quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: Bài 9. Các phương pháp truyền thông môi trường trong cộng đồng Phật giáo.

Chủ Nhật, 08/04/2012 | 07:22:00 AM

Truyền thông môi trường trong cộng đồng Phật giáo phải phù hợp và tôn trọng đặc tính giản dị, tĩnh lặng và sâu lắng của Phật tử, phải được lồng ghép vào các hoạt động tôn giáo của đạo Phật.

Nguyễn Đình Hòe - VACNE
 
Chùa Hoa Yên, Yên Tử
“Qua những buổi thuyết pháp, bài viết, sinh hoạt tôn giáo, chúng ta dấy lên một phong trào bảo vệ môi sinh, cải thiện môi sinh trên quy mô toàn quốc”. (Đào Văn Bình, 2011. Hoằng pháp với môi trường [1]).
“Có thể nói những đồi núi, rừng thiền của chùa chiền chính là lá phổi trong sạch của trái đất chúng ta, một trong những yếu tố vô cùng thiết yếu cho việc bảo vệ môi trường sinh thái trong thời đại quá nhiều nhiễm ô hiện nay”. (Thích Trí Quảng, 2011. Phật giáo với môi trường sinh thái [2]).
1.Truyền thông môi trường trong cộng đồng Phật tử có đặc thù gì khác với truyền thông môi trường thông thường?
Cộng đồng Phật giáo (gồm các vị tỳ kheo, tăng ni, Phật tử và những người ngưỡng mộ đạo Phật) thường mang tính cách chung của đạo Phật. Đó là sự tĩnh lặng, ít thích ồn ào, sâu lắng, không bị thu hút bởi bề nổi hào nhoáng của các cuộc vận động kiểu chiến dịch
Đặc biệt trong Bắc tông Đại thừa có rất nhiều môn phái Thiền tông. Tuy các môn phái này có sự khác nhau về cách tu tập nhưng đặc điểm chung vẫn là kiệm lời, tập trung vào sự trải nghiệm sâu lắng của cá nhân. Thiền tông luôn quan niệm rằng Đạo là “bất khả tư nghì” (Đạo thì không thể bàn được). Lão Tử cũng từng tuyên bố ngay trong câu mở đầu cuốn Đạo đức kinh: “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” có nghĩa là Đạo mà có thể bàn được thì không phải là Đạo; danh mà gọi được thì không phải là danh nữa”. Các Thiền sư còn khẳng định lời của SơTổ Bồ đề Đạt ma rằng Thiền là “bất lập văn tự” (không viết ra được), “giáo ngoại biệt truyền” (truyền dạy chẳng giống những cách thông thường),”trực chỉ nhân tâm” (đi thẳng vào tâm) “kiến tính thành Phật”(có duyên thì giác ngộ, thành Phật). Thiền sư rất ít hay không giảng giải gì, thiền sinh cứ thiền định 5 năm 10 năm, bí quá hỏi sư phụ thì sư phụ cũng chẳng giảng giải gì, chỉ nói “uống trà đi!”, hoặc quát rồi cho trò quả đấm hay đá trò ngã lăn. Thiền sinh bỗng “ngộ”. Đó chính là Thiền công án với trên 100 công án Thiền nổi tiếng mọi thời đại mà đặc trưng nhất là Thiền phái Lâm Tế..
Vậy nếu coi Môi trường cũng là một phần của thực tại, một phần của Đạo, thì những phương pháp truyền thông môi trường thông thường theo kiểu nói nhiều, thảo luận nhiều, ồn áo náo nhiệt, theo kiểu “chiến dịch” tốn kém nhanh nở mau tàn  không có mấy tác dụng trong cộng đồng Phật giáo.
Đặc điểm trên của cồng đồng Phật giáo sẽ trở thành thế mạnh của Truyền thông môi trường nếu các nhà truyền thông sử dụng ngay chính phương pháp tu tập của Phật giáo để tiến hành truyền thông.
2.Những phương pháp truyền thông môi trường thích hợp với cộng đồng Phật tử
2.1.Đưa TTMT vào nhiệm vụ của Ban Hoằng Pháp, kết hợp truyền thông và giáo dục môi trường
Đưa nội dung môi trường vào các buổi thuyết pháp, bài viết, sinh hoạt tôn giáo, vào chương trình đào tạo Phật học các cấp.  Qua đó các tăng, ni sinh có hiểu biết về môi trường để sau khi tốt nghiệp trở thành các sư cô, đại đức họ sẽ phải gánh vác thêm một trách nhiệm nặng nề là “Hoằng pháp với Môi Trường” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra, chương trình giảng dạy, đào tạo phải có thêm môn học “Phật giáo với Bảo vệ Môi trường” và phải là một môn học  bắt buộc.
Môi trường cũng cần phải là nội dung thuyết pháp cho cộng đồng Phật tử. Điều này rất có tác dụng vì với Phật tử, lời nói pháp của các vị tăng ni được coi như lời của Đức Phật, vì chính trong giáo lý nhà Phật cũng đã giành nhiều nội dung cho môi trường.
2.2.Mô hình chùa viện sinh thái với rừng thiền, vườn thiền
Phật giáo lấy giải thoát làm mục đích, sự tu hành dù là tăng ni xuất gia hay là cư sỹ tại gia  điều tất yếu. Vì thế,  đệ tử Phật thích xây dựng chùa am những nơi non xanh nước biếc, Phật hóa thiên nhiên, Phật cũng chính là Thiên nhiên, Thiên nhiên cũng chính là Phật. Ngày nay những nơi chùa viện Phật giáo, cây cối xanh tươi chim kêu hoa nở chính là mô hình sinh thái phù hợp cho giáo dục và truyền thông về bảo vệ thiên nhiên môi trường. Sự kiến thiết môi trường chùa viện của Phật giáo chính là từ tư tưởng Tịnh Độ. Từ thị giác, thính giác, khứu giác và cảm nhận. Phật tử thuận theo tự nhiên, tô vẽ tự nhiên, làm thăng hoa tự nhiên khiến cho cảm giác sinh mạng cùng hài hòa với môi trường (3). Qua đó môi trường được tôn trọng và giữ gìn.
Có thể xây dựng những chùa viện  “sinh thái” tại những nơi có mặt bằng thuận lợi. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, cần trồng thêm một số cây rừng hợp với thổ nhưỡng và thời tiết bản địa, tốt nhất là tập đoàn cây bản địa. Chùa viện cũng có thể nhận và bảo vệ rừng quanh chùa viện theo quy định cúa nhà nước. Nếu điều kiện cho phép, nên kiến lập mô hình “tĩnh tâm viên” hay “rừng Thiền” như ở Thái Lan hay Mianmar...Các chùa, viện cũng cần nhập thế hơn khi tích cực và chủ động tham gia chia sẻ trách nhiệm trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhà chùa khuyến khích và vận động quần chúng “trồng cây phước đức” hay “trồng cây trí tuệ” thay cho tục “hái lộc”, “bẻ lộc” vốn đã lạc hậu (2,3).
2.3.Mở rộng  nội dung BVMT trong hạnh Từ Bi Hỉ Xả và kinh Từ Bi
Một khi nói đến sự ảnh hưởng tích cực của đạo Phật đối với môi trường không gì cụ thể hơn là bốn đức hạnh Từ Bi Hỷ Xả cùng với tinh thần “bất sát”, “vô hại” và nếp “sống thân thiện” với thế giới muôn loài của đạo Phật. Cần thực hành việc tiết kiệm năng lượng, có thể âm thầm thực hiện nhiều “giờ quả đất” trong năm (2),
2.4.Tổ chức sáng tác và phổ biến các bài kệ, thiền thi (thơ thiền) thơ Haiku có nội dung bảo vệ thiên nhiên môi trường
a.Bài kệ
Kệ là thể văn Phật giáo, dùng để truyền bá giáo lý Phật pháp, được viết bằng văn vần. Nhiều bài kệ có giá trị văn chương như các thi phẩm.Có thể tổ chức sáng tác và phổ biến kệ như là những thông điệp môi trường. Qua kệ, các vấn đề bảo vệ môi trường rất dễ đi vào lòng người
Bài kệ Sắc Không của Ỷ Lan Nguyên Phi
Sắc là không, không tức là sắc,
Không là sắc, sắc tức là không.
Sắc, không đều chẳng vấn vương gì,
Thì mới khế hợp được với chân tông.
 
Cuối năm 1096, Mãn Giác thiền sư cáo bệnh và làm bài kệ “Cáo tật thị chúng” rất nổi tiếng  để bảo cho mọi người biết.
Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.
 
b.Thơ Haiku Nhật Bản
 Hai ku Nhật Bản là một loại Thiền thi (thơ Thiền), nghệ thuật của xã hội Thiền Nhật Bản (Zen) tinh tế tuyệt vời, tổ hợp giữa Phật giáo, Lão giáo và Thần đạo (Shinto), giữa cụ thể và trừu tượng, giữa ẩn dụ và phân tích, giữa thiên nhiên vũ trụ và nội tâm con người. Haiku có thể được sử dụng như một kiểu thông điệp truyền thông môi trường thích hợp với cộng đồng tăng ni Phật tử vốn ưa tĩnh lặng và kiệm lời
2.5.Tiến hành truyền thông môi trường qua các cuộc thi và trưng bày Thiền họa thư pháp.
Thiền họa thư pháp còn được người Nhật gọi là Thư đạo (Shudo), là một trong nhiều lĩnh vực của Zen trong đời thường cùng với trà đạo, kiếm đạo, nhu đạo (judo),…. Đây là một phương pháp tu tập thiền qua sáng tác các bức tranh chữ, trong đó nghệ sỹ gửi gắm tâm hồn qua mỗi con chữ.
Tại Huế, chùa Huyền Không nhiều năm qua đã có nhiều kinh nghiệm thành công trong tổ chức sáng tác và triển lãm Thiền họa thư pháp ngay trong khuôn viên chùa, gây tác động tích cực đối với Phật tử và du khách. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt cũng sáng tác các bức thiền họa thư pháp để bán cho du khách, qua đó tuyên truyền về giáo lý đạo Phật. Nếu lựa chọn nội dung môi trường trong sáng tác thư pháp thì Thiền họa thư pháp chính là một phương pháp truyền thông rất hiệu quả.
Đây là bài cuối cùng trong loạt bài “Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam”. Tác giả xin chân thành cảm ơn bạn đọc VACNE đã đọc và gửi lời khuyến khích đến người viết.
 
Chú thích
1.    Đào Văn Bình, 2011  Hoằng pháp với môi trườnghttp://hoalinhthoai.com/?option=ban_tin&view=ban_tin_chitiet&cd_id=28&post_id=3423&lang=vn
2.    Thich Trí Quảng. Phật giáo với môi trường sinh thái. http://www.sangdaotrongdoi.vn/story/phat-giao-va-moi-truong-sinh-thai-thich-tri-quang
3.    Ngụy Đức Đông, 2010. Thực tiễn về sinh thái của Phật giáo. Thanh Quang dịch. Tập San Pháp Luân 68 http://www.phapluanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1323:thc-tin-v-sinh-thai-ca-pht-giao&catid=41:nghien-cuu&Itemid=53
 
 
 
 

Lượt xem: 1892

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE