1.Gần một triệu mét khối bùn đỏ tràn ra do vỡ đập một hồ chứa bùn đỏ của nhà máy chế biến alumin và nhôm ở Ajka hôm 4/10. Kolontar và Devecser là hai thị trấn bị thiệt hại nặng nề nhất. Lượng bùn này tràn xuống các ngôi làng bên dưới nhà máy và đã tràn đến sông Danube, con sông dài thứ hai châu Âu, hôm 7/10.
Bộ trưởng Môi trường Hungary Zoltan Illes xác nhận lớp bùn, phủ trên một diện tích 41 km2, chứa "một hàm lượng cao các kim loại nặng", trong đó có chất gây ung thư."Nếu lớp bùn khô đi và gió có thể phân tán chúng thì có thể sinh ra hiện tượng nhiễm độc kim loại nặng thông qua đường hô hấp", Bộ trưởng Illes nói.
Tổ chức Greenpeace cho biết trong các mẫu bùn đỏ có lượng thạch tín và thủy ngân cao đến mức "đáng kinh ngạc". "Chúng tôi lo ngại thạch tín có thể đi vào mạch nước ngầm và làm ô nhiễm đường nước sinh hoạt. Đây là một vấn đề nghiêm trọng khi chúng tôi xem xét các hậu quả lâu dài", BBC dẫn lời một nhà khoa học của Geenpeace, Herwig Schuster, cho biết. "Chúng tôi còn sợ rằng thủy ngân sẽ đi xuống sông và vào chuỗi thức ăn".
Tuy nhiên chất gây hại nhãn tiền của bùn đỏ chính là độ kiềm rất cao, gây bỏng, mù mắt và các hội chứng liên quan khác.
Trong khi đó thì Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Rt.), cơ quan chủ quản của nhà máy sản xuất alumin nơi xảy ra tai nạn (TP Ajka), cho rằng đây là một sự cố không thể tính trước và lỗi không thuộc về họ, rằng bùn đỏ của họ không phải là chất thải độc hại, rằng họ đã cố gắng hết sức nên thảm họa xảy ra là do ông trời(!).
2.Một trong những quan tâm là bùn đỏ thải ra trong quá trình chế biến alumin có phóng xạ, kim loại nặng và các chất độc hại khác không sau khi báo cáo của chuyên gia Tập đoàn CHALCO Trung Quốc có nói đến việc xuất hiện các chất phóng xạ Thori và Uran trong bùn đỏ của Trung quốc và thông tin của Đại biểu Nguyễn Quốc Trân về việc Trung Quốc đã đóng cửa khoảng 100 mỏ bauxit do gây ô nhiễm và xuất hiện các “bệnh lạ” tại hội thảo về khai thác bauxite và chế biến alumina ở Tây Nguyên dịp tháng 4 năm 2004 tại Hà Nội.
3.Có 2 loại bùn màu đỏ liên quan đến khai thác bauxit laterit và sản xuất alumin mà không ít người vẫn nhầm là 1 loại. Loại thứ nhất xuất hiện khi tuyển rửa quặng bauxit nguyên khai (tuyển rửa bằng nước) thành quặng tinh. Sản phẩm thải ra có khối lượng tương đương hay nhiều hơn khối lượng quặng tinh, chủ yếu là đất trộn lẫn các hạt quặng bauxit có đường kính nhỏ hơn 1mm. Loại bùn đất này tuy cũng có màu đỏ nhưng thuật ngữ chuyên môn gọi là bùn thải đuôi quặng, không phải bùn đỏ (Red Mud), và cũng không phải là chất thải công nghiệp hay chất thải độc hại. Vì quá trình tuyển rửa không dùng hóa chất (nhưng rất tốn nước). Loại thứ hai sinh ra trong quá trình sản xuất alumin từ bauxit theo công nghệ Bayer và có tên là bùn đỏ (Red Mud). Quy trình Bayer có sử dụng xut (NaOH) nên bùn đỏ là loại chất thải công nghiệp độc hại, gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe con người và phải được xử lý, chôn lấp theo quy định chất thải độc hại.Độ pH trong loại bùn đỏ của Ajkha Hungary đạt đến trị số 13, nghĩa là có độ kiềm cao hơn nước trung tính (pH = 7,0) 1.000.000 (một triệu) lần.
4.Việc tách alumin (Al2O3) từ bauxit (Al2O3 + SiO2 + TiO2 + Fe2O3+…) lần đầu tiên được Henri Sainte-Claire Deville đề xuất 1854. Đó là một quy trình kém hiệu suất và đắt nên khi đó nhôm sản xuất ra là kim loại quý và hiếm. Năm 1888 , Karl Joseph Bayer sáng tạo công nghệ mang tên mình (Bayer) trong sản xuất alumin từ bauxit đã làm giảm đáng kể giá thành của nhôm khiến cho từ đó nhôm không còn là kim loại quý hiếm nữa. Theo công nghệ Bayer, bauxit được nấu cùng với xut NaOH trong lò áp lực đến nhiệt độ khoảng 120-200oC; sau khi tách dư lượng oxyt Fe và các chất khác đi kèm, gipsit (một loại khoáng vật bauxit) sạch được kết tủa lại khi dung dịch được làm nguội và kết tinh lại cùng với các tinh thể Hydroxyt Nhôm rất mịn. Sau đó hỗn hợp gipsit lại được nung nóng lên để chuyển thành alumin (oxyt nhôm-Al2O3).Tiếp theo từ alumin sẽ sản xuất ra nhôm kim loại bằng cách điện phân theo Quy trình Hall-He’roult. Quy trình Bayer vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Bùn thải của quy trình Bayer được gọi là bùn đỏ (Red Mud), màu đỏ của bùn đỏ chủ yếu do các oxit và hydroxit sắt tạo ra.. Nó chứa mọi thứ còn lại của bauxit kể cả xut đưa vào sau khi alumin được tách đi. Trung bình cứ sản xuất 1 tấn alumin thì thải ra 1-1,5 tấn bùn đỏ tùy chất lượng quặng bauxit đầu vào, vì vậy nếu trong quặng bauxit đầu vào có chứa chất phóng xạ thì trong bùn đỏ, hàm lượng chất phóng xạ sẽ tăng từ 1,6 đến 2 lần so với hàm lượng phóng xạ trong quặng đầu vào. Ngoài ra cũng có thể có các kim loại nặng, kim loại hiếm hay các nguyên tố đất hiếm. Như vậy chắc chắn bùn đỏ là chất thải công nghiệp độc hại.
5.Như vậy sản xuất alumin không tự tạo ra chất phóng xạ, kim loại nặng các nguyên tố hiếm hay đất hiếm. Phóng xạ và các nguyên tố,hợp chất khác trong bùn đỏ là từ quặng bauxit đưa vào mà quy trình Bayer chỉ làm giàu lên vì đã tách lấy đi alumin sạch. Vì thể mà giới chuyên môn gọi bùn đỏ là loại “vật liệu có phóng xạ tự nhiên được làm giàu nhờ công nghệ” (Technologically Enhanced Naturally Occurring Radioactive Material - TENORM). Không phải quặng bauxit nào cũng chứa phóng xạ mà còn tùy thuộc vào đá gốc bị phong hóa tạo thành bauxit có phóng xạ hay không. Trong quá trình phong hóa tạo bauxit ở vùng nhiệt đới ẩm, các đá như granit, đá sét, đá sét vôi, các đá magma nghèo silic như basalt, gabro,…đều có khả năng chuyển thành bauxit. Vì thế bauxit thường chứa thêm các khoáng chất khác ví dụ các ôxít của sắt như goethit và hematit, khoáng vật sét như caolinit , một lượng nhỏ anata TiO2 và trong một số trường hợp có cả các chất phóng xạ như Uran, Thori, Radi,… và các chất phân rã của chúng. Hàm lượng chất phóng xạ trong đá gốc rất khác nhau và do đó trong bauxit cũng rất khác nhau, và nhìn chung trong bauxit dù có chứa phóng xạ cũng ít trường hợp vượt quá ngưỡng an toàn môi trường. Nhưng trong bùn đỏ thì khác.
6. Ngoài Trung Quốc xác nhận trong bùn đỏ của họ có chứa phóng xạ thì nghiên cứu tại nhiều vùng khác trên thế giới cũng xác nhận vấn đề này.
Nghiên cứu ở Hungary cho biết đa phần các mỏ bauxit của nước này đều có hàm lượng phóng xạ ngang cỡ trung bình thế giới trừ một số mỏ ở Csordakut có hàm lượng cao hơn.
Abbady, Adel G. E. và A. M. nghiên cứu tại Ai Cập cho biết sự tập trung của 226Ra and 232Th trong bauxit nhập từ Guine và Ấn độ là cao hơn mức trung bình của thế giới.
Nghiên cứu của KJ Summers, BH O'Connor and DR Fox ở Tây Australia cho biết lượng phóng xạ là hiện hữu và tăng theo quy mô bãi thải bùn đỏ (tính bằng Tấn bùn đỏ /1 ha) . Khi đạt đến quy mô 1500 T bùn đỏ/1 ha thì cường độ phóng xạ đạt ngưỡng an toàn môi trường là 0,1mSv. Nếu quy mô bãi thải lớn hơn 1500T/ha thì phóng xạ bắt đầu vượt ngưỡng. Cũng tại Australia, tập đoàn alumin-nhôm của nước này là ALCOA kiên trì suốt 25 năm quan trắc phóng xạ trong bùn đỏ đã tuyên bố là tuy có phóng xạ nhưng cường độ nhỏ hơn tiêu chuẩn môi trường là 1mSV/năm và bùn đỏ của Australia rất an toàn “chất phóng xạ trong bùn đỏ không nhiều như Kẽm trong sò, như Fluor trong thuốc đánh răng, như Thủy ngân trong thịt cá mập, như Chì trong đất , như Cadmi trong phân bón” theo tuyên bố của ALCOA. Tuy nhiên người dân địa phương không tin tuyên bố của ALCOA và đã thuê cơ quan môi trường của ngành Nông nghiệp Austraylia phân tích và rất bất bình khi nhận ra bùn đỏ của ALCOA nguy nhiểm quá sức tưởng tượng: chỉ một hồ bùn đỏ mức chứa trung bình 20 T/ha đã chứa 30 kg phóng xạ Thori, 6 kg Crom, trên 2kg Bari và gần 1 kg phóng xạ Uran.; ngoài ra còn có thêm 24 kg Fluor, hơn 0,5 kg kim loại nặng như Asen, Đồng, Kẽm, Cobalt, một hàm lượng nhỏ Chì, Cadmi và Beryli. Các chuyên gia cũng cho biết thêm nếu mức chứa trung bình tăng lên 200T bùn đỏ/1 ha thì hàm lượng các chất nguy hiểm trên cũng tăng lên 10 lần
Tại Jamiaica, cường quốc alumin trên thế giới, theo nghiên cứu của W. Kurdowski và F. Sorrentino, hàm lượng phóng xạ U238 and Th232 trong bauxit và cả trong bùn đỏ đều cao hơn trong các loại đất đá địa phương khác, một số nơi còn có thêm các chất phóng xạ như Ra và K40.
7. Những tài liệu trích dẫn vắn tắt trên cho thấy không phải tất cả bauxit và bùn đỏ đều chứa phóng xạ, và đều chứa ở mức nguy hiểm, nhưng không loại trừ khả năng đó ở không ít loại bauxit và bùn đỏ khác. Các dự án Bauxit-Alumin Tây Nguyên hiện nay mới khởi động. Bauxit Tây Nguyên chủ yếu hình thành từ phong hóa đá basalt, nhưng basalt Tây Nguyên cổ đã biến thành đất đỏ chứa bauxit cũng gồm nhiều loại, được núi lủa phun lên qua nhiều pha phun trào suốt từ 20 triệu năm trước đến 1-2 triệu năm trước. Cũng không loại trừ một số nơi bauxit còn được hình thành từ các đá không phải basalt như gabro, đá sét, granit,…Vì vậy không nên gộp chung cả gói tất cả các loại quặng bauxit sẽ được khai thác để nếu phát hiện vùng bauxit nào chứa phóng xạ dù rất ít cũng không nên sử dụng. Mặt khác cần tiến hành quan trắc bùn đỏ liên tục để phát hiện trường hợp phóng xạ được làm giàu lên từ quy trình sản xuất alumin. Chất phóng xạ còn có thể được làm giàu lên nhiều lần nếu bùn đỏ có phóng xạ bị rò rỉ ra ngoài và trôi đến vùng có than bùn hay cây nông- công nghiệp mọc. Keo hữu cơ (humit) trong than bùn có khả năng thu hút và tập trung chất phóng xạ. Một số loài thực vật như lúa, sắn (khoai mì), chè cũng có khả năng cao tích tụ chất phóng xạ trong mô tế bào. Những sản phẩm này sẽ trở thành nguồn ô nhiễm phóng xạ thứ cấp.
Vụ tràn bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo sớm cho Việt Nam. Hungary là Quốc gia có lịch sử khai thá bauxite và giàu kinh nghiệm xử lý bùn đỏ mà vẫn để xảy ra thảm họa. Với Việt nam, cách khôn ngoan nhất là chuyển quặng bauxit được khai thác và làm giàu từ Tây Nguyên xuống ven biển Bình Thuận để chế tác alumin đồng thời chôn bùn đỏ ở gần biển. Nếu có rủi ro không mong đợi với các hồ chôn bùn đỏ ở đây, lượng nước biển khổng lồ có khả năng trung hòa, làm giảm tính độc hại của bùn đỏ./.