vận hành thường không được kiểm soát, nhiệt độ cháy trong lò thường không ổn định và thấp hơn, ô nhiễm môi trường do khí thải, khói, bụi, mùi, do nước rỉ rác tràn lan, do tro xỉ để lung tung. Người vận hành lò chỉ biết rác đến là đốt, hôm sau lại đốt, hầu như không vận hành xử lý khí thải.

Hiện có một số đơn vị có khả năng quan trắc dioxin trong khí thải  nhưng không nhiều. Tôi không tham gia lấy mẫu nhưng không cần xem kết quả mà chỉ nhìn những lò đốt cỡ nhỏ như vậy, rác thải không phân loại với nhiều túi nylon, nhựa, bao bì nhiễm hóa chất, hệ thống xử lý khí không vận hành cũng có thể hiểu rằng không kiểm soát được các thành phần khí thải độc hại phát sinh cũng như dioxin. Chúng ta đã có nhiều bài học cho chuyện này, ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc trước đây đã phát triển những lò cỡ nhỏ sau đều phải bỏ.

Đốt rác lộ thiên như thế này cũng dễ phát sinh dioxin. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đốt rác lộ thiên như thế này cũng dễ phát sinh dioxin. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có những cách xử lý dioxin nào thưa bà?

Không phải là không thể xử lý được dioxin phát thải từ các lò đốt rác. Cụ thể, có thể phun than hoạt tính vào dòng khí thải hoặc đưa dòng khí thải qua lớp than hoạt tính để hấp phụ nó, sau một thời gian than hoạt tính bão hòa sẽ được đưa đi xử lý như là chất thải nguy hại. Một cách nữa là ở một số nước phát triển có thể dùng phương pháp xúc tác khử lựa chọn để phân hủy dioxin. Tuy nhiên lò đốt rác thải đang hoạt động hiện nay ở Việt Nam tôi không thấy áp dụng hệ thống xử lý dạng này.

Cách xử lý phổ biến nhất cho 109 lò đốt rác ở Nam Định là cải tạo hệ thống khí bằng cách cưỡng bức qua một bể nước vôi, liệu nó có ngăn chặn được dioxin?

Hoàn toàn không. Dioxin không phải là khí dễ hòa tan, không phải là khí dễ phản ứng với kiềm, không phải là khí có thể tạo thành hợp chất mới bằng cách sục qua kiềm (nước vôi). Bể nước vôi ấy chỉ có tác dụng xử lý với những khí có tính axit như SO2, NO2, HCl… nên khí của lò đốt rác sau đó vẫn phải xử lý dioxin ví dụ bằng phương pháp hấp phụ với than hoạt tính. Một điều phải chú ý là nếu khí thải ra có nhiều hơi nước thì than hoạt tính sẽ giảm tác dụng hấp phụ dioxin.  

Chúng ta không còn thời gian nữa

Thực tế là không làng nào, xã nào muốn cho đặt bãi rác, lò rác, kể cả nếu có đặt, công suất có lớn cũng chỉ muốn xử lý rác ở địa phương mình thôi không cho rác nơi khác vào xử lý?

Không thể biến mỗi xã một lò đốt rác cỡ nhỏ kiểu này thành một nguồn phát thải ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mọi làng xã, không chỉ không khí mà còn nước do nước rỉ rác, còn đất do tro xỉ vứt lung tung. Chiến lược quản lý chất thải rắn của Việt Nam trong những năm tới là khu xử lý rác tối thiểu phải quy mô liên xã, huyện, tỉnh, thậm chí là liên tỉnh nếu cần.

Việc vận chuyển rác trong khoảng bán kính bao nhiêu đó đến khu xử lý phải đưa ra những quy định bắt buộc. Phải vì sức khỏe chung, vì quyền lợi chung của cộng đồng chứ không phải vì mỗi làng xã của mình.

"Dòng sông rác" vây quanh một lò đốt ở tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo tôi, chúng ta không còn thời gian để chờ đợi nữa, phải xử lý rác ở các khu xử lý tập trung đã được quy hoạch phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường của từng địa phương. Công nghệ thì không chỉ một loại hình chôn lấp hợp vệ sinh hay sản xuất phân hữu cơ vi sinh hoặc đốt mà liên hợp nhiều các biện pháp để tận thu, tái chế để giảm lượng phải xử lý cuối cùng. 

Xu hướng chung, mọi người đều nhận định ở Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2030 không thể áp dụng lò đốt rác quy mô nhỏ ở nông thôn vùng đồng bằng được.

Sau này, nếu vấn đề phân loại rác tại nguồn tốt, quản lý tốt, kĩ thuật vận hành tốt, kiểm soát được nghiêm ngặt quá trình cháy và xử lý các loại chất thải thì có khi lò loại này có thể được áp dụng ở tại một số khu vực như hải đảo, vùng sâu, vùng xa nơi không thuận tiện để có khu xử lý rác thải tập trung quy mô lớn. Còn hiện nay thì chúng đang lợi bất cập hại, để lại hậu quả lớn về môi trường.

Tôi biết nhiều lò chỉ đốt thôi chẳng có hệ thống xử lý khí gì nhưng khi có đoàn kiểm tra đến, họ được báo trước thì mọi chỉ số lại ngon lành.

(GS.TS Đặng Thị Kim Chi)

Xin cảm ơn bà!

Dương Đình Tường

Lượt xem: 1334

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE