Ngày 8/3, Bình Dương tổ chức lễ công bố Cây di sản Việt Nam và linh vật rồng năm 2024 xác lập kỷ lục Việt Nam.
Thầy Lê Quang Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương cho biết, hôm nay nhà trường tổ chức lễ trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam - Cây Trôm tại khuôn viên trường.
Dù nằm trong khuôn viên trường song cơ quan chức năng xác định cây Trôm ra đời trước khi xây dựng trường. Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương thành lập từ năm 1901, khoảng 123 năm, riêng cây Trôm có tuổi đời hơn 150 năm.
|
Cây Trôm trong khuôn viên Trường Trung cấp Mỹ Thuật - Văn hóa Bình Dương được công nhận Cây di sản Việt Nam
|
Cây Trôm có chu vi thân chính 3,2m; chu vi gốc cây 5,2m; chiều cao khoảng 25m; đường kính tán khoảng 25m. Thân cây Trôm với bề mặt gồ ghề, xù xì được bao bọc xung quanh bởi rất nhiều loại cây sống tầm gửi, cây có nhiều nhánh rất to hướng về các phía, phần rễ hướng về sân trường, nguyên do trước đây cây Trôm nằm sát sông, nên phần rễ bám vào đất liền.
Cùng ngày, ông Dương Thái Khanh – Bí thư Đảng ủy phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một) cho biết, cây Kơ nia và cây Đa nằm trong khuôn viên đình thần Tương Bình Hiệp được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Sáng 8/3, phường Tương Bình Hiệp tổ chức lễ công bố Cây di sản Việt Nam.
Cây Kơ nia tính đến thời điểm hiện nay khoảng trên 200 năm tuổi. Chu vi vòng quanh thân cây tại vị trí ngang ngực (cao 1,3m) để tính ra đường kính thân cây được 1,38m; chiều cao cây ước tính 37m; chiều rộng tán cây đo bằng thước dây theo 2 hướng Đông – Tây là 30m và Nam - Bắc là 32m.
|
Cây Kơ nia và cây Đa đứng ôm nhau trong khuôn viên đình thần Tương Bình Hiệp được công nhận Cây di sản Việt Nam
|
Cây Đa khoảng 140 năm tuổi, có hệ thống rễ buông cắm sâu xuống đất, ôm bám sát xung quanh thân. Cây có nhiều cành, tán vươn rộng tỏa bóng mát. Thân cây tại vị trí ngang ngực có đường kính 9,6m; chiều cao cây ước tính khoảng 27m; chiều rộng tán cây đo bằng thước dây theo 2 hướng Đông - Tây là 42m và Nam - Bắc là 30m.
Cây Kơ nia và cây Đa đứng ôm nhau, nhìn từ ngoài vào trông giống chỉ một cây duy nhất, sự độc đáo này đã thu hút sự hiếu kỳ của người dân địa phương.
Cũng theo ông Khanh, sáng nay địa phương đã tổ chức lễ công xác lập kỷ lục Việt Nam đối với cặp rồng lắp ghép từ các lu, hũ gốm nung thủ công nhiều nhất tại Việt Nam.
Linh vật rồng được thiết kế để chào đón Tết Giáp Thìn 2024, đặt tại đường Hồ Văn Cống (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một). Mỗi con rồng có tới 38 cái lu cỡ lớn và có khoảng 20.000 chiếc hũ.