quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: Bài 7 – Lối sống “thiểu dục tri túc” của đạo Phật với bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 06/04/2012 | 10:09:00 PM

Để Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững, hiện nay trong xã hội đang dấy lên phong trào “tiết kiệm và lối sống xanh”. Nhưng trên 2500 trước Đức Phật Thích Ca đã nói và ngày nay các bậc tăng ni vẫn kiên trì lối sóng này, như một sự cứu rỗi loài người và Trái Đất

 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
 
 


Chùa Tam Bảo, Rạch Giá , Kiên Giang
“Người đời phần nhiều thường đua chen, rong ruổi theo vật chất ngày này qua tháng nọ không biết bao nhiêu cho vừa. Người thiếu thốn cực khổ tham muốn đã đành, thế nhưng người dư giả ăn không hết, của cải tràn đầy, tiền kho, bạc lậm có thể nói chỉ lấy thước mà đo, thế mà vẫn còn tham muốn có nhiều hơn nữa” (Tì khưu Giác Hạnh,2011-[1]).

Thiểu dục tri túc là gì
? Theo giáo lý đạo Phật,“Thiểu dục tri túc” nghĩa là “ít ham muốn-biết đủ”. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, giới hạnh, là hệ quả của tri thức sâu xa bắt nguồn từ sự chứng ngộ của đức Phật. Thiểu dục tri túc không phải là một chủ trương mang tính khổ hạnh, ép xác, điều mà có người lầm tưởng. Nó chỉ đòi hỏi quân bình lại sự sống, không quá đam mê, điên cuồng vô lối để thỏa mãn những bản năng dục vọng của mình, cũng không quá khắt khe có tính khổ hạnh. Kinh Thuỷ Sám có câu: “người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Thiểu dục tri túc giúp con người kiểm soát lòng tham, mưu sinh bất chính. Khi trong tâm bị câu thúc quá nhiều, quá mạnh bởi ham muốn, con người dễ bất chấp đạo lý, đang tâm thực hiện mọi mánh khóe thủ đoạn để đạt cho bằng được cái điều ham muốn ấy [2]. Câu 216 Kinh Pháp cú đã ghi: “Ái dục sinh sầu muộn. Ái dục sinh lo sợ. Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục không còn sầu muộn, càng ít lo sợ”

Tại sao cần “Thiểu dục Tri túc”
Lao động và tích lũy của cải là động lực khiến tổ tiên khỉ vượn tiến hóa thành loài người. Trợ giúp cho động lực này là sự hình thành ngôn ngữ, chữ viết, sau đó là giáo dục và đào tạo. Phần lớn nhân loại hướng đến sự giàu có, và đang nỗ lực hết mình cho lý tưởng trở thành giàu có, theo nghĩa “giàu là có rất nhiều thứ”. Ngoài thỏa mãn nhu cầu ăn mặc, người ta ngày càng tích lũy nhiều hơn nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền, cũng như nhiều phương tiện tiêu dùng đắt tiền khác. Rồi tích lũy tiền bạc thành nhiều dạng đầu tư, thành các loại tài khoản nhà băng, thành kim loại quý hiếm để bất cứ lúc nào cũng có thể biến chúng thành những thứ thỏa mãn nhu cầu của mình. Hàng hóa sản xuất ra ngày càng đa dạng về chủng loại và nhiều về số lượng đã được siêu công nghệ quảng cáo suốt ngày quyến rũ tiêu dùng. Rằng phải mua sắm thế nào mới là …sành điệu.
Rằng kiếm nhiều tiền là hình mẫu lý tưởng của sự thành đạt. Rằng “người không tiền như đấu sĩ không gươm, như kị sĩ không ngựa, như cái lốp xe xì hơi”. Ở rất nhiều nơi trên Trái Đất, người có quyền và kẻ có tiền còn liên kết nhau thành các kiểu mafia để làm loạn xã hội, cũng chỉ với mục đích là làm giàu nhanh hơn nữa.
Và vì thế mà bao nhiêu tài nguyên của Trái đất đang biến hết thành tài sản riêng của con người mà trước hết là các “Đại gia”, kèm theo là các thứ sản phẩm không mong đợi, được xả thải ra thiên nhiên – cái được gọi là “chất ô nhiễm”. Ngay bầu khí quyển của Trái đất cũng đầy CO2 (đã đến mức 390 phần triệu, mà đáng lẽ không được vượt quá 350 phần triệu), khiến Khí hậu cũng đang nóng lên và biến đổi chưa lường được.
Theo một báo cáo của UNDP khoảng năm 1997 gì đó, nếu để đạt mức sống như một cư dân trung bình của Hoa Kỳ, thì toàn bộ tài nguyên của Trái Đất chỉ đủ cung cấp cho 2 tỷ người. Mà nay dân cư trên Trái Đất đã 7 tỷ rồi. Có nghĩa là nếu 1 người giàu lên thì hàng ngàn, hàng triệu người phải bị tước đoạt. Điều đó giải thích tại sao sang đầu thế kỷ 21, số triệu phú USD tăng thêm vài ngàn, đồng thời số người nghèo đói - triệu phú áo rách - cũng tăng từ 1,3 tỷ lên 2 tỷ người so với cuối thế kỷ 20.
Không chỉ biến hết khoáng sản, rừng, biển, đất đai, nước ngọt,..thành tài sản riêng, con người còn tận diệt các loài khác để …ăn (con người là một trong 3 loài ăn tạp nhất thế giới, 2 loài kia là quạ và lợn – còn gọi là heo). Cái gì người ta  cũng ăn được, từ thịt voi đến dế mèn, rắn rết. Nếu không ăn trực tiếp thì nấu cao, ngâm rượu, làm thuốc, làm mắm; hoặc chặt lấy cái đầu, lấy bộ sừng, làm khô rồi đóng đinh treo trên tường cho …oai. Cây cối thì xẻ thịt làm đồ gỗ; cây đẹp dù là cổ thụ cũng bứng về làm cảnh, thậm chí chặt bỏ vì vướng vào chỗ xây dựng; thú đẹp thì nhốt vào lồng nuôi chơi. Nhiều người còn tận diệt các loài thú có lông đẹp để may quần áo mặc
Vì thế mà từ khi loài người xuất hiện, Thế Giới đã lâm vào đợt diệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất. Đến nay,17.291 trong tổng số 47.677 loài đã biết trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm 21% động vật có vú, 30% động vật lưỡng cư, 35% động vật không xương sống và 70% loài thực vật – là số liệu được đưa ra trong các nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Trên thế giới có nhiều triệu loài đã tiệt chủng mà ngay chính con người còn chưa kịp biết đến chúng. Thêm nữa, nghiên cứu Kinh tế học về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) cũng cho thấy, khoảng một phần ba môi trường sống của Trái Đất đã bị suy thoái dưới tác động của con người. Tồi tệ hơn, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo: loài người sẽ không còn cơ hội nhìn thấy cá trong các đại dương vào năm 2050.
Ở sân bay Thủ đô Thụy Sĩ, người ta xây cả một vườn hoa bằng kim loại; đàn ông bây giờ nhiều người cưới robot chứ không phải đàn bà – làm vợ; người ta biến đổi gen sinh vật để nuôi trồng làm thức ăn hay trộn đủ thứ phụ gia độc hại vào thực phẩm.Tài nguyên cạn kiệt đến mức có nhiều quốc gia phải chế nước uống từ nước cống, phải nghiên cứu để sản xuất thịt nạc từ lốp cao su phế thải và làm patê từ bùn cống, lại còn cho đó là tuyệt đỉnh phát minh. Khác hẳn các loài khác, con người cũng là loài duy nhất gây ra đủ mọi kiểu chiến tranh và xung đột để giết nhau, mặc dù họ biết rằng chi phí cho một máy bay phản lực chiến đấu ngang tiền xây dựng một dự án cấp nước cho 2-3 triệu người.
Không chung sống hòa bình được với bất cứ loài sinh vật nào, sự độc đoán biến không ít người nhiều lúc nhiều nơi trở thành một nhóm giữ dằn và điên loạn. Không chỉ điên loạn ở chỗ không ít người sẵn sàng chém nhau chỉ vì …nhầm hay vì một cái… “nhìn đểu”, giết người chặt đầu chỉ vì vài chỉ vàng hay một cái xe máy, mà nguy hiểm hơn vì những phát minh khoa học công nghệ mà lúc đầu ai cũng ca ngợi, sau đó mới kết tội là vô nhân tính (ví dụ vũ khí hạt nhân hay vũ khí gen chẳng hạn).
Loài người do “khả năng phát minh luôn đi trước sự khôn ngoan” mà đã trở thành loài có nhiều người cô đơn nhất Trái Đất, không chung sống hòa bình được với các loài khác và với chính mình. Một câu hỏi luôn quan tâm nhưng không có cách trả lời là con người sẽ trở nên như thế nào sau khi chết. Nỗi lo sợ cái chết khiến hầu hết loài người cảm thấy bất an. Những lễ chôn cất thường được tổ chức rất trọng thể trong xã hội loài người thể hiện một lòng tin về sự sống sau cái chết hay sự bất tử. Cứ như là chỉ loài người mới lo chết, còn các loài khác thì chết là chuyện nhỏ.
Lý “Thiểu dục Tri túc” của nhà Phật trên 2500 trước là bài học, là giải pháp cho xã hội loài người

Chú thích
1. Tỳ Khưu Giác Hạnh. 9/2011. Giảng giải sơ lược về thiểu dục tri túc. Thư viện Hoa sen
2.Hoàng Nguyên, 2010. Thiểu dục tri túc - Một cách sống hạnh phúc. Tập san Pháp luân số 08
 
 

Lượt xem: 1615

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE