quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Bảo vệ cây Di sản thiếu kiến thức, tiền nhiều cũng hỏng

Thứ Năm, 09/07/2015 | 06:13:00 AM

(VACNE) - Đây là nội dung Báo Khoa học & Đời sống ngày 6/7/2015 vừa đăng tải, bài phỏng vấn của phóng viên Vũ Thủy với ông Phùng Quang Chính, Thư ký Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. Website VACNE xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

  
 
*Tính đến nay, Hội đồng đã cấp giấy chứng nhận Cây Di sản cho bao nhiêu cây rồi, thưa ông?
Đến nay, Hội BVTN&MT Việt Nam đã công nhận 962 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam. Với tiêu chí: cây trồng có tuổi từ 100 năm trở lên và cây mọc tự nhiên từ 200 năm . Ngoài ra, nhiều cây đạt những tiêu chí khácnhư: các loài đặc hữu của Việt Nam, các loài thực vật có nguồn gen quý hiếm, có quy cơ bị tuyệt chủng, những cây gắn với các di tích lịch sử văn hóa, chủ quyền lãnh thổ… cũng được xét ưu tiên công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Vì mục tiêu tối thượng của Hội là huy động nguồn lực và sức mạnh của cộng đồng để bảo tồn sự đa dạng về sinh học, bảo vệ môi trường.
*Hội có thống kê được bao nhiêu cây đã chết sau khi công nhận là Cây Di sản không?
Qua nhiều nguồn thông tin và trực tiếp tới khảo sát, chúng tôi biết có 7 cây muỗm ở đền Voi Phục (Thụy Khuê - Hà Nội) và 2 cây gạo ở Thanh Hóa đã chết. Ngoài ra, còn có 2 cây đang nguy kịch (cây gạo hơn 350 năm tuổi ở Hoài Đức - Hà Nội, cây Táu hơn 2.200 năm ở Thiên cổ miếu Tp. Việt Trì – Phú Thọ). Như vậy, số lượng cây bị chết chiếm tỉ lệ rất ít trong tổng số những cây cổ thụ đã được “vinh danh” cây Di sản Việt Nam.
Khi tiếp nhận thông tin về những Cây Di sản bị sâu bệnh, chúng tôi đều cử chuyên gia (kể cả mời chuyên gia người nước ngoài) về tận nơi khảo sát, giá thực trạng và tìm nguyên nhân, để cứu cây. Cụ thể như TS. Paul Barber của Ôxtrâylia và các chuyên gia Nhật bản, Canada và Viện Quy hoạch Lâm Nghiệp Việt Nam đã tới tư vấn chữa bệnh cho cây ở Hà Nội, Nam Định và Phú Thọ. Thâm chí đã trực tiếp hợp đồng diệt xén tóc cho những cây Muỗm ở đền Voi Phục Thụy Khuê (Hà Nội) nhưng cây vẫn chết do cây quá già cỗi và sự xâm hại của con người trong quá trình trùng tu ngôi đền. Về cơ bản, cây cối cũng là một thực thể sống và mỗi loài có một khung tuổi thọ nhất định, nhưng nếu chúng ta biết chăm sóc đúng cách thì có thể sẽ kéo tuổi thọ cho cây. Ngược lại, nếu rễ cây, thân cây, lá cây và không gian sống của cây bị xâm hại quá mức, thì cây sẽ nhanh chết. Phần lớn nguyên nhân gần đây khiến các cây Di sản bị chết là do sự xâm hại, cũng như sự chăm sóc không đúng cách của con người. Đây là nguyên nhân chính khiến các cây cổ thụ bị chết.
 
*Sự can thiệp ấy thể hiện như thế nào?
Có thể do yêu mến cây một cách quá mức, nhưng thiếu hiểu biết. Nhưng cũng có thể do vô tình người ta đã làm những việc khác, gây tổn hại tới cây, dẫn tới khả năng cây bị chết. Dù không muốn đổ lỗi, khi chưa có chứng cứ, nhưng trường hợp 7 cây muỗm cổ thụ, cùng nhiều cây muỗm non và cây khác loài ở Đền Voi Phục bị chết đồng loạt sau khi đền được trùng tu, xây sửa, vẫn phải khẳng định: cây chết vì có sự xâm hại của con người. Vì trong quá trình tu, xây dựng Đền, người ta đã đào móng xây tường làm đứt rễ cây, dùng xe tải trọng lớn chở vật liệu đè lên rễ cây, đổ nước xi măng và phun thuốc chống mối mọt vào khu vực này đã làm tổn hại và đẩy nhanh quá trình gây chết cây. Nếu không, làm sao có hiện tượng cây chết hàng loạt, kể cả cây non và những cây mới trồng thay thế. Trong khi cây muỗm cổ thụ (đã được vinh danh Cây Di sản Việt nam) ở ngay sát Đền vẫn xanh tốt
Một số nơi do thiếu hiểu biệt, người dân đổ phù sa quanh gốc cây “cho mát” nhưng cây ngày càng suy kiệt (Ví dụ như cây Táu ở Thiên cổ miếu Việt Trì). Bởi cây càng già thì khả năng quang hợp càng kém, các rễ cây buộc phải lộ ra để “hít thở” và trao đổi quang hợp và hút chất dinh dưỡng. Khi đổ thêm đất bao quanh rễ cây chẳng khác nào trùm chăn “giúp cụ già chống rét”, vô tình bịt kín nguồn thở của họ. Trường hợp cây gạo cổ thụ ở Thanh Hóa cũng vậy, cây bị chết sau khi được bón quá nhiều phân NPK, chẳng khác nào người con quá thương cha mẹ già yếu quá, đã ép các cụ phải ăn mỗi ngày vài cân nhân sâm, dăm ba hộp sữa … làm sao các cụ chịu nổi
*Một số người cho rằng nếu như không được vinh danh Cây Di sản Việt Nam, có khi cây không bị chết oan uổng, bởi chẳng ai biết mà quan tâm, can thiệp?
Tôi cũng nghe đâu đó nói như thế, họ nói vậy, chẳng khác nào họ bảo: nếu không có máy bay, không có ô tô thì làm gì có tai nạn! Đó là cách nghĩ cực đoan, bởi cây là thực thể sống và cũng như con người: có sinh có mất. Có nhiều cây bị chết nhanh vì con người,  nhưng không phải là tất cả.
*Cây Di sản chết có gợi cho ông điều gì không?
Dĩ nhiên tôi cũng thấy buồn chứ bởi phải mất cả trăm năm mới có được cây như thế. Nhưng người buồn, tiếc nuối hơn cả vẫn là người dân trong vùng đó bởi cây cổ thụ không chỉ là một loại thực vật, đó còn là nơi gắn bó với bao kỷ niệm, ký ức của người dân địa phương.
*Ông có nghĩ rằng chính Hội của ông cũng có một phần trách nhiệm khi để Cây Di sản bị chết do sự can thiệp không đúng mức của cộng đồng?
Chưa ai giao cho chúng tôi trách nhiệm này, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy một phần trách nhiệm, bởi Hội BVTN&MT Việt Nam là nơi hội tụ của những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về lĩnh vực bảo vệ cây xanh. Nhất là trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng (cả quan trí và dân chí) về ý nghĩa, mục đích, và kỹ thuật chăm sóc cây. Một mình Hội BVTN&MT Việt Nam không thể nào làm nổi! Chúng tôi cũng đang trong quá trình khắc phục điều đó bằng việc chuẩn bị xuất bản cuốn sách hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và chữa các bệnh thông thường cho cây.
*Khi nào thì cuốn sách đó xuất bản?
Chúng tôi đang đợi các nhà khoa học, chuyên gia hiệu đính lại để thông tin cung cấp tới cộng đồng một cách chính xác, nhưng phải dễ hiểu cho cộng đồng.
*Lúc này mới bắt đầu,theo ông nghĩ, có quá muộn hay không?
Có thể ai đó cho là muộn nhưng tôi nghĩ đó cũng là sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, của lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam.
Tôi tin rất nhiều người đang ngóng chờ cuốn sách của các ông đấy!
*Theo ông, trong công tác bảo vệ di sản, di tích hiện nay, đâu là vấn đề then chốt, phải chăng là vấn đề tài chính?
Từ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Hội đồng Cây Di sản, tôi cho rằng tài chính là quan trọng, song vấn đề then chốt lại là nhận thức của cộng đồng. Bởi những Cây Di sản Việt nam luôn gắn gắn kết sâu đậm với dân cư ở địa phương. Họ là những người trân quý những Di sản của mình hơn ai hết. Chính họ sẽ là người bảo vệ và chăm sóc những cây Di sản một cách tốt nhất. Hội chúng tôi hay bất cứ đơn vị, tổ chức nào (kể cả Chính phủ) cũng không thể làm thay cộng đồng được đâu.
*Trên thực tế, vai trò ấy được phát huy như thế nào?
Chúng ta đã phát động xã hội hóa trong bảo vệ, trùng tu di tích, di sản; đã huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng vào công tác này. Thế nhưng ở đâu đó, vai trò của cộng đồng vẫn chưa được phát huy hiệu quả do đội ngũ quản lý, lãnh đạo và chính người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ. Có nơi vì lợi ích kinh tế trước mắt, người ta “quên” mất việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cây, cũng như không gian văn hóa của các khu di tích lịch sử, văn hóa. Cụ thể như xã La Phù (Hoài Đức - Hà Nội), cây Đa trong khuôn viên Di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Các cụ đã dựng bồn bao quanh để gốc cây để bảo vệ, nhưng chính quyền vẫn cho người đập bỏ, tạo không gian bán hàng cho các Ki ốt cạnh gốc cây và muốn biến khu vực này thành chợ. Mặc dù chúng tôi đã khuyến cáo đại diện chính quyền phải có tầm nhìn xa hơn. Nếu họ biến khu Di tích lịch sử và những cây Di sản này thành điểm thu hút khách du lịch, thì sẽ có hàng trăm cửa hàng trên những con đường của xã sẽ biến thành nơi giao lưu hàng hóa. Lúc này, các Di sản của cha ông, không chỉ là điểm tựa về tinh thần, mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương  
*Tiền đóng vai trò như thế nào trong việc bảo vệ di sản, di tích, thưa ông?
Tiền rất quan trọng, nhưng nếu thiếu hiểu biết và nhận thức chưa đủ, thì phú quý đến mấy cũng chỉ phá hỏng di sản, di tích mà thôi. Hiện nay ở ta vẫn có kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích, di sản nhưng chỉ mới có tiền để tu bổ, xây mới chứ không có tiền để bảo vệ không gian của di tích, di sản đó. Cái tường có thể xây lại được, nhưng cái cây cổ thụ trong khu di tích đó bị xâm hại, bị chết và mất đi thì không thể phục chế lại được. Nếu trồng một cây mới cũng phải mất hàng trăm nămvà không thể như cũ được. Nhận thức chưa đầy đủ về bảo tồn đã khiến cho nhiều di tích, di sản mang dáng dấp một cô gái đẹp nhưng bị trọc đầu.
*Nếu như Hội của ông được cấp kinh phí?
Đó là điều tốt nhưng tôi nghĩ không nhất thiết phải như vậy, cứ để Hội hoạt động như bây giờ - tự túc hoàn toàn lại hay. Có tiền sẽ nhiều chuyện, như việc phân bổ cho địa phương không đồng đều cũng mệt lắm!
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Lượt xem: 2312

Các tin khác

(TTXVN): Cây thiên tuế 200 tuổi ở Bến Tre được vinh danh là cây di sản Việt Nam

(13/01/2025 10:38:AM)

Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(11/01/2025 11:14:PM)

Video của Đài Truyền hình TP HCM: CÔNG NHẬN 8 CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

(02/01/2025 09:57:AM)

(Báo Tuổi trẻ) - Video "Cận cảnh 8 cây quý vừa được công nhận cây di sản ở Thảo cầm viên"

(02/01/2025 09:46:AM)

Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(01/01/2025 11:53:PM)

(nld.com.vn): Thảo Cầm Viên: 8 cây di sản kể chuyện lịch sử thiên nhiên

(01/01/2025 04:21:PM)

(Tuoitre.vn): Thảo cầm viên có 8 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:16:PM)

(Tienphong.vn): Nhìn gần 8 cây cổ thụ ở Thảo cầm viên vừa được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:10:PM)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.

(30/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE