Không ít báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi thẩm định có đính kèm văn bản tham vấn có nội dung giống hệt nhau, trong khi các cơ quan trả lời tham vấn là khác nhau - GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE)- nêu thực trạng.
Theo PGS. TS Lê Trình, Chủ tịch Hội Đánh giá Tác động Môi trường Việt Nam (VACNE), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cung cấp các thông tin quan trọng về ảnh hưởng đến môi trường của P/P/P (theo quy định quốc tế) hoặc C/Q/K (theo quy định Việt Nam) qua xem xét các tác động tích hợp, tác động cộng hưởng, trực tiếp, gián tiếp và đưa ra các định hướng bảo vệ môi trường gắn kết phát triển kinh tế - xã hội do vậy ĐMC là công cụ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
ĐTM góp phần cải thiện việc thiết kế và triển khai dự án gắn kết bảo vệ tài nguyên môi trường, cải thiện an sinh xã hội qua việc xác định các giải pháp dự phòng, giảm thiểu và đền bù đối với các tác động xấu.
Việc tuân thủ pháp luật, thực hiện ĐTM các dự án công nghiệp đã mang lại nhiều tác động tốt, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, thận trọng trong việc lựa chọn và đầu tư các loại hình công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với việc phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường do hoạt động của dự án gây ra, góp phần ổn định xã hội, hạn chế các xung đột do ô nhiễm môi trường, giảm tác động xấu tới sức khỏe của cộng đồng.
Bên cạnh rất nhiều chủ đầu tư nhận thức được trách nhiệm của mình đối với báo cáo ĐTM và cố gắng thực thi theo đúng yêu cầu của pháp luật, điển hình là các chủ đầu tư của các dự án quốc tế hoặc liên doanh với nước ngoài thuộc các nước phát triển, và một số các chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa nhận thức được trách nhiệm của mình là vai trò chính của báo cáo ĐTM và coi như việc làm cho qua.
Không ít chủ đầu tư trốn các quy định về ĐTM
“Lợi ích chỉ có thể có khi ĐMC phải được thực hiện đồng thời với quá trình lập P/P/P hoặc C/Q/K với sự tham gia của nhiều bên liên quan”, PGS. TS Lê Trình nói, “Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay có không ít báo cáo ĐMC được lập sau khi lập C/Q/K, thậm chí sau khi phê duyệt C/Q/K, làm giảm hiệu quả của ĐMC.”
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, việc đánh giá các sự cố rủi ro trong các giai đoạn của dự án của nhiều báo cáo còn rất hời hợt hoặc chỉ liệt kê dự báo rủi ro mà không chú ý đánh giá tác động tới môi trường khi các sự cố rủi ro đó xảy ra dẫn đến việc chủ đầu tư chưa nhận thấy hết các tác động từ sự cố và cần phải có các đầu tư cần thiết cho việc giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường.
Nhiều báo cáo ĐTM thiếu nhiều thông tin về tác động tích lũy trên các khu công nghiệp do hoạt động của nhiều loại hình sản xuất công nghiệp tập trung tại một khu vực, dẫn đến việc đầu tư tràn lan nhiều loại hình công nghiệp có tác động tương hỗ tiêu cực tới môi trường và nguồn tiếp nhận chất thải phát sinh do hoạt động công nghiệp.
Một số không ít các báo cáo ĐTM các khu công nghiệp thiếu chú ý tới đánh giá tác động tới môi trường do tác động của qui hoạch phân khu chức năng, mức độ lấp đầy các khu công nghiệp dẫn tới các xung đột môi trường sẽ ảnh hưởng tới trật tự an ninh và các vấn đề xã hội liên quan.
Một số chủ đầu tư đã bỏ qua việc lập báo cáo ĐTM và cấp phép thẩm định, tiến hành xây dựng và đưa dự án đi vào vận hành, đặc biệt là đối với các dự án qui mô vừa và nhỏ nhưng vẫn thuộc hạng mục phải lập báo cáo ĐTM dẫn tới nhiều biện pháp giảm thiểu tác động xấu không được triển khai gây ô nhiễm môi trường.
Chủ đầu tư coi việc phải lập báo cáo ĐTM các dự án là rào cản trong quá trình đầu tư của mình, không thấy được trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường là rất cần thiết.
Có thực tế là chủ đầu tư ủy quyền toàn bộ trách nhiệm lập báo cáo ĐTM cho đơn vị tư vấn, không tham gia góp ý trong quá trình tư vấn, thậm chí có chủ đầu tư không đọc báo cáo ĐTM trước khi kí xin thẩm định, dẫn tới có trường hợp mô tả dự án không đúng như dự án đầu tư, chấp nhận tư vấn đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động xấu không phù hợp hoặc không khả thi đối với việc triển khai dự án.
Không những vây, chủ đầu tư tiến hành triển khai dự án trước khi báo cáo ĐTM được phê duyệt, thậm chí đã hoàn thành một số hạng mục hoặc giai đoạn đầu của dự án sau đó bị cơ quan quản lí môi trường phát hiện, buộc phải lập báo cáo ĐTM và xin cấp phép thẩm định, khi mà nhiều nội dung theo yêu cầu của báo cáo ĐTM đã không còn ý nghĩa và tác dụng.
Theo PGS.TS Trình, hiện nay nhiều ĐMC được thực hiện sau khi quy hoạch đã hoàn thành, thậm chí đã được chính quyền tỉnh trình hội đồng nhân dân. Do vậy, nhiều báo cáo ĐMC chỉ nhằm chứng minh các nội dung của quy hoạch là đúng định hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và ít có ĐMC nào bác bỏ các nội dung của quy hoạch có thể gây tác động nghiêm trọng đến môi trường và xã hội.
Như vậy ĐMC bị hạn chế về tính khoa học, khách quan, dẫn đến hiệu quả ĐMC không cao, không giữ được vai trò là “công cụ cho phát triển bền vững”. Đây là bài học về nhận thức mà lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành cần quan tâm để đảm bảo thực hiện ĐMC đúng quy định pháp luật (điều 5 – Luật Bảo vệ Môi trường, 2005).
Cần có báo cáo ĐTM sơ bộ
Nhằm hạn chế và khắc phục các tồn tại trong hoạt động ĐTM các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, GS.TS Đặng Kim Chi đề xuất cần có báo cáo ĐTM sơ bộ khi có ý tưởng về dự án đầu tư để ĐTM một cách khách quan về địa điểm dự án cũng như yêu cầu về công nghệ và thiết bị thân thiện môi trường sau đó lập báo cáo ĐTM chi tiết.
Chủ dự án phải có xác nhận về việc đã đọc và bảo đảm độ chính xác và đồng ý với tất cả các nội dung của báo cáo ĐTM khi thuê tư vấn lập báo cáo này kể cả đối với báo cáo ĐTM trước và sau khi bổ sung, chỉnh sửa.
Nên sàng lọc và xem xét khả năng hành nghề của của cơ quan làm tư vấn lập báo cáo ĐTM theo yêu cầu tại Điều 16 Nghị định 29/2011/NĐ-CP không chỉ đối với các dự án thuộc quyền thẩm định của các bộ mà còn đối với các tỉnh, thành phố.
Tổ chức khảo sát địa điểm thực hiện dự án trước khi họp hội đồng thẩm định, hoặc tốt nhất là họp hội đồng thẩm định ngay tại nơi thực hiện dự án. Tổ chức thường xuyên việc thanh kiểm tra hoạt động thẩm định và hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, kiên quyết không chấp nhận các kết quả thẩm định không đạt yêu cầu sau khi thanh kiểm tra.
Tổ chức tập huấn kĩ năng thẩm định cũng như cập nhật các văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động ĐTM. Xem xét khả năng tổ chức thẩm định các báo cáo ĐTM sau khi đã được bổ sung, chỉnh sửa theo ý kiến nhận xét bằng văn bản của thành viên hội đồng thẩm định đối với báo cáo ĐTM đã gửi, nhằm hạn chế khả năng không thông qua báo cáo về kĩ thuật lập ĐTM.
Các thành viên hội đồng cần có khảo sát địa điểm cũng như tiếp xúc với cộng đồng dân cư khu vực dự án có qui mô lớn và tiềm năng tác động xấu tới môi trường. Xây dựng hướng dẫn và đánh giá yêu cầu tham vấn cộng đồng đối với báo cáo ĐTM của dự án đầu tư.
Mạnh Cường (lược ghi)
(VFEJ)