quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

"Bùn phun trào ở Ninh Thuận chính là núi lửa bùn"

Thứ Ba, 22/03/2011 | 04:49:00 AM

Hơn một tháng nay, người dân ở khu vực xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) xuất hiện những ụ đất lạ trên ruộng lúa. Từ những ụ đất này, bùn đã đùn lên, điểm phun trào lớn nhất có đường kính khoảng 2m2.

 
 
Ụ bùn xuất hiện tại những ruộng lúa ở Ninh Thuận. (Ảnh: TTO)


Cùng với các trận động đất, sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản và sau đó là một số trận động đất, núi lửa ở Indonesia, Philippines…, hiện tượng bùn phun trào tại Ninh Thuận đã khiến người ta đặt dấu hỏi: Liệu có một bi kịch thiên tai tại Việt Nam, nhất là khi Ninh Thuận được chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ Doãn Đình Lâm, Trưởng phòng Trầm tích (Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đây chỉ là hiện tượng núi lửa bùn.

- Thưa tiến sĩ, dư luận gần đây rất quan tâm đến hiện tượng bùn phun trào ở Ninh Thuận. Là một chuyên gia nghiên cứu về địa chất, ông có nhận định gì về hiện tượng trên?

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm: Đây là hiện tượng địa chất bình thường, liên quan đến hoạt động của các túi khí dưới lòng đất.

Thông thường, ở dưới lòng đất thường có các tích tụ khí. Các túi khí này lớn dần và đến thời điểm nào đó một khi tầng chắn yếu đi thì các túi khí này có thể đi lên trên. Khi một dòng khí nào đó đi lên, gặp tầng địa chất gắn kết yếu hoặc túi bùn thì nó sẽ xuyên thủng tầng đất đó để đi lên mặt đất. Trên đường đi, nếu nó gặp tầng bùn đất nhão thì nó sẽ đưa cả tầng đất nhão (bùn) đó lên cùng.

Trong chuyên môn hiện tượng này gọi là núi lửa bùn (mud volcano).

Trên thế giới tại nhiều nơi như Indonesia, Philippines, Mỹ, Nga… đã từng xảy ra hiện tượng núi lửa bùn này.

- Hiện tượng núi lửa bùn như ông nói có liên quan đến động đất không?

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm: Không liên quan gì đến động đất! Về cơ chế, hiện tượng phun trào bùn được xếp vào dạng núi lửa vì cùng là phun trào lên mặt đất, nhưng về bản chất thì không giống như núi lửa thực thụ (volcano).

Cụ thể, núi lửa thực thụ phun dung nham nóng chảy lên mặt đất và có nguồn gốc từ rất sâu trong lòng đất. Núi lửa bùn thì không phun dung nham nóng chảy mà phun bùn với nhiệt độ thấp và chúng có nguồn gốc nông.

Đây chỉ là hiện tượng giống như phun trào núi lửa nên giới chuyên môn mới đặt cho cái tên "núi lửa bùn."

- Hiện tượng này đã từng xảy ra ở Việt Nam chưa, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm: Hiện tượng núi lửa bùn đã từng xảy ra với quy mô nhỏ tại một số nơi ở Việt Nam, chủ yếu tại miền Trung Trung Bộ.

- Ông có đưa ra khuyến cáo gì cho người dân và cơ quan quản lý?

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm: Vùng có hiện tượng núi lửa bùn hoạt động là vùng đất yếu, cần cảnh báo để người dân biết phòng tránh.

Trên thực tế, núi lửa bùn không gây nhiều nguy hiểm như nhiều người nghĩ. Thậm chí còn có thể khai thác (tắm bùn) để phục vụ sức khỏe, vì trong bùn của núi lửa bùn có một số chất có lợi. Song, cần phải tiến hành nghiên cứu thành phần bùn trước khi sử dụng.

- Được biết, địa điểm bùn phun trào cách khu vực dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân không xa, ông có lời khuyên nào cho các nhà quản lý trong việc triển khai nhà máy này trong tương lai?

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm: Hoạt động của núi lửa bùn đương nhiên gắn với đới đứt gãy nào đó (nông hay sâu). Tuy nhiên vì nó không liên quan đến động đất nên không gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Tuy nhiên, vì núi lửa bùn liên quan đến đới đứt gãy trong vỏ trái đất nên cũng cần đánh giá đúng mức hoạt động kiến tạo, nhất là kiến tạo hiện đại trong khu vực nhà máy điện hạt nhân và xung quanh. Từ đó, đánh giá mức độ rủi ro và là cơ sở để thiết kế nền móng của nhà máy.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Tiến sĩ Doãn Đình Lâm sinh năm 1952. Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư địa chất tại Đại học Taskent (Liên Xô cũ) năm 1976 và về nước và công tác tại Viện Địa chất, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam từ đó đến nay.

Năm 1994-1996, ông học Thạc sĩ tại trường ĐHTH Vrije Brussel, Vương Quốc Bỉ và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 2003 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2003-2004, ông sang Đài Loan thực tập sau tiến sĩ.

Năm 2005 Tiến sĩ Doãn Đình Lâm đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Công nghệ, với cương vị là đồng tác giả của Tập bản đồ Atlas Quốc gia Việt Nam./.

Đặng Trung

(Vietnam+, 21/3/2011)

Lượt xem: 1242

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE