quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Các dòng sông đang bị ngược đãi

Chủ Nhật, 12/09/2010 | 03:00:00 PM

Việt Nam là quốc gia sông ngòi. Không chỉ là nguồn nước cho cuộc sống, sông Việt Nam còn là chiếc nôi văn hoá của dân tộc. Ngày nay, hầu hết các dòng sông đều bị ô nhiễm, một số bị đối xử như những dòng nước thải. nhiều dòng sông khác bị thay đổi cấu trúc và thủy chế để trở thành các dòng sông tàn theo mùa.

 
(Bài viết nhân ngày Làm cho Thế giới sạch hơn 2010)
 
 
Nguyễn Đình Hòe VACNE


 
Sông Bồ (Thừa Thiên – Huế) cạn khô vào đầu năm 2010
Việt Nam - đất nước của những dòng sông.
Nước ta có hơn 2.300 sông ngòi, tập trung thành hơn 30 hệ thống lớn nhỏ, nhưng chỉ có 9 hệ thống sông có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000 km2. Đó là các hệ thống sông Cửu Long, sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Mã, sông Cả, sông Ba (Đà Rằng), sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng - Bằng Giang và sông Thu Bồn. Cũng chín hệ thống sông lớn này đã lưu giữ và vận chuyển khoảng 758,2 tỷ m3 nước mỗi năm, chiếm 90% tổng lượng tài nguyên nước mặt, hoặc là 86% toàn bộ tài nguyên nước quốc gia. Đến nay, mỗi năm chúng ta sử dụng hết khoảng 350-400 tỷ m3 nước, trong đó chỉ có khoảng 10 tỷ m3 nước ngầm, còn lại trên 97% nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất đều lấy từ sông ngòi. Những số liệu này cho thấy những biến động về khối lượng cũng như chất lượng nước của các dòng sông sẽ gây tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế và cuộc sống của đất nước.
 
Tuy nhiên, sông Việt Nam còn có những giá trị lớn lao không kém việc cung cấp nước, đó là những giá trị về tâm linh, về văn hoá, về văn minh của cả dân tộc.Trước hết phải thấy các dòng sông là những chiếc nôi của nền văn minh Đại Việt. Ngày xưa khi hệ thống đường bộ còn chưa phát triển, giao thông, buôn bán… phần lớn đều theo các dòng sông. Dọc theo sông là hàng vạn làng nghề thủ công, chùa chiền, đền miếu. Hầu hết các tỉnh thành Việt Nam không lấy sông làm ranh giới mà thường lấy sông làm trung tâm kinh tế - văn hoá. Các dòng sông lớn thường chảy xuyên qua các tỉnh, hình thành các vùng địa văn hoá đặc sắc và đa dạng: văn hoá Kinh Bắc với sông Cầu, sông Đuống, Thanh Hoá với sông Mã, Ninh Bình với sông Đáy, sông Hoàng Long, Huế với sông Hương, Quảng Nam với sông Thu Bồn, Quảng Ngãi với sông Trà Khúc… có thể kể ra hàng chục tỉnh thành đều lấy sông làm gốc cho sự phát triển. Từ khi vào khai phá miền đất ngập nước Tây Nam Bộ, người Việt Nam đã xây dựng nên cả một nền văn minh kênh rạch nổi tiếng Đông Nam Á.


“Thiên ấn niêm hà” (Ấn Trời đóng vào sông) – cảnh đẹp trên sông Trà Khúc Quảng Ngãi
 
Việt Nam cũng nổi tiếng vì những chiến công trên những dòng sông: Như Nguyệt (sông Cầu) - đời Lý, sông Bạch Đằng - đời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Nhân Tông, rồi những chiến thắng trên Rạch Gầm - Xoài Mút thời Vua Quang Trung, những trận đánh vang dội trên sông La Ngà, sông Lô, sông Thao,… thời chống Pháp. Chỉ một kiểu chôn cọc gỗ xuống sông mà 3 lần quân xâm lược phương Bắc đều thảm bại trên sông Bạch Đằng trong thời gian hơn 3 thế kỷ. Nếu không phải là một dân tộc của sông nước thì lịch sử Việt Nam đã không lẫy lừng với những chiến thắng trên các dòng sông như vậy. Vào thời bình, các dòng sông Việt Nam là cội nguồn của thơ ca. Các làn điệu quan họ, hò mái đẩy, hát dặm, vọng cổ…, các lễ hội bơi trải, đua ghe… đều xuất sứ hay gắn liền với sông nước. Hình ảnh con sông quê hương, cây đa, bến nước, con đò, bãi dâu… tràn ngập lời ru của mẹ và đầy ắp trái tim của các chàng trai trên đường hành quân đánh giặc năm nào
 
Các dòng sông hàng mấy ngàn năm qua đã nuôi dưỡng con người và nền văn hoá Việt Nam, ngày nay đang bị nhiễm bẩn và dị dạng vì người ta đã phát hiện ra thêm các "giá trị" mới của chúng, đó là nơi xả thải thuận lợi nhất và là nơi can thiệp “dễ” nhất (!).
 
Các dòng sông đang bị ngược đãi
 
Kể từ khi Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực năm 1994 và được sửa đổi nam 2005, các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học đều liên tục cảnh báo về tình trạng ô nhiễm các dòng sông. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm các dòng sông cứ lặng lẽ tăng dần. Độ đục ở nhiều dòng sông, nhất là các dòng sông miền Bắc ngày càng lớn. Khái niệm về một dòng sông trong xanh đã không còn đúng với sông Lô (trong tiếng Việt cổ Lô có nghĩa là trong, sáng) sông Thương, sông Cầu, sông Mã, sông Hương… Tất cả các đoạn sông chảy qua đô thị và khu công nghiệp trên toàn quốc đều bị ô nhiễm nặng, đại bộ phận đều thuộc loại B (bẩn vừa); lượng ôxy hoà tan giảm mạnh, nồng độ các chất ô nhiễm như hữu cơ, nitơ, dầu mỡ, phốt pho, axit các loại, kim loại nặng và các chất độc hại khác không ngừng tăng lên. Các sông miền Đông Nam Bộ, nơi nhận chất thải của hàng ngàn nhà máy và hơn 10 triệu dân của các trung tâm đô thị và công nghiệp lớn nhất nước cũng lại là những dòng sông bẩn nhất. Sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông đã trở thành những dòng sông axit với độ pH trung bình khoảng 4,0 - 4,5 (chú ý rằng độ pH của dấm ăn là 3,5).
Số liệu quan trắc của ngảnh Tài nguyên Môi trường cho thấyMôi trường đã bị dồn đến chân tườngĐó là công bố của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên tại lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2009 - "Môi trường khu công nghiệp Việt Nam" tổ chức ngày 1.6.2010 tại Hà Nội.Đến tháng 10.2009, cả nước đã có 223 khu công nghiệp (KCN), trong đó đã có 171 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất gần 57.300ha, đạt tỉ lệ lấp đầy khoảng 46%.Lượng chất thải rắn từ các KCN cũng đang có chiều hướng gia tăng, trong đó thành phần chất thải rắn nguy hại chiếm tới 20%. Riêng năm 2010, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp của cả nước khoảng 4,8 triệu tấn, trong đó có khoảng 630.000 tấn chất thải nguy hại.Vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn tại các KCN đang còn nhiều bất cập đối với việc quản lý, vận chuyển và đăng ký nguồn thải đối với chất thải nguy hại, dẫn tới việc đổ trộm, chôn lấp trộm... chất thải ra môi trường đang diễn ra khá phổ biến.Chỉ trong thời gian ngắn kể từ lúc có lực lượng cảnh sát môi trường, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 5.000 vụ DN gây ô nhiễm.
 
Tổng cục Môi trường cho biết, mới chỉ có 40% các KCN có hệ thống thu gom nước thải, rác thải, do đó hoạt động sản xuất của các KCN đang là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường rất lớn. Hiện đang có 70% trong số hơn 1 triệu mét khối nước thải/ngày từ các KCN đang được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, Nước thải sinh hoạt của các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Việt Trì, Biên Hoà… cũng xả trực tiếp ra sông. Từ các vùng nông nghiệp, phần dư thừa của hoá chất bảo vệ thực vật cũng chảy ra sông. Ở một số sông phía Bắc, dư lượng hoá chất Endrin và DDT vượt quá quy chuẩn môi trường.
 
Không cứ những khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhiều năm trước mà ngay những khu công nghiệp mới cũng không chịu xử lý nước thải mà cứ tự nhiên xả thẳng ra sông. Sông Srepok Tây nguyên là một trong những ví dụ. Srepok là con sông nổi tiếng ở các tỉnh Tây Nguyên với nhiều ghềnh thác hùng vĩ, đi liền với nhiều truyền thuyết, sử thi gắn với dòng sông này. Khu công nghiệp Hòa Phú bên bờ phải sông Srepok vẫn chưa xây dựng cơ sở xử lý nước thải công nghiệp. Đối diện với khu công nghiệp Hòa Phú, là khu công nghiệp Tâm Thắng (thuộc địa bàn xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Dak Nông) được xây dựng với nhiều cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động. Hàng ngày, các cơ sở công nghiệp xả nước thải xuống dòng sông. Chỉ riêng từ đầu năm 2010 đến nay, nước sông Srepok đã có 3 lần bị ô nhiễm nặng, làm cho các loài cá tự nhiên như cá lăng, cá chép, cá trôi, cá mè… chết trắng trôi dạt trên một quãng sông dài hơn 14 km thuộc các xã Hòa Phú (Buôn Ma Thuột), Ea Nhol (Buôn Đôn) của Dak Lak và Tâm Thắng, Ea Pô (Cư Jut - Dak Nông) (1)
 
Việc xây dựng nhiều hồ đập thủy điện trên các dòng sông Miền Trung - Tây Nguyên không tính đủ tác động môi trường đã dẫn đến là biến dạng bất lợi về dòng chảy và thủy chế: mùa khô cần nước thì thủy điện tích nước gây hạn nặng, mùa lũ thì thủy điện xả lũ gây gia tăng lũ lụt cho hạ lưu. Nhiều thủy điện lại chuyển nước từ sông này sang sông khác chỉ tiện cho việc phát điện mà không tính đến thiệt hại cho các vùng hạ lưu sông,...Không ít doanh nghiệp được cấp phép khai thác sử dụng đất và tài nguyên nước trong các lưu vực sông, cũng như không ít cơ quan quản lý đã cố tình không nhận ra rằng không phải doanh nghiệp, mà các cộng đồng dân cư sống trong lưu vực mới chính là chủ nhân thực sự và lâu đời của dòng sông đó.
Can thiệp thô bạo vào thủy chế và trắc diện, xả thải làm ô nhiễm nghiêm trọng các dòng sông, khi nhận ra thiệt hại thì đã khó sửa chữa. Thực ra những vấn đề ngược đãi các dòng sông không khó gì để nhận ra và quản trị, cái làm người dân không hiểu được là tại sao lại không quản trị được mà thôi.

Chú thích:
(1) Sông Srepok Tây Nguyên đang bị ô nhiễm.http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/40165/
.
 
 
 
 

Lượt xem: 1796

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE