Những ngày cuối năm, sông Hồng không còn đỏ au màu phù sa như cái tên của nó vào những ngày nước lớn. Dòng sông lặng như tờ, tưởng như đứng yên không chảy, cứ thế bình yên ôm ấp những bãi bồi mướt xanh. Sau một mùa mỏi mệt, tôi tưởng như dòng sông đang ngủ.
Chúng tôi gọi một chuyến đò ngang, anh lái đò còn khá trẻ đội một chiếc nón cọ che cái nắng chênh chếch buổi chiều tà, hỏi thăm những người khách lạ. Trên bến sông này, người lái đò trẻ gần như quen mặt, nhớ tên, biết từng hoàn cảnh của những người khách quen đi đò. Khách chủ yếu là người dân sống dọc dòng sông, sáng chiều đôi lượt qua lại mưu sinh theo hành trình từ nông thôn ra phố thị. Cách một con sông, chúng tôi đặt chân đến địa phận của xã Thái Niên (Bảo Thắng) phía bên kia là phố xá ồn ào xe cộ, phía bên này là bãi bồi, là những khu vườn rau trái quanh năm với những ngôi nhà lặng lẽ, với sân ga thưa thớt khách đi tàu.
Chạy xe dọc con đường bê tông nhỏ do người dân góp tiền, góp sức để xây dựng lên chạy qua những khu vườn năng được bàn tay chăm sóc nên quanh năm tốt tươi. Những gốc bưởi sau vụ thu hoạch quả lại được bón vôi, được tỉa lại cành. Những vườn táo chuẩn bị cho thu hoạch đang lúc lỉu những trái căng tròn. Những vườn cà chua đỏ ửng như ngậm nắng, vườn cải bắp, su hào mướt xanh, tròn ung ủng…
Giở tay buộc những thân cà chua đang chực đổ xuống đất, cho cây đứng thẳng, dựa vào những cây gỗ được chồng mới chăng ngang để làm giàn, chị Phạm Thị Thơm, thôn Thái Niên, xã Thái Niên, bảo: Đất ở đây tơi xốp màu mỡ, 2 mùa người dân cấy lúa, 1 mùa trồng rau màu. Đất tốt nên chẳng phải bón phân nhiều, ngày 2 lượt người dân tưới nước sông mà cây cũng tốt. Được ít thì để nhà ăn, được nhiều thì cho vào thúng, quẩy quang gánh với chiếc xe máy cũ rồi cùng nhau ra đò, sang bên kia sông là đến thành phố bán kiếm thêm đồng ra đồng vào. Cứ quanh năm làm lụng như thế, chẳng giàu nhưng cũng chẳng lo nghèo đói.
Trải qua cả trăm nghìn năm kiến tạo, dòng sông chảy dài, đắp lên những bãi bồi màu mỡ. Dọc theo đó là những ngôi làng, người đánh cá, người trồng rau, người trồng lúa, trồng hoa… Dòng sông nuôi nấng không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu lớp người nối tiếp nhau, đời này sang đời khác bám vào đó để mưu sinh. Bên này là Làng Giàng, Múc, Thái Niên… bên kia là Giao Ngay, Giao Tiến, Thái Bo…
Hái những trái táo ngọt căng bóng để mời chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phú, thôn Làng Giàng chậm rãi: Tôi không phải người gốc ở Lào Cai mà ở xuôi lên đây khai hoang lập nghiệp. Quê tôi Nam Định, cũng ở gần sông nên khi di cư lên Lào Cai, thấy nơi này đất đai màu mỡ, nên bén duyên ở lại đến giờ, ở gần sông cho nguôi nỗi nhớ quê nhà thuở nhỏ. Dòng sông bắt nguồn từ đâu, chúng tôi chỉ biết sông đổ về từ Trung Quốc, có lẽ cùng từ mạch ngầm của dãy núi nào đó mà thành. Nếu có cơ hội cũng muốn được một lần ngược dọc chảy mà tìm về đó, xem nơi khởi nguồn của dòng sông.
|
Bình yên trên bến sông. |
Gia đình ông Phú chuyển lên Lào Cai từ những năm 60 của thế kỷ trước theo tiếng gọi lên miền ngược khai hoang để hình thành vùng kinh tế mới. Dọc bãi sông của xã Thái Niên, những con đường đất nhỏ ông Phú đã từng đi bộ, từng đạp xe không biết bao nhiêu lần nay được thay thế bởi những con đường rộng hơn, êm hơn, đủ để những chiếc xe ô tô bon bon chạy qua, chẳng phải lo sa vũng lầy hay vào ổ gà, ổ voi như những ngày xa xôi trước đó nữa. Bãi sông này, ông Phú nuôi gà, trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi lớn những đứa con, rồi bây giờ tiếp tục là những đứa cháu thơ.
Phía bên kia dòng sông, phường Xuân Tăng của thành phố Lào Cai đang trở mình thức giấc. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường được mở rộng kéo dài xuống Giao Ngay, Giao Tiến, Thái Bo… Bãi bồi màu mỡ trở thành vùng rau chuyên canh, mỗi năm cung ứng cả nghìn tấn rau cho thành phố. Những cây rau ban đầu chỉ được trồng từng khoảng nhỏ, phục vụ bữa ăn gia đình. Thành phố mở rộng dần, dân cư bắt đầu đông đúc, thành phố không còn chỗ cho những mảnh vườn, không còn chỗ cho rau màu, cây trái. Những bãi bồi rộng của những xã vùng ven như Gia Phú trở thành những khu vườn rộng lớn quanh năm xanh màu cây trái, giúp người dân thoát cảnh nghèo đói, từng ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên từ những vườn cây trái mướt xanh.
Dòng sông có lẽ đã bắt nguồn từ ngàn dặm đá núi xa xôi, chạm vào mảnh đất Lào Cai rồi bắt đầu thoải dần, mềm mại ôm ấp những bãi bồi rộng lớn. Rồi dòng sông tít tắp kéo qua nào Sơn Hải, Sơn Hà, nào Phố Lu (Bảo Thắng), rồi xuống Cam Cọn, Bảo Hà (Bảo Yên), xuôi về đồng bằng, đổ về biển lớn. Những bến sông bình yên ấy đã nuôi lớn bao nhiêu thế hệ, cùng người dân trải qua những mùa no đói, chứng kiến sự đổi thay mỗi ngày, thấm đẫm biết bao giọt mồ hôi để đổi lấy những nếp nhà bình yên. Những ngày cuối năm, bên góc vườn, những gốc đào đã bắt đầu đơm nụ, quất, hoa, cây cảnh cũng được “lên chậu” để cùng người dân đón năm mới. Ai cũng mong những bãi bồi đem về sung túc, đủ đầy, mong dòng sông yên bình mải miết chảy nặng phù sa bồi đắp thêm cho cây trái tốt tươi, cho nhịp sống mỗi ngày sinh sôi, cho người dân đôi bờ no ấm.