Bảo vệ môi trường và Đạo Phật ở Vệt Nam: Bài 3 – Các Tông phái khác của Phật giáo và các đạo thuần Việt có gốc từ Phật giáo
Đại thừa Tịnh độ tông và Mật tông, Nam tông Tiểu thừa và các đạo thuần Việt mang ảnh hường Phật giáo như Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu sơn Kỳ hương, Hòa hảo, đạo Ông Tần và Cao Đài sẽ được trình bày giản lược ở bài này.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
Nhà Lớn Long Sơn ở Vũng Tàu – Tổ đình của đạo Ông Trần
1.Đại Thừa Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương tu tập dựa trên sự siêu độ của Phật A Di Đà, kết hợp tự lực của bản thân. A-di-đà hay A Di Đà (chữ Hán: 阿彌陀) là danh từ phiên âm có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn: अमिताभ, amitābha và amitāyus. Amitābha nghĩa là "vô lượng quang" - "ánh sáng vô lượng"; amitāyus nghĩa là "vô lượng thọ" - "thọ mệnh vô lượng". Đây là tên của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Đại thừa. A-di-đà trụ trì cõi Cực lạc (tiếng Phạn: sukhāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí tuệ.Tượng A-di-đà thường có những nét đặc trưng: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên tòa sen. Thông thường, A-di-đà được vẽ ngồi trên tòa sen, tay Ngài bắt ấn thiền hay ấn giáo hóa. Cùng được thờ chung với A-di-đà là hai Bồ Tát, đó là Quán Thế Âm (sa. avalokiteśvara) đứng bên trái và Đại Thế Chí (sa. mahāsthāmaprāpta) đứng bên phải.Đại Thế Chí là một vị bồ tát của ánh sáng trí tuệ trong Phật giáo đại thừa. Có khi người ta trình bày Phật A-di-đà đứng chung với Phật Dược Sư (bhaiṣajyaguru-buddha).Phật Dược sư là Phật thầy thuốc, tâm nguyện của ngài là "cứu tất cả các bệnh khổ cho các chúng sinh". Phật Dược Sư thường được thờ chung với Phật Thích Ca Mâu Ni và A-di-đà, trong đó phật Dược Sư đứng bên trái còn Phật A-di-đà đứng bên phải Phật Thích Ca.
Trong lịch sử đạo Phật, việc tôn xưng A-di-đà là một mốc phát triển quan trọng. Phép niệm A-di-đà là một cách tu dưỡng mới của Phật tử, để không phải trải qua vô số kiếp trong luân hồi. Đây là cách tu dưỡng dựa vào tha lực, dựa vào đại nguyện của một vị Phật - một phép tu "nhanh chóng, dễ dàng" hơn chứ không chỉ dựa vào tự lực của chính mình. Đó là phép tu nhất tâm niệm 10 lần danh hiệu "Nam-mô A-di-đà Phật" lúc lâm chung để được sinh vào cõi Cực lạc. Để có thể đủ sức vững vàng niệm đủ 10 lần câu "Nam mô A Di Đà Phật" cận ngay lúc lâm chung thì lúc bình thường phải kiên trì niệm Phật thường xuyên.
Tượng Phật A-di-đà ở Đồng Tháp, biểu tượng của Tịnh độ tông Đại thừa
Phật Thích Ca Mầu Ni có lần thuyết giảng: "Một viên đá dù nhỏ đến mấy mà ném xuống nước thì nó cũng chìm, nhưng nếu một hòn đá dù to đến mấy mà đặt trên bè thì nó cũng nổi". Bè ở đây chính là Phật A Di Đà. Có một cõi là Thế giới Cực Lạc hay Niết bàn - nơi không có sự luân hồi khổ ải, do đức Phật A Di Đà (tiếng Phạn: Amitabha) tạo nên. Viếng chùa, làm việc thiện để tích công đức, tụng danh Phật A Di Đà cho đến khi "Nhất tâm bất loạn", đọc các chú như Chú Đại Bi...là yêu cầu thường nhật của Tịnh độ tông. Tịnh Độ tông là tông phái phổ biến khắp cõi Việt Nam. Đi đến đâu cũng gặp người dân tụng niệm câu "Nam mô A Di Đà Phật" (có nghĩa là "Nguyện quy y đức Phật A Di Đà"). Tượng Phật A Di Đà là tượng có mặt ở khắp mọi nơi và từ rất lâu đời (1).
2.Đại Thừa Mật tông là một tông phái Phật giáo sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ. Cũng còn gọi là Lạt Ma tông, Mật tông là sự hợp nhất giới luật của thuyết Nhất thiết Hữu bộ (Sarvastivada) và nghi thức tác pháp của Kim Cương thừa. Bước quyết định trong nghi thức này là lễ Quán Đỉnh (Abhiseka) do một vị sư cả (guru hay "lạt ma") ban phép cho người đệ tử được nhập tâm vào một vị Phật cụ thể bằng cách đọc thần chú chân âm (mantra), suy niệm đồ hình Mạn đà la (mandala) và thực thi ấn quyết (mudra) để đạt đến độ thăng hoa loại bỏ ý niệm nhị nguyên (duality) đặng nhập vào Chân Như, vào cõi Không. Trạng thái đó được biểu tượng bằng Kim cương chử (Vajra).
Để làm chủ được các nghi thức tác pháp của Mật tông (còn gọi là Kim Cương thừa - Vajrayana) thì điều tiên quyết là phải thấu hiểu giáo nghĩa của Bát-nhã-ba-la-mật-đa (Prajnaparamita) của Long Thọ và Vô Trước. Giáo nghĩa Bát-nhã-ba-la-mật-đa được gọi là "Nhân thừa", và giáo nghĩa Kim Cương thừa được gọi là "Quả thừa". Đặc biệt, các thiền sư dòng Tì ni đa lưu chi thường có hình thức tu tập "Tổng Trì Tam Muội" (Dharani samadhi), một hình thức tu tập phổ biến của Mật giáo (Tantrism), dùng chân âm kết hợp với ấn quyết trong trạng thái đại định để giữ được thân, khẩu, ý. Ở Hoa Lư (Ninh Bình), một cột kinh Phật bằng đá vào thế kỉ thứ 10 có khắc bài thần chú Phật đỉnh Tối thắng Đà la ni (Usnisavijaya dharani), một thần chú phổ biến của Mật tông, đã được phát hiện.
Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh,...(1)
3. Nam tôngTiểu thừa (小乘, hīnayāna, theg dman) nghĩa là "cỗ xe nhỏ". Tiểu thừa được một số đại biểu phái Đại thừa (mahāyāna) thường dùng chỉ những người theo "Phật giáo nguyên thuỷ", "Phật giáo Nam Tông". Trước năm 1950. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo có ý định thay thế danh từ này nhưng không đạt kết quả vì danh từ này đã khắc sâu trong tư tưởng của nhiều Phật tử. Một từ chỉ những vị theo Phật giáo nguyên thuỷ thường gặp trong kinh là Thanh văn ( 聲聞,śrāvaka)
· Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời kỳ Bộ phái (sau Ðức Phật 400 năm) chưa có danh từ Ðại thừa hay Tiểu thừa. Danh từ Ðại thừa và Tiểu thừa xuất hiện đồng thời với kinh điển Ðại thừa khoảng thế kỷ thứ 1 trước hoặc sau Công nguyên. Danh từ Tiểu thừa là chỉ giai đoạn Bộ phái, sự tranh chấp về đường lối hành đạo mà lúc bấy giờ các Bộ phái quá chú trọng về lý luận và hình thức. Năm 1950, Hội Phật Tử Thân Hữu Thế Giới (World Fellowship of Buddhists, WFB) họp tại Colombo (Sri Lanka) đã nhất trí quyết nghị loại bỏ danh từ Tiểu thừa khi nói đến Nam tông Phật giáo. Tuy nhiên danh xưng này vẫn xuất hiện trong cộng đồng và một bộ phận thông tin đại chúng.
· Giáo lý đạo Phật được phân làm hai truyền thống: Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển. Về mặt địa lý truyền thừa thì gọi là Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Sử dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của đại thụ giáo lý nhà Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy; phần thân ngọn cành lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển - cả hai bổ sung cho nhau. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó.
· Mặc dù truyền thống Nguyên thủy và Phát triển có những khác biệt, tuy nhiên, những khác biệt ấy không cơ bản. Trái lại, những điểm tương đồng lại rất cơ bản như sau:
a/. Cả hai đều nhìn nhận Ðức Phật Thích ca là bậc Ðạo sư,
b/. Cả hai đều chấp nhận và hành trì giáo lý Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi...; đều chấp nhận pháp ấn Khổ, Không, Vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập: Giới-Ðịnh-Tuệ.
c/. Cả hai đều không công nhận có một đấng tối cao sáng tạo và ngự trị thế giới.
· Kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Ðây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.Tuy nhiên, trải qua hơn 400 năm khẩu truyền và hơn 2000 năm truyền bá, kinh giáo không tránh khỏi sự thiếu sót hoặc thêm thắt nghĩa là vẫn không mang tính Nguyên thủy thuần túy. Nghiên cứu kinh điển Phát triển mà không nắm vững hệ thống Nguyên thủy thì độ chuẩn xác không cao. Nếu coi Kinh tạng Nguyên thủy là thấp kém thì rất sai lầm và nguy hiểm. Giáo pháp phải là một cây hoàn hảo từ gốc rễ cho đến ngọn ngành (2).
4. Các đạo thuần Việt mang ảnh hưởng của Phật giáo ở Nam Bộ
Vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các cuộc khởi nghĩa võ trang của nhân dân Nam Bộ liên tiếp nổ ra và bị dập tắt, ách thống trị của thực dân Pháp dần dần được thiết lập. Nam Bộ bị triều đình bỏ rơi. Các tôn giáo sẵn có không cứu được dân khỏi nỗi lầm than của đói nghèo và nô lệ. Niềm tin của dân chúng bị khủng hoảng.Trong bối cảnh đó, nhiều tôn giáo bản địa xuất hiện. Vùng đất Tây Nam Nam Bộ có núi rừng thâm u, đất rộng người thưa được chọn làm thánh địa của các tôn giáo mới. Dù giáo lý có khác nhau, nhưng nét chung của các tôn giáo có gốc từ đạo Phật này là cổ vũ văn hóa dân tộc, tinh thần chống giặc ngoại xâm, khôi phục nền độc lập dân tộc kể cả vũ trang kháng chiến (tinh thần phản Pháp phục Nam).
Năm 1849, Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với thánh địa ở vùng núi Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang). Năm 1872 xuất hiện đạo Tứ ân Hiếu nghĩa do Bổn Sư Ngô Lợi chủ xướng có thánh địa ở Tri Tôn, An Giang (xin nói thêm là năm 1928, một đệ tử của đạo Tứ ân Hiếu nghĩa là ông Lê Văn Mưu về Vũng Tàu hoằng đạo và lập ra một nhánh mới của đạo này, vì ông hay cởi trần nên nhân dân Vũng Tàu gọi luôn là Đạo ông Trần). Năm 1939 thầy Tư Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ) lập đạo Hòa Hảo với thánh địa ở Tân Châu, An Giang.
Nhóm 4 đạo này đều thờ tứ ân như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng cách hành đạo có nhiều khác biệt. Hàng loạt trại ruộng được khai phá làm cơ sở hậu cần, ngày nay trở thành những xóm đạo sầm uất. Nhiều chùa, đền, miếu được xây cất làm nơi tu luyện của các ông đạo (thầy tu). Nhiều ông đạo là những nghĩa sĩ yêu nước, đã dũng cảm hy sinh trong các cuộc giao chiến với giặc Pháp, được nhân dân cảm phục và thờ phụng. Có lẽ vì vậy mà các đền, chùa vùng đất Tây Nam ngày nay trở thành nơi hành hương, thăm viếng ngày càng đông của du khách và bà con đạo hữu.Sau đây là một số chấm phá của các đạo nói trên.
4.1.Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ( có nghĩa là Hương lạ vùng Núi quý - còn được gọi là đạo Lành) được khai sáng năm 1849 bởi Thầy Đoàn Minh Huyên (1807-1856), đạo hiệu là Giác Linh, quê ở thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp. Sau khi đến tu tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) ông được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có khoảng 15.000 tín đồ tập trung ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre. Trong quá trình hình thành và phát triển, tín đồ của đạo luôn có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc đóng góp nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Người đến quy y sẽ được cấp cho một tấm "lòng phái" (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ “Bửu Sơn kỳ Hương” màu đỏ), được truyền dạy giáo lý "học Phật-tu nhân", tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng) và Ân đồng bào nhân loại.
Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ), không cần phải xuất gia, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,...và cũng không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém, chỉ bông hoa, nước lã sạch là đủ.
Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có nhà văn Sơn Nam cho rằng đây là lối tu theo thuyết “vô vi” của Lão Tử, tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra hình thức phức tạp .Ngoài việc tuân theo thuyết vô vi và pháp môn học Phật-tu nhân, Phật Thầy Tây An còn đề cao Tứ ân. Đây là bốn ân lớn mà mọi tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phải kết lòng kính thờ và phụng sự. Có thể xem đây là nét tinh túy của đạo, bởi yếu lý này rất phù hợp với bản sắc của dân tộc Việt (3).
4.2.Phật giáo Hòa Hảo. Phật giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là Đạo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Phật Thầy Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Hòa Hảo là tên làng quê của Thầy Huỳnh Phú Sổ ở Tân Châu, An Giang. Phật giáo Hòa Hảo thể hiện rất rõ tính tổng hợp và tính linh hoạt của Phật giáo Việt Nam. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở đồng bằng Nam bộ.Thực chất Phật giáo Hòa Hảo là tiếp nối của một tông phái Phật giáo có từ gần một trăm năm trước có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) sáng lập vào năm 1849 tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). Tiếp sau Phật Thầy Tây An là Phật Trùm, Ngô Lợi (Đức Bổn Sư) rồi đến Huỳnh Phú Sổ. Thời kỳ Huỳnh Phú Sổ là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo Hòa Hảo.
Theo thống kê năm 2009 có khoảng 2 triệu tín đồ Phật Giáo Hòa, đông hàng thứ ba tại Việt Nam.Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là An Giang với gần 1000.000 tín đồ . An Giang là tỉnh có số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đông nhất cả nước chiếm 44% dân số toàn tỉnh và chiếm 65% tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong cả nước . Tiếp đến là Cần Thơ ( khoảng 227.000 tín đồ) và Đồng Tháp (khoảng 200.000 tín đồ) . Hiện nay, trong thư viện của hơn 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ những tài liệu sách báo về đạo này.
Giáo lý Hòa Hảo là sự kết hợp của Tịnh Độ tông với Đạo Ông Bà. Tôn chỉ là "Học Phật Tu Nhân", noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)": cha mẹ, đất nước, tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), đồng bào nhân loại. Cách thức tu hành của Phật giáo Hòa Hảo rất đơn giản là "tu hành tại gia". Người "cư sĩ tại gia" cúng lạy vào hai buổi sớm mai và chiều tối với 16 lạy như một bài thể dục tòan thân ở "bàn thông thiên", ăn chay một tháng 4 ngày để cơ thể khỏe mạnh; thờ trần đỏ hoặc trần dà với ý nghĩa hòa hợp; không chấp nhận mê tín dị đoan (không đốt vàng mã, không cúng tà thần...); thực hành tiết kiệm triệt để như không dâng cúng thực phẩm cho Phật chỉ cúng bông hoa nước sạch (nước mưa, nước lọc), không ăn thịt trâu, chó, bò để giữ sức kéo...; không hình thức: không đúc tượng, không chuông mõ, "tử thì táng", không có hàng giáo phẩm và không có tổ chức đạo .Ban đêm đốt đèn ở bàn thờ trong nhà và bàn thờ thông thiên. Khi thờ tín đồ chỉ đọc sấm giảng do thầy Huỳnh Phú Sổ soạn và niệm Nam-mô-a-di-đà-Phật với mục đích tĩnh tâm và cầu vãng sinh Tịnh Độ (4).
4.3.Đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, gọi tắt là đạo Hiếu nghĩa, do Bổn Sư Ngô Lợi sáng lập. Xuất phát điểm của đạo là một trong những phong trào Cần Vương, nhưng dùng hình thức tôn giáo để qui tập tín đồ và để che mắt thực dân Pháp. Sau khi vua Hàm Nghi bị đày, Ngô Lợi mất, phong trào tan rã chỉ còn lại những hoạt động tín ngưỡng.Theo sách Địa chí An Giang (tập 2) thì đạo Hiếu Nghĩa ra đời tại núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, tức là năm Ngô Lợi đưa một số đệ tử vào nơi đấy để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới .
Khi mới ra đời, đạo Tứ ân Hiếu Nghĩa được Ngô Lợi gọi là đạo Thờ ông bà, sau này tín đồ gọi đạo của mình là đạo Tứ ân Hiếu nghĩa. Để truyền tải tôn chỉ "Tu Nhân-Học Phật" Ngô Lợi đã là thể hiện tất cả nội dung qua các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ dưới dạng sấm giảng với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ của người dân lúc bấy giờ. Do đó, đạo Hiếu nghĩa nhanh chóng được người nông dân tiếp nhận. Hơn 140 năm hình thành và phát triển, đạo Hiếu nghĩa đã qui tụ gần 80.000 tín đồ, sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành thuộc Nam Bộ, nhưng nhiều nhất là ở huyện Tri Tôn. Đây là đạo thuần túy nội sinh, tín đồ đa phần là nông dân (5).
4.4.Đạo ông Trần.Ông Trần hay Ông Nhà Lớn, tên thật là Lê Văn Mưu (1855 -1935) là một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp, là người khai sáng đạo Ông Trần, và là nhà doanh điền đã lập nên xã đảo Long Sơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.Vì ông thường ở trần nên người địa phương quen gọi là ông Trần.
Ông Trần không đề ra triết lí mới, mà chỉ phát huy từ nền tảng của đạo Tứ ân Hiếu nghĩa. Cũng như thầy là Bổn sư Ngô Lợi, ông Trần chú trọng phát triển Phật giáo (có xen lẫn Nho, Lão và đạo thờ cúng ông bà tổ tiên), theo hình thức cư sĩ, nghĩa là tín đồ không cần "ly gia cắt ái", tín đồ mặc quần áo bà ba, búi tóc hoặc để xõa tự nhiên và tu đâu cũng được...Ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc "tu nhân" làm nền tảng cho sự hành đạo. Đúng như lời các bậc kỳ lão ở Long Sơn đã nói: Đạo Ông Trần chỉ là đạo làm người. Ngày xưa Ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu...và cứ thế mà truyền đời. Lúc sinh thời, theo con cháu ông Trần, ông có sáng tác bài thơ "Huấn Tử" (còn gọi là "Mã Triều Châu", gồm 87 câu, theo thể thơ tự do), và cũng thường đem truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ra để dạy khuyên con cháu và tín đồ về cương thường và đạo nghĩa
Và mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm đạo Tứ ân Hiếu nghĩa và một số đạo khác, nhưng đạo Ông Trần có điểm khác là: không lập chùa miễu, không kinh kệ chuông mõ, không ép buộc ăn chay và cũng không dung túng tệ mê tín dị đoan.
Ngày nay, người dân theo đạo Ông Trần ở Long Sơn vẫn mặc quần áo bà ba đen (hoặc màu sậm), tóc búi gọn sau gáy, thật thà, hiếu khách và vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt đậm chất Nam Bộ... Ngoài ra, nhiều tập tục riêng của Long Sơn do ông Trần chỉ dạy vẫn còn được tin theo, như: viết liễn đón Xuân, đám tang chôn cất trong vòng 24 giờ (không coi ngày giờ, xả tang ngay tại mộ), đám cưới không coi ngày mà chỉ chọn hai ngày trong tháng là mồng Một và 16 âm lịch và giờ hành lễ là giờ Thìn (khoảng 8g sáng)...Nhưng đặc biệt nhất là tục “chết đồng quách”. Theo triết lý của ông Trần, thì “khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau” nên áo quan được dùng chung cho tất cả mọi người. Gia đình có tang chỉ việc đến thỉnh áo quan về tẩm liệm. Khi đi đến mộ phần thì người chết được quấn vào chiếu cói chôn xuống đất, còn áo quan thì đưa về lại Nhà Lớn (5).
4.5. Đạo Cao Đài – Tích hợp Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo - là một tôn giáo được thành lập ở Việt Nam vào năm 1926. Ngô Văn Chiêu là môn đồ đầu tiên của Cao Đài, người hình thành Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh.Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ "một nơi cao", nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Để tỏ lòng tôn kính, một số các tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là đạo Trời. Đạo Cao Đài thờ Tam thánh là trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại văn hào Pháp Victo Hugo và Lãnh tụ Trung Hoa Dân quốc Tôn Trung Sơn như là 3 lần hóa thân của Thượng Đế xuống trần cứu độ chúng sinh (Tam kỳ phổ độ).
Tòa thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài
Tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra các tôn giáo và cả vũ trụ này. Tất cả giáo lý, hệ thống biểu tượng và tổ chức đều được "Đức Cao Đài" trực tiếp chỉ định. Và đạo Cao Đài chính là được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút. Đạo Cao Đài có biểu tượng thờ là con mắt bên trái – con mắt anh linh và vị tha của Thượng Đế nhìn suốt cõi nhân gian.
Cao Đài là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Các tín đồ thi hành những giáo điều của Đạo như không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng đế nơi Thiên giới và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi.
Tuy mới được khai sinh vào năm 1926, Cao Đài nhanh chóng phát triển về quy mô và số lượng tín đồ. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức họ đạo cơ sở được công nhận ở 35/38 tỉnh, thành phố, 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo Cao Đài). Ngoài ra, có khoảng 30.000 tín đồ nữa sống ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc. Theo trang thông tin và truyền giáo Cao Đài hải ngoại, số tín đồ Cao Đài là khoảng 5 triệu người (6). Quả thật đạo Cao Đài có sức hút rất lớn đối với cộng đồng.
Nhận xét
· Mặc dù cùng thực hiện những giáo lý cơ bản của đạo Phật và cùng thờ Phật, nhưng các tông phái Phật giáo và các đạo thuần Việt có nguồn gốc Phật giáo cũng có nhiều khác biệt trong tổ chức, cách hành lễ và lối sống của các phật tử. Tuy nhiên kính Phật, yêu nước và yêu con người là những nét chung.
· Việc lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường vào hoạt động tôn giáo của cộng đồng Phật giáo và cộng đồng các đạo có nguồn gốc Phật giáo cần tính đến sự khác biệt này.
Chú thích.