quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: Bài 5 – Quan niệm về Môi trường trong đạo đức Phật giáo

Thứ Năm, 15/03/2012 | 07:55:00 AM

Có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường rất rõ nét trong quan niệm đạo đức của Phật giáo. Những quan niệm mà ngày nay được gọi là phát triển bền vững, vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực, nguyên lí nhất nguyên luận, bảo vệ đa dạng sinh học và sống tiết kiệm đã được Phật giáo đề cập rất minh triết từ xa xưa. Đó là tiếng nói chung giữa đạo Phật và công tác Bảo vệ Môi trường ngày nay.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE


 
Tượng Phật Thích ca Mầu ni  ở Trúc lâm Thiền viện Yên Tử
 
1.“Nhất nguyên luận” là nhãn quanPhật giáo khi nhìn nhận quán sát các vấn đề môi trường thiên nhiên. Theo nhãn quan này, con người với môi trường thiên nhiên - bao gồm rừng núi, sông biển, khí trời cho đến các loại động thực vật khác nhau - là không hề tách rời nhau; tất cả hỗ tương và đan xen trong một vòng quay nhân quả phổ quát (Keown, D,. 2005 [4]). Nhất nguyên luận mãi đến đầu thế kỷ XX mới được chứng minh bởi Cơ học Lượng tử, rằng giữa nhà quan sát và đối tượng quan sát là 1 thể thống nhất, không thể tách rời.
   Với Cơ học lượng tử Copenhagen, thực tại chỉ có khi ta quan sát đo lường nó. Khi ta không quan sát một vật thì vật đó không tồn tại (đối với người quan sát). Không có người quan sát thì không có vật được quan sát, không có chủ thể thì không có khách thể. Heizenberg, nhà cơ học lượng tử hàng đầu đã nói: “điều mà ta quan sát được không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là cái cách mà thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của chúng ta” (Nguyễn Tường Bách. Lưới trời ai dệt. Nxb Trẻ, 2005, tr. 172, 208, 217 [8]).
   Theo quan điểm Phật giáo sự hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường là do tư duy hữu ngã trong khi bản thể thực tại là vô ngã, và do hưởng thụ lạc thú quá mức của con người. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lớn về môi trường đang được báo động là do vô minh và tham ái. Học thuyết Duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp Ngũ uẩn (sắc - thọ - tưởng - hành - thức). Trong đó, sắc uẩn của một con người là bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Điều đó có nghĩa thiên nhiên hay môi trường thực sự là cơ thể của con người, hay một phần rất lớn của cơ thể con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường hay thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái hay khủng hoảng trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người thời bị hủy diệt. Nếu con người hiểu rõ sự thật Duyên khởi thì con người sẽ tự nguyện bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm. Đó cũng là ý nghĩa bảo vệ nguồn sống, nguồn hạnh phúc của nhân loại (Thích Phước Đạt, 2011.[9])
Đạo đức môi trường thường theo quan điểm Phật giáo gồm 3 khía cạnh:1/ Đạo đức phổ quát, một vấn đề chung của toàn thể loài người; 2/ Đạo đức là bình đẳng thế hệ; và 3/ Đạo đức vượt qua ranh giới loài người, phải tính đến muôn loài (Thích Nguyên Hiệp 2010 trích từ Padmasiri de Silva, 1998, tr. 15 [1,2]).
2.Đạo đức phổ quát, thoát ra khỏi vùng địa lý, là để mọi người có một trách nhiệm chung trong vấn đề môi trường. Đây là vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực như biến đổi khí hậu, các thiên tai như núi lửa, động đất tác động đến những vùng rộng lớn, vấn đề chất thải xuyên biên giới, vấn đề các dòng sông xuyên biên giới,…Theo quan điểm đạo đức này, gây hại cho môi trường các nước lân bang, cho các địa phương bên cạnh, thiếu trách nhiệm với những vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực…là sự vô dạo đức.
3.Đạo đức tính đến thế hệ tương lai, tức để tránh tình trạng khai thác tài nguyên và xả thải ô nhiễm một cách vô tội vạ, dẫn đến sự cạn kiệt, làm cho  thế hệ tương lai không còn gì để "khai thác", và cũng để giảm tối thiểu những tác hại mà hậu thế phải gánh chịu do thế hệ hiện tại tạo ra. Đây cũng chính là tiêu chí của Phát triển bền vững mà loài người ngày nay đang phấn đấu: “Phát triển bền vững là sự đáp ứng các nhu cầu chính đáng của thế hệ hiện tại nhưng không gây hại cho thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ”
4.Đạo đức tính đến muôn loài: động vật, thực vật, tức để cân bằng hệ sinh thái và tôn trọng quyền sống của mọi loại. Đây cũng chính là triết lý của Bảo vệ Đa dạng sinh học hiện đại. Lý thuyết Duyên khởi của đạo Phật cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài. Có hai nguyên tắc trong đạo đức học Phật giáo được đặt ra là lòng từ bi và tránh gây hại (ahimsa).
Thái độ của Phật giáo đối với rừng. Từ thời điểm Phật giáo hình thành, rừng đã là một nơi rất thân thiết đối với đời sống tu tập của các Tỳ kheo. Dù có những tự viện được thành lập, thì vẫn có những vị tăng chọn lối sống độc cư thiền định trong rừng; và rừng được xem như là một nơi tu hành cần được tôn trọng và bảo vệ. Đối với các Tỳ kheo, có một số điều luật được đặt ra, khuyên họ không nên làm hại đến cây cỏ, và làm dơ bẩn nguồn nước. Trong một vài bản kinh, cây cổ thụ được xem là nơi cư ngụ của các thần linh (Thích nguyên Hiệp, 2010, trích từ Peter Harvey, tr. 176 [1,6]). Các Tỳ kheo sống theo hạnh không gây hại phải tránh những hoạt động gây tổn hại cho những sinh linh khác, dù hữu hình hay vô hình.Nhìn lại cuộc đời đức Đức Phật, chúng ta sẽ nhận ra Ngài là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cây vô ưu taị vườn Lâm Tỳ Ni, hành trì Thiền định cho đến giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Nai ở Ba La Nại, và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới hai cây SaLa tại Kusinara. Đời sống của Ngài là gần gũi thiên nhiên, thân cận núi rừng (Thích Phước Đạt, 2011.[9]).
Việc an cư mùa mưa của chư tăng còn gồm cả mục đích không gây hại cho những loài sinh vật khác trong thời kỳ nảy mầm, sinh sôi phát triển. Kinh Bramajala dạy rằng không được đốt phá rừng; và điều này được vị vua Phật tử Asoka về sau đưa vào chính sách cai trị của mình, ngăn cấm việc đốt phá rừng một cách bừa bãi. Vì việc đốt phá rừng bị xem là hành vi gây tổn phước lớn lao. Thái độ yêu mến thiên nhiên của Phật giáo còn thể hiện qua việc lựa chọn nơi chốn xây dựng chùa viện. Vào thời đức Phật Thích Ca, các tinh xá (cụ thể là Kỳ Viên và Trúc Lâm) đều toạ lạc tại những khu rừng, hoặc vườn rừng. Và truyền thống này được thừa kế mỗi khi Phật giáo được truyền bá đến những xứ sở khác nhau (Thích Nguyên Hiệp, 2010 [1])…Ngày nay, nhiều tăng sĩ Phật giáo ở Srilanka và Thái Lan sống trong rừng, ngoài việc thực hiện phương thức tu tập được truyền thừa từ truyền thống Phật giáo xa xưa, họ còn là những người bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Những đóng góp của họ trong việc ngăn chặn nạn đốt phá rừng được công nhận và được đánh giá rất cao.Trần Nhân Tông - vị sư tổ của Trúc Lâm Thiền tông chủ trương sống và tu trong tinh thần “yêu thiên nhiên chính là yêu đạo: “Thôn tiền thôn hậu đạm tự yên, Bán vô bán hữu tịch dương biên. Mục đồng địch lý ngưu quy tận, Bạch lộ song song phi hạ điền” (Trước xóm sau thôn tựa khói lồng, Bóng chiều dường có lại dường không, Mục đồng sao vẳng trâu về hết, Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng - Thiên Trường Vãn Vọng).
Tôn trọng sự sống  được đề cao trong Phật giáo. Cấm sát sinh và làm hại thú vật là một trong những giới luật căn bản dành cho mọi Phật tử. Việc tôn trọng sự sống không chỉ vì từ bi, vì niềm tin vào luân hồi và nghiệp báo, mà còn vì ý thức rằng mọi  loài đều có quyền sống bình đẳng và môi trường sống là dành cho tất cả mọi loài trên trái đất này chứ không phải dành riêng cho con người (Thích Nguyên Hiệp, 2010 trích từ Kalupahana,D.,J. 2008, tr.137-42 [1,7]). Thái độ của Phật giáo đối với các loài sống như vậy đã tạo ra một quan điểm đạo đức hành xử đối với các loài: con người cần từ bỏ quan điểm xem mình có quyền định đoạt tất cả những loài khác; cần phải xem mình và các sinh loài khác như là những "láng giếng" của nhau (Thích Nguyên Hiệp 2010, trích từ Harvey, P.,tr. 185 [1,6]).
"Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài." (Thích Nguyên Hiệp, 2010, tríchkinh Từ Bi, bản dịch của Thích Nhất Hạnh).
5.Phật giáo luôn chủ trương một nếp sống giản đơn, tiết kiệm. Phát triển kinh tế phải đồng thời với việc tôn sùng đạo đức, phát triển tâm thức và phát triển sự nhận thức về con người và thế giới. Phật giáo không phủ nhận việc phát triển kinh tế, bởi sự thiếu thốn tài vật dễ đưa con người đến vi phạm những vấn đề đạo đức và làm băng hoại xã hội. Sự giàu có được xây dựng trên một đời sống phi đạo đức lại đưa xã hội đến băng hoại theo một cách khác. Kinh tế học Phật giáo do đó hướng đến sự cần kiệm, cân bằng, giản đơn và không gây hại (Thích Nguyên Hiệp 2010, trích từ Schumacher, E.,F.1973, tr. 52 [1,5]).Thay vì tận hưởng dục lạc, tiêu dùng lãng phí, thì đức Phật khuyến khích các đệ tử của Ngài sống đời sống ít dục, biết đủ. Ngài dạy các Tỳ kheo cách ăn mặc “chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của muỗi, gió, sức nóng mặt trời và các loại bò sát…thọ dụng các món ăn khất thực, chỉ để thân này được sống lâu, và để bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ cho phạm hạnh … thọ dụng các dược phẩm trị bịnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sinh, để được ly khổ hoàn toàn…”(Thích Phước Đạt, 2011.[9]) trích từ Trung Bộ q.I,tr.98). Với nếp sống “biết đủ là giàu” tri túc như vậy con người mới bảo vệ thiên nhiên được và sống một đời sống bình yên.
Theo cách nhìn của Phật giáo, sẽ không bao giờ có một xã hội tốt đẹp khi ở đó cộng tồn những con người chất chứa quá nhiều tham, sân, si - gốc rễ của những hành vi bất thiện gây ra những tác động tiêu cực lớn lao đối với xã hội (Thích Nguyên Hiệp 2010, trích từ Padmasiri de Silva, 2005, tr. 4 [1,3]).
Tóm lại dưới góc độ đạo đức, đạo Phật nhằm vào 5 vấn đề mà sự nghiệp Bảo vệ môi trường có thể tìm thấy tiếng nói chung:
·        Các nguyên lý Nhất nguyên luận, Duyên khởi và Vô ngã trong bảo vệ môi trường
·        Phát triển bền vững và bình đẳng thế hệ
·        Các vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực
·        Lý thuyết Duyên khởi và vấn đề Bảo vệ Đa dạng sinh học
·        Sống có chất lượng nhưng tiết kiệm
 
Chú thích
1.Thích Nguyên Hiệp. Đạo đức Phật giáo và vấn đề môi trường. Tập San Pháp Luân 68, 5 / 2010. http://www.phapluanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1320:o-c-pht-giao-va-vn-moi-trng&catid=101:dao-duc&Itemid=124
2.Padmasiri de Silva, Environmenatl Philosophy and Ethics in Buddhism, ST. Martin’s Press, New York, 1998.
3.Padmasiri de Silva, An Introduction To Buddhist Spsychology, Palgrave Macmillan, New York, 2005.
4.Keown. D.,Buddhist Ethics: An Very Short Introduction. Oxford University Press, New York, 2005.
5. Schumacher, E.F.. Small is Beautiful. Economics as if People Mattered, Harper and Rowl Publishers, New York, 1973.
6.Harvey, P. An Introduction to Buddhist Ethics, Cambridge, New York, 2000.
7.Kalupahana, D., J.. Ethics in Early Buddhism. Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 2008.
8.Nguyễn Tường Bách. Lưới trời ai dệt. Nxb Trẻ, 2005
9. Thích Phước Đạt, Quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh. http://www.phattuvietnam.net/5/27/16246.html
 
 
 
 
 
 
 

Lượt xem: 2712

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE