quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Bảo vệ môi trường bằng giáo dục

Thứ Năm, 16/02/2012 | 09:55:00 AM

Trên thực tế có một khoảng cách khá lớn giữa những quy định của pháp luật và việc thực thi bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có chính sách giáo dục về môi trường một cách có hệ thống, và có sự khuyến khích và tạo điều kiện qua pháp luật để mở rộng phạm vi cho các đoàn thể dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Nguyễn Đức Hiệp

Cơ sở pháp lý

Môi trường đã được chú ý nhiều ở Việt Nam từ thập niên 1980, cùng lúc với sự đổi mới, cởi mở và phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp sau năm 1987. Luật Bảo vệ môi trường ra đời vào năm 1993, sau đó, vào năm 2005 được bổ sung thành Luật Bảo vệ môi trường 2005. Trong đó, có quy định quan trọng về việc cần có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hay ít nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững trước khi xét duyệt những kế hoạch hay dự án công trình phát triển ở địa phương.

Năm 2008, bộ luật về đa dạng sinh học ra đời do sự đòi hỏi khẩn cấp từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước về sự xuống dốc và nguy cơ biến mất tài nguyên rừng, sự tuyệt chủng của các động thực vật quý hiếm mà có nhiều loài là đặc chủng, chỉ có ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho “bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học” (trích điều 1).

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phê chuẩn các điều luật quốc tế liên quan đến môi trường như Ramsar (Công ước về vùng đất ngập nước), CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp)...

Tuy nhiên, trên thực tế có một khoảng cách khá lớn giữa những quy định của pháp luật và việc thực thi bảo vệ môi trường.

Không gian xã hội công dân

Hiện nay các tổ chức phi chính phủ thế giới như Word WildLife Fund (WWF), Fauna and Flora International (FFI), Birdlife International... đã có các hoạt động tích cực và mang lại nhiều thành quả về bảo vệ môi trường tại Việt Nam, bao gồm cả giáo dục thông tin cho công chúng và hợp tác với các cơ quan chính quyền trong việc lập chính sách môi trường thích ứng. Gần đây cũng xuất hiện các tổ chức phi chính phủ trong nước như Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Thế hệ xanh, các nhóm trẻ như Câu lạc bộ Sinh viên và Môi trường, Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường...

Dù vậy, kết quả những đóng góp của các tổ chức phi chính phủ trong vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Hiện nay Việt Nam không có tòa án môi trường và sự tham gia và vai trò của công chúng hay các tổ chức phi chính phủ rất giới hạn. Vì thế đã có những dự án và công trình có những vi phạm trong lúc khai triển hay hoạt động nhưng vì không có tòa án môi trường và không có tổ chức phi chính phủ bản địa nào đủ mạnh để dựa vào luật pháp, mang vấn đề ra xem xét lại quyết định.

Ngoài ra, ý thức của người dân trong lĩnh vực đa dạng sinh học còn rất yếu, nhiều động thực vật quý hiếm đi vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng vì môi trường sống của chúng càng ngày càng bị thu hẹp hay bị săn bắt trong đường dây buôn bán động vật hoang dã (voi, hổ, tê tê, nai, gấu...). Nạn phá rừng lấy gỗ, xảy ra ngay ở vườn quốc gia có kiểm lâm...

Cùng với việc mở rộng phạm vi cho các đoàn thể dân sự hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Chính phủ cần có và áp dụng chính sách giáo dục về môi trường một cách có hệ thống.

Giáo dục tư duy môi trường và phát triển bền vững

Một công dân tốt và hữu ích trong xã hội phải ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của mình, việc bảo vệ cảnh quan và hệ môi sinh phải được hiểu rõ và thấm nhuần từ lúc bắt đầu ở tiểu học cho đến ít nhất ở trung học về tư duy phát triển bền vững.

Kế hoạch phát triển bền vững cần được đặt trên nền tảng những nguyên lý sau:

Thận trọng. Khi một hành động hay một chính sách có thể ảnh hưởng tai hại đến môi trường hay xã hội, mà sự hiểu biết khoa học hiện nay chưa được thống nhất về hệ quả đó thì phải thận trọng không theo đuổi thực hiện nó. Chỉ thực hiện khi đã hoàn toàn biết được một cách khoa học là chắc chắn chúng không ảnh hưởng hay gây nguy hại lớn cho môi trường và xã hội.

Công bình trong một thế hệ. Không thể tiến hành sự phát triển nếu nó có lợi cho một cộng đồng nhưng làm hại đến cơ sở sinh thái, xã hội và kinh tế mà cộng đồng khác đang dựa vào để sinh sống. 

Công bình giữa các thế hệ. Trong phát triển không làm hủy hoại hao mòn di sản môi sinh, xã hội và kinh tế, để thế hệ tương lai có thể dùng và thực hiện được mức sống an sinh bằng hay tốt hơn mức an sinh hiện tại.

Ba giá trị cơ bản. Đó là con người - trái đất - lợi nhuận, nghĩa là mọi doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì xã hội và môi trường.

Triển vọng cho tương lai

Khi tư duy phát triển bền vững được thấm nhuần trong từng công dân và tiềm ẩn trong mỗi hoạch định hay thao tác trong đời sống xã hội thì không những chúng ta sẽ tự giải quyết được nhiều vấn đề môi trường đã và đang xảy ra mà còn mở ra nhiều triển vọng ở nhiều lĩnh vực trong tương lai.

Thực hiện được hai mục tiêu giáo dục tư duy phát triển bền vững và tạo một không gian xã hội công dân như đã trình bày sẽ giúp xã hội kiến tạo được một nếp sống văn hóa tôn trọng thiên nhiên, giá trị của sự bảo tồn bảo vệ môi trường vì thiên nhiên cũng là di sản văn hóa. Tinh thần thượng tôn pháp luật với cơ chế mà mọi thành phần trong xã hội hiểu biết, và có cơ hội tham dự.

Tư duy như vậy còn đem lại những lợi ích xã hội khác như nhiều doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm với xã hội và môi trường sống. Về phương diện kinh tế, dịch vụ môi trường, tư vấn môi trường như áp dụng chuẩn ISO14000, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và trên thế giới

Về phương diện chống biến đổi khí hậu, Việt Nam có khả năng hưởng những lợi ích kinh tế và cùng lúc bảo vệ môi trường qua sự tham gia vào các cơ chế kinh tế mới như cơ chế Phát triển sạch (CDM), giảm khí thải từ phá rừng và thoái hóa rừng (REDD), đặc biệt giúp cho các dân tộc ít người, người bản địa bảo tồn văn hóa và đời sống kinh tế của họ. Những biện pháp và cơ chế phát triển trên phù hợp với trào lưu, tư tưởng của thế giới ở thế kỷ 21.

Điều này đòi hỏi có sự thay đổi, đổi mới trong chính sách giáo dục phổ thông hiện nay. Cũng phải có sự khuyến khích và tạo điều kiện qua pháp luật để những tổ chức phi chính phủ, xã hội công dân có thể được hình thành và hoạt động dễ dàng. Đó là nền tảng của nếp sống văn minh trong một xã hội tiến bộ.

Tư duy phát triển bền vững có thể dễ dàng đưa vào các môn học như sinh học, kinh tế, địa lý... ở trung học chẳng hạn. Cụ thể, trong chương trình lớp 12 ở tiểu bang New South Wales (Úc) trong môn sinh học và địa lý, học sinh được học về sự quan trọng của việc bảo vệ và quản lý các hệ sinh thái vì đa dạng di truyền trong một loài (như lúa, mì hay cây ăn trái) sẽ giúp cho loài đó nhiều cơ hội duy trì, tránh tuyệt chủng khi có biến cố xảy ra. Ta có thể lai giống giữa các di truyền khác nhau để giảm hệ quả của những biến cố như vậy.

Học sinh còn được học về các giá trị của môi trường và hệ sinh thái trong các nghiên cứu trường hợp (case studies) của môn kinh tế. Học sinh còn được học về giá trị nội tại của chúng, và vì thế chúng cần được coi trọng dù nó có giá trị kinh tế đối với con người hay không. Đây là ý niệm đạo đức về thiên nhiên.

Học sinh cũng được học về sự cần thiết để hệ sinh thái tự nhiên thay đổi và tiến hóa mà con người không nên xen vào. Thí dụ như thay đổi dòng chảy của sông, ô nhiễm sông, nước qua sự lạm dụng thải chất thải, lấp đất làm rẫy hay nuôi tôm ở vùng đất ngập mặn...

(TBKTSG)



Lượt xem: 1400

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE