Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: Bài 6 – Môi trường trong kinh sách và trong thuyết giảng của các vị tăng ni và cư sĩ
Dựa chắc trên tư tưởng Tịnh Độ, Phật giáo hiện đại vẫn lấy việc bảo vệ môi trường làm phương thức trọng yếu để phụng sự xã hội. Giáo lý và các bài thuyết giảng của các tăng ni chủ yếu tập trung vào 6 vấn đề môi trường mà Phật giáo quan tâm. Đó là: Những vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực, Phát triển bền vững, Bảo vệ Đa dạng sinh học, Tiết kiệm tài nguyên, Phòng chống ô nhiễm môi trường và Giáo dục giáo lý đạo Phật về môi trường.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Chùa Dâu Bắc Ninh
1.Những vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực
“Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do bởi ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người. Hơn lúc nào hết, Tôi kêu gọi mỗi Tăng ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng ngày đản sinh Đức Từ Phụ của chúng ta” (1).Những lời hiệu triệu hào hùng này là thông điệp của đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ chủ tịch Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân ngày Phật đản năm 2011. Lời kêu gọi Tăng Ni Phật tử chung sức bảo vệ môi trường cho thấy kể từ khi xuất hiện đến nay, Phật giáo luôn đề cao bảo vệ môi trường dù dưới những ngôn từ không hiện đại như bây giờ vẫn dùng.
Đi xa hơn nữa, cư sỹ Lê Văn Tâm còn chỉ rõ cội nguồn của cuộc “khủng hoảng sinh thái” hiện nay thực chất là cuộc khủng hoảng văn hóa và tâm linh, phát sinh từ Tham Sân Si của con người. Ông cũng cho biết vũ khí để ứng phó với Tham Sân Si chính là vũ khí Bi Trí Dũng mà Đức Phật đã trao tặng (2).
2.Phát triển bền vững
Cư sỹ Lê Văn Tâm cũng chỉ rõ chính sự bùng nổ dân số hiện nay đã mang đến cho nhân loại những khó khăn lớn lao. Áp dụng Nguyên lý Duyên khởi của Phật Giáo (Khi cái này có thì cái kia có ; Khi cái này hiện, cái kia hiện. Khi cái này không, cái kia không; Khi cái này mất, cái kia mất) vào suy xét tác động của bùng nổ dân số, có thể thấy được dễ dàng một chuỗi hệ quả và những nguy hiểm do sự gia tăng nhảy vọt dân số sinh ra. Để thỏa mãn những nhu cầu và đòi hỏi cho một số lượng người ngày càng đông, con người đã tăng cường sự tiến công vào môi trường và khai thác thiên nhiên một cách dữ dội. Nhưng Trái Đất của chúng ta lại giới hạn về diện tích và sức tải. Nó không thể đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi và sự bành trướng vô tận của con người (2).
Sống theo Phật là sống tỉnh giác và sống yêu thương muôn loài, cho nên hiểu rõ những gì nên làm và làm những gì lợi ích cho nhiều người mà không gây tổn hại đến người khác, đến môi trường sống của muôn loài. Thế giới sống tốt đẹp hoàn hảo như vậy được gọi là Tịnh độ mà tất cả đệ tử Phật đời đời kiếp kiếp tinh tấn xây dựng và bảo hộ cho chính mình an trú và cho mọi người, mọi loài cùng cộng tồn. Có lẽ nội hàm của Tịnh độ không khác mấy với phát triển bền vững (7).
Phật giáo gọi Vũ trụ – Ngôi nhà chung của chúng ta - là Quốc độ. Quốc độ là gì ? Quốc độ là thế giới, là chỗ cho chúng sinh nương tựa, tồn tại. Không có Quốc độ, chúng sinh không tồn tại được. Phật coi quốc độ và ngũ uẩn đều là hiện thân của Phật. Như vậy, cần hiểu Thiên nhiên - Môi trường chính là hiện thân của chúng ta. Bảo vệ môi trường sống cũng là bảo vệ Phật, vì môi trường sống chính là sinh mệnh của Phật và cũng chính là sinh mệnh của chúng ta (9)
3.Bảo vệ đa dạng sinh học
Khái niệm tính Nhất nguyên của đạo Phật về đời sống và môi trường cùng phát sinh trong mối tương tác chặt chẽ thường được đề cập đến trong giáo pháp. Khái niệm này cho rằng sự sống và môi trường của chính nó về bản chất là hai hiện tượng khác biệt, nhưng chúng nó vốn là bất nhị (không tách rời nhau) hay Nhất nguyên trong ý nghĩa căn bản. Các tư tưởng Phật học nền tảng khác được biết như là lý Duyên khởi cho rằng không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Triết học Phật giáo quan niệm rằng tất cả dạng sống trong vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên, và sự sống của tất cả con người, động vật và thực vật trong thế giới này đều có sự quan hệ với nhau, phụ thuộc vào nhau và phát triển tương quan với nhau (3). Một khi tất cả các loài sống trong không khí, trong nước, trên mặt đất bị chết, chắc chắn chúng ta cũng không sống được. Vì vậy, bảo vệ tất cả các loài sống chính là bảo vệ sự sống của chính con người (9).
Học thuyết Duy thức trong đạo Phật Đại thừa cho thấy tâm thức của con người có quan hệ chặt chẽ với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai, do đó sự tàn phá môi trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm thức sâu sắc của con người, vì vậy sự ô nhiễm và sự suy thoái môi trường sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của mọi loài hoặc mọi hình thái của sự sống trên thế giới cũng như sự đau khổ của chính con người (3).
Từ khoa học đến tâm linh, con người đã tìm thấy những điều mầu nhiệm và phức tạp của thiên nhiên là cội nguồn của tuệ giác và tăng thượng. Vì lý do này, một số những nơi hoang dã cần được bảo vệ nguyên vẹn(4).
Nhiều lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển Nguyên thủy có liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Trong kinh Anguttara Sutra, Ngài dạy rằng: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Hoặc kinh Vinaya-matrka-sastra dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”, hoặc: “Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”. Đức Phật cũng khuyên mọi người không nên lãng phí, mà phải biết quý và sử dụng dè sẻn tài nguyên (7).
Sau khi chứng ngộ, Đức phật khuyên chư đệ tử không nên chặt phá cây cối, cho dù là chặt cành hay bẻ lá: "Cây xanh cho chúng ta bóng mát trong lành, giúp chúng ta có nơi ngủ nghỉ qua đêm hay ngồi thiền định. Chặt cành hay bẻ lá của cây đều là hành vi phi đạo đức’. Vào mùa mưa, Đức Phật dạy tăng đoàn tìm chỗ an cư thích hợp để tránh việc đi ra đường dẫm đạp lên cỏ non và giết hại côn trùng. Điều này, chẳng những chứng tỏ thái độ tôn trọng sự sống muôn loài của Ngài mà còn biểu hiện lòng từ mẫn vô biên của Ngài đối với tất cả chúng hữu tình (8).
Phật giáo còn có truyền thống phóng sinh lâu đời. Phóng sinh là mua lại các loại động vật bị bắt như cá, chim, v.v… thả chúng về với thiên nhiên. Phóng sinh phát triển từ sự cấm giết và ăn chay. Nếu như nói không sát sinh, ăn chay là sự bảo vệ mạng sống mang tính tiêu cực, thì phóng sinh lại là sự bảo vệ mạng sống mang tính tích cực (11).
Nơi đức Phật trú ngụ, thời tiết rất nóng, sinh mạng sinh sôi rất nhiều. Để ngăn ngừa việc sát sinh, đệ tử Phật khi lấy nước thì phải dùng túi lọc để lọc qua, đem sinh vật nhỏ bỏ vào trong đồ đựng riêng biệt, rồi sau thả chúng về với sông suối ao hồ.Đây là một kiểu phóng sinh.
Sau này, do nhu cầu cao, phóng sinh lại dẫn đến dịch vụ bắt và bán vật phóng sinh. Có người chuyên đi bắt và buôn bán các loại chim để thỏa mãn ý muốn phóng sanh của một số người. Theo một nghuên cứu ở Bắc Kinh – Trung Quốc, để bắt được một con vẹt thì phải hi sinh khoảng 20 con mồi. Kiểu phóng sinh này thực tế làm mất đi mọi ý nghĩa tích cực (10).
Để đóng góp cụ thể cho sự bảo vệ cảnh quan mang tính giáo dục môi trường cao, có thể kiến tạo những cảnh chùa, tại nơi có mặt bằng thuận lợi, thành những điểm cảnh quan thanh lịch. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, cần trồng thêm một số cây rừng bản địa. Lý tưởng nhất là xây dựng nhiều tu viện cạnh rừng. Tại đây, nhà chùa lãnh trách nhiệm bảo vệ rừng và xây dựng rừng thành khu bảo tồn động thực vật hoang dã. Tại những vườn rau thuộc khuôn viên chùa, nên áp dụng phương pháp trồng tỉa sinh học. Từ đó rút kinh nghiệm đóng góp cho cơ hội từ bỏ phương pháp canh tác dùng quá nhiều phân hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật. Ngày xưa, Đức Phật đã động lòng thương xót những côn trùng quằn quại sau lưỡi cày, thì ngày nay, số người áp dụng phương pháp canh tác không đào cuốc, tránh giết hại sinh vật đất và tránh phá hủy nơi ở của chúng ngày càng đông đảo (2).
Phát triển mô hình rừng thiền quanh các chùa, viện. Những ngôi chùa với khu rừng thiền cây cối xanh tươi, ao hồ sạch đẹp, tỏa không khí trong lành và nếp sống an bình là cảnh quan mà khách thập phương thường tìm đến để thanh thản tâm hồn và khỏe mạnh cho thân thể. Có thể nói những đồi núi, rừng thiền của chùa chiền chính là mo hình lá phổi trong sạch, một trong những yếu tố thiết yếu cho cuộc sống trong thời đại quá nhiều nhiễm ô hiện nay(7).
Cần vận động Phật tử “trồng cây phước đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục lệ “hái lộc”, “bẻ lộc”, đóng góp tiền cho việc xây dựng “chùa lâm viên”, vượt thêm một bước xa hơn sự bố thí tiền gạo hoặc phóng sinh chim cá. Cũng có thể khuyến khích Phật tử xây dựng một môi trường sống thanh lịch bằng cách làm “sạch và đẹp từ bàn thờ, trong nhà, ra ngoài sân, đến đường đi và cùng khắp đất nước” (2).
Có thể nói bảo vệ Quốc độ, hay bảo vệ Trái Đất này chính là bảo vệ sự tồn tại của tất cả chúng sinh. Có bao nhiêu chúng sinh, có bao nhiêu giống loài? Có rất nhiều, Đức Phật gộp lại thành tứ sinh lục đạo. Tứ sinh gồm loài đẻ trứng, loài đẻ con, loài sống dưới nước, loài sống trong hư không. Sự sống của tất cả các loài này được cân bằng với nhau thì tất cả cùng tồn tại. Loài người do vô minh không nhận thấy lý này(9).
4. Tiết kiệm tài nguyên
Đức Phật đã dạy trong Kinh Từ Bi rằng Phật tử nên “sống giản dị”, “vui với đời giản dị”. Cuộc sống giản dị giúp chúng ta giới hạn nhu cầu của mình trong chừng mực cần thiết. Thói quen tiêu dùng và lòng ham thích xa hoa là nguyên nhân khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác dữ dội, khiến cho nhiều nhân tố phục vụ sự phát triển cho thế hệ mai sau bị mất đi. Sống thiểu dục và tri túc, biết đủ, theo lời Phật dạy, là đóng góp tích cực cho sự ổn định dân số, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, làm giảm sức ép lên môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên. Sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của Đạo Phật chính là “an vui”, thay vì tham lam “bận rộn”; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung thay vì cạnh tranh giành giật cho quyền lợi riêng; là vượt qua chính mình để thể nhập cuộc sống thực tại, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên (2)
Phát triển triển kinh tế đòi hỏi gia tăng sản xuất. Muốn tăng sản xuất thì phải kích động tiêu dùng. Điều đó đã thúc đẩy bản tánh Tham - Sân - Si của con người ngày càng tăng, khiến con người xa rời nếp sống tỉnh thức, đối nghịch và tàn phá thiên nhiên, và nhận lấy quả báo từ nhận thức sai lệch và hành vi mà con người đã gây ra. Theo đạo Phật, đó là sự phát triển của tâm Tham - Sân - Si; mà giáo lý căn bản của đạo Phật là giảm thiểu Tham – Sân - Si, đi đến đoạn trừ tận gốc Tham - Sân - Si vốn là nguyên nhân chính gây ra khổ đau luân hồi sanh tử (11).
5.Phòng chống ô nhiễm môi trường
Đức Phật dạy không được ném bỏ rác rưởi hay khạc nhổ trên nước, vì sẽ làm ô nhiễm môi trường. Điểm nổi bật này được dạy chu đáo trong Hai Mươi Bốn Oai Nghi và được nói rõ trong Oai Nghi Thứ 9 của một vị Sa-di theo truyền thống Đại thừa của Trung Quốc và Việt Nam (8).
Lòng tham hưởng thụ tiêu dùng quá mức làm cho con người không còn bận tâm tới hậu quả tồi tệ của nó. Phần nhiều, ngưởi sản xuất chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà không nghĩ đến những tai hại của người sử dụng sản phẩm đó. Nhà máy thì có mà khu xử lý chất thải thì không xây dựng hoặc vận hành thiếu hiệu quả, chế biến nhiều sản phẩm mà chất lượng thì kém (5).
6.Giáo dục và truyền thông giáo lý đạo Phật về môi trường
Học thuyết Duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp 5 uẩn (sắc - thọ - tưởng - hành - thức). Trong đó, sắc uẩn của một người bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Điều đó có nghĩa thiên nhiên thực sự là cơ thể của con người, chính xác là một phần rất lớn của cơ thể con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người cũng bị hủy diệt (10)
Môi trường bị ô nhiễm do rất nhiều yếu tố, trong đó thiếu ý thức là một nhân tố lớn. Chúng ta cứ mặc tình xả rác và phóng uế ở bất cứ ở nơi nào. Bàn luận thì rất sôi nổi mà viêc thực hiện thì thật khiêm tốn. Nói tốn biết bao giấy hết mực rồi đâu lại vào đó. Cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người (5)
Giáo hội nên thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo về cuộc sống và môi trường để giúp mọi người hiểu thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống.Trước hết phải chuyển cho mọi người thông diệp lý Duyên khởi của đạo Phật, để mọi người thấy dược sự quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa con người với môi trường. Khích lệ Phật tử và mọi người tham gia hưởng ứng các phong trào cải tạo và bảo vệ môi trường. Phổ cập đời sống gần gũi thiên nhiên của đức Phật tới mọi người. “Người Phật tử thì không được đại tiểu tiện trên cỏ tươi, không khạc nhổ vào dòng nước trong, không chặt cây phá rừng tùy tiện, bảo vệ thiên nhiên cay cỏ” (5).
Theo quan điểm Phật giáo sự hủy hoại gây ô nhiễm môi trường là hậu quả đỉnh cao của tư duy hữu ngã, con đường tư duy và hưởng thụ lạc thú của con người (10). Cần quán triệt cho Phật tử tư duy vô ngã của Đức Phật. Vô thường, vô ngã, vô sở cầu là những quy luật tồn tại của thực tại mà Đức Phật đã ngộ ra trên 2500 năm qua cần được vận dụng triệt để vào bảo vệ môi trường.
Chú thích.
1. Thích Phổ Tuệ. Thông điệp Phật đản 2012. http://www.thichchanquang.com/news/Thong-c491iep-Phat-c491an-cua-Phap-chu-dien-van-cua-HT-chu-tich-Hc490TS.aspx
2. Lê Văn Tâm. 1995. Đạo Phật Đối Với Vấn Đề Phát Triển Lâu Bền Và Bảo Vệ Môi Trường http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/nep-song-dao/1188-dao-phat-doi-voi-van-de-phat-trien-lau-ben-va-bao-ve-moi-truong-.html
3. Thích Nữ Tịnh Quang. 2011. Đạo Phật và môi trường. http://www.chinhtin.vn/index.php/cac-bai-viet-dac-biet/27-than-tam-an-lac/suc-manh-the-chat/39-dao-phat-va-moi-truong
4. Nick Wallis, 2011.Buddhism and the Environment thttp://fwbo.org/articles/buddhism&environment.html
5. Thích Thiện Thông. 2010. Phật giáo và đời sống - Văn Hóa và Giáo Dục Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang. http://daitangkinhvietnam.org/phat-giao-va-doi-song/van-hoa-giac-duc/5072-dao-phat-voi-viec-bao-ve-moi-truong.html
6. Đào Văn Bình, 2011 Hoằng pháp với môi trường http://hoalinhthoai.com/?option=ban_tin&view=ban_tin_chitiet&cd_id=28&post_id=3423&lang=vn
7. Thích Trí Quảng, 2011.Phật giáo và môi trường sinh thái http://www.sangdaotrongdoi.vn/story/phat-giao-va-moi-truong-sinh-thai-thich-tri-quang
8. Thích Thiện Hữu. 2010. Phật giáo và Môi trường. http://www.daophatngaynay.com/vn/mobile/pg-nganh/sinh-thai/5330-Phat-giao-va-Moi-truong.html
9. Thích Trí Quảng, 2010.Phật giáo và việc bảo vệ môi trường - Phần 1. (Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 68 tại chùa Phổ Quang ngày 7-6-2009. http://www.giacngo.vn/phathoc/2010/04/13/52741A
10. Thích Phước Đạt. 2011. Quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh http://www.phattuvietnam.net/5/27/16246.html
11. Ngụy Đức Đông Thực tiễn về sinh thái của Phật giáo. Thanh Quang dịch. Tập San Pháp Luân 68/2010. http://www.phapluanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1323:thc-tin-v-sinh-thai-ca-pht-giao&catid=41:nghien-cuu&Itemid=53
12. Thích Huệ Thông. 2010. Đức Phật – tấm gương yêu quý, bảo vệ môi trường. Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại chùa Phật Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. http://www.phatgiaobinhduong.com/index.php?mod=news&cpid=56&nid=124&view=detail