Bảo vệ cây cổ thụ đầu nguồn bằng cách Vinh danh Cây Di sản để giữ nước cho buôn làng - Đề xuất 17
(VACNE)- Đây là sáng kiến nổi bật của Hội BVTN&MT tỉnh Đắk Lắk, trong phong trào Bảo tồn Cây Di sản do Hội BVTN&MT Việt Nam phát động, khi những cây cổ thụ ở đầu nguồn các bến nước ở nhiều địa phương trong tỉnh bị chặt phá, kéo theo hệ lụy là nhiều bến nước đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt.
Người dân địa phương đang đi lấy nước tại khu vực cây đầu nguồn nước. (Trong ảnh: Bia "Cây đầu nguồn nước" lấy theo biểu tượng Cây Di sản Việt Nam)
Ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội BVTN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết: thành công bước đầu trong việc bảo vệ nguồn nước ở các huyện Cư M’gar và Krông Pak trong những năm qua và thành phố Buôn Ma Thuột mới đây, đã được chính quyền địa phương ủng hộ và được dư luận xã hội đánh giá tốt.
Cụ thể, trong những năm qua nhiều vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có nhiều bến nước bị bỏ hoang. Một số bến được xây dựng khá công phu với những bể chứa bằng xi măng kiên cố nhưng đã trở thành nơi chứa rác sinh hoạt. Qua tìm hiểu được biết nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống cây xanh lâu năm ở đầu nguồn nước bị chặt phá làm khô cạn mạch nước ngầm.
Ông Y B’lơt M’lô, Trưởng Ban Mặt trận buôn Sut H’luôt (xã Chư Suê, huyện Cư M’gar) cho biết: “Hơn 20 năm trước, ở đầu nguồn bến nước của buôn có nhiều cây xanh hàng trăm năm tuổi, nhưng từ khi các cây cổ thụ này bị chặt phá thì lượng nước mạch chảy ra ngày càng ít, đặc biệt vào mùa khô. Để giữ cho các bến nước tiếp tục hoạt động, Hội BVTN&MT và chính quyền địa phương đã huy động người dân tham gia bảo vệ các cây cổ thụ và trồng thêm cây xanh ở đầu nguồn. Năm 2011, buôn Sut H’luôt đã trồng hơn 20 cây xanh ở khu vực quanh bến nước và vinh danh một số cây cổ thụ ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar vào cuối năm 2013; đồng thời xây dựng kế hoạch trồng thêm nhiều cây nữa”. Hiện trên địa bàn xã Chư Suê có 4 bến nước, nhưng 2 bến ở buôn Sut M’Drang và Sut M’Drưng đã bỏ hoang từ nhiều năm nay vì nguồn nước khô cạn, 2 bến còn lại (buôn Sut H’Luôt và Sut M’Drư) mặc dù đang hoạt động nhưng vào mùa khô lượng nước rất ít, không đủ cho người dân lấy nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống…
Trước đây, mỗi buôn ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) đều có một bến nước, nhưng hiện chỉ còn một số ít buôn lưu giữ được như buôn Ea K’mát và Ea H’leo. Người dân buôn Ea K’mát cho biết, những cây lâu năm đầu nguồn đã bị chặt phá hết nên nguồn nước ở các bến ngày càng khô cạn. Tại các bến nước còn sử dụng, chính quyền xã và người dân đã gắn biển “Cây bảo vệ nguồn nước” để bảo vệ, đóng góp gia cố và xây dựng lại bến nước và trồng thêm cây xanh ở đầu nguồn để duy trì nguốn nước.
Theo già làng Y Ky Niê Kdăm (buôn K’Mrơng Prông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thì rừng cây đầu bến nước của buôn trước đây có diện tích hơn 5 ha, nhưng đã bị xâm hại, đến nay chỉ còn 0,5 ha gồm 13 cây cổ thụ quý hiếm mấy trăm năm tuổi, thân cây có chu vi từ 3 đến 6 người ôm, chiều cao khoảng 25 đến 35 m. Hằng ngày, người dân trong buôn vẫn đến bến để lấy nước sinh hoạt. Ngoài buôn K’Mrơng Prông B thì buôn K’Mrơng Prông A và buôn Ju vẫn giữ được khá nhiều cây cổ thụ đầu nguồn nhằm giữ nguồn nước sạch. Theo phong tục của người Êđê, bà con thường có thói quen lấy nước ở các bến về để phục vụ sinh hoạt, mặc dù hầu hết các gia đình đều đã có giếng. Mỗi khi một cây gỗ lớn bị chặt phá thì một mạch nước ngầm cũng cạn dần nên mọi người đều ra sức giữ gìn cây xanh đầu nguồn.
Đặc biệt, năm 2015, Hội BVTN&MT tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các Ban ngành chức năng địa phương kiên trì thuyết phục và hành động quyết liệt, bảo vệ bằng được khu vực đầu nguồn nước của thành phố Buôn Ma Thuột đang bị trang trại Thảo Nguyên Xanh gây ô nhiễm.
Để giữ rừng, giữ nguồn nước, vừa qua Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh đã tổ chức Lễ gắn biển bảo vệ rừng cây – nguồn nước tại buôn K’Mrơng Prông B. Người dân trong buôn rất phấn khởi, bởi từ bao đời nay việc bảo vệ cây đầu nguồn luôn được xem trọng. Ông Chủ tịch Hội còn cho biết thêm: Việc chặt phá cây cổ thụ đầu nguồn đã làm cho lượng nước mạch ngày càng giảm, do đó hoạt động gắn biển bảo vệ rừng cây – nguồn nước là nhằm kêu gọi người dân chung tay bảo tồn những cây xanh có tuổi đời hàng trăm năm, bởi vì giữ được cây xanh là giữ được nguồn nước cho dân làng”. Hiện nay, Hội đã chuẩn bị tổ chức gắn biển bảo vệ rừng cây – nguồn nước ở đầu nguồn suối Ea M’kang (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar). /.