quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

BÁO CÁO CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐỨC LONG – GIA LAI VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6 & 6A

Thứ Sáu, 30/09/2011 | 10:26:00 PM

Trình bầy: ThS. Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ nhiệm Dự án.

                                 
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin gửi đến Quý cấp lời chào trân trọng và lời cám ơn chân thành về sự hỗ trợ và giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty trong thời gian qua.
 Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin được báo cáo về tình hình triển khai các Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A để Quý cấp xem xét, có sự đánh giá khách quan về hiệu quả của các dự án này, như sau:
 


I. Quá trình chuẩn bị các dự án
Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch năm 2002, với công suất lắp máy 180MW, sản lượng điện bình quân năm 773,6 triệu kWh. Theo đó, ảnh hưởng của Dự án đến môi trường là khá lớn. Để khai thác được hết tiềm năng thủy điện của đoạn tuyến sông Đồng Nai này đồng thời khắc phục những tác động ảnh hưởng của dự án đối với diện tích rừng, từ tháng 5/2007, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã nghiên cứu, khảo sát, đề xuất chia bậc thang Thủy điện Đồng Nai 6 thành hai bậc thang với tổng công suất 241 MW: Thủy điện Đồng Nai 6, công suất 135MW và Thủy điện Đồng Nai 6A, công suất 106MW, tổng sản lượng điện hằng năm hai bậc là 997,2 triệu kWh (công suất tăng thêm 61MW, sản lượng điện hàng năm tăng thêm 223,6 triệu kWh so với phương án quy hoạch năm 2002), nhưng diện tích chiếm đất công trình và lòng hồ giảm từ 1954 ha xuống còn 372,23 ha (gồm 332,9 ha chiếm đất vĩnh viễn và 48,33 ha chiếm đất tam thời); trong đó diện tích đất thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên chỉ còn bị ảnh hưởng 136,98 ha so với 732 ha, diện tích đất thuộc rừng phòng hộ của hai tỉnh Đăk Nông, Bình Phước chỉ còn bị ảnh hưởng 235,25 ha so với 1.222 ha trong phương án quy hoạch năm 2002.
Trên cơ sở tổng hợp các kết quả thẩm định hồ sơ dự án và ý kiến của các Bộ và địa phương: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Vườn Quốc gia Cát Tiên; báo cáo giải trình bổ sung của tư vấn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đồng ý bổ sung các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và thủy điện Đồng Nai 6A vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan hướng dẫn Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập dự án đầu tư các dự án thủy điện này và trình duyệt theo đúng quy định hiện hành (Công văn số 6163/VPCP-KTN, ngày 08/9/2009); đồng thời Bộ Công thương đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và thủy điện Đồng Nai 6A vào Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009.
Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã tiến hành ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để tiến hành các công việc: Khảo sát, lập Dự án đầu tư; lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường; đo đạc và lập bản đồ giải thữa; lập hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng; thẩm định Dự án đầu tư, trình các cơ quan chức năng phê duyệt và đến tháng 7/2010 cơ bản đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư; chỉ còn phải thực hiện các khâu: Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lấy ý kiến góp ý thiết kế cơ sở, cấp giấy chứng nhận đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất và xin thuê đất là chủ đầu tư sẽ tổ chức khởi công công trình.
Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, Công ty đã lập Tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các Bộ: Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch đầu tư; Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các Bộ đã có văn bản đánh giá cao hiệu quả các dự án và ủng hộ chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện dự án. Tháng 4/2010, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cùng với đại diện các sở ban ngành chuyên môn của các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước và Vườn Quốc gia Cát Tiên đi kiểm tra thực địa hiện trạng rừng trên phạm vi sử dụng đất của dự án cũng như các ảnh hưởng đến Vườn quốc Gia Cát Tiên và có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ các bước tiếp theo về các dự án này.
Gần đây nhất, ngày 21/7/2011 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1208/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII); đã xác định mục tiêu: “Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch cũng đã xác định: “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6% vào năm 2030…”. Cũng theo Quyết định này, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được đưa vào Danh mục các Dự án nguồn điện vào vận hành giai đoạn 2011 - 2020, trong đó Thủy điện Đồng Nai 6 sẽ được đưa vào vận hành năm 2015 và Thủy điện Đồng Nai 6A sẽ được đưa vào vận hành năm 2016.
Như vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thực hiện đúng các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo quy định của pháp luật để khai thác nguồn thủy năng của dự án với phương án giảm thiểu tối đa diện tích sử dụng đất và các tác động ảnh hưởng môi trường đến Vườn Quốc gia Cát tiên. Các dự án đã được trải qua một quá trình rà soát, thẩm định kỹ lưỡng của các Bộ, ngành, địa phương và đã được Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hữu quan nhất trí phê duyệt quy hoạch. Đến nay, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư các dự án.
 
II. Hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động môi trường các dự án:
1. Hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động môi trường của các dự án:
Các dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A có hiệu quả kinh tế nổi trội so với các dự án thủy điện khác và có mức độ ảnh hưởng tác động đến môi trường không cao, cụ thể:
-         Quy mô tổng công suất của thủy điện Đồng Nai 6 và thủy điện Đồng Nai 6A là 241MW, tổng sản lượng điện hàng năm là 997,2 triệu kWh từ nguồn năng lượng sạch, có thể cung cấp đủ lượng điện tiêu thụ cho 03 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Phước. Trong thời gian thi công và quá trình vận hành công trình, các nhà máy thủy điện sẽ giải quyết việc làm cho nhiều ngàn lao động. Sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, mỗi năm các Nhà máy sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng (cả chu kỳ hoạt động của dự án sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng). Vị trí nhà máy gần trung tâm phụ tải lớn và khu vực kinh tế trọng điểm cả nước là thành phố Hồ Chí Minh và khu vực miền Đông Nam bộ, sẽ đóng góp đáng kể cho nhu cầu điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng thiếu điện trầm trọng hiện nay của đất nước.
-         Trong bối cảnh của đất nước ta hiện nay, nguồn năng lượng thủy năng là có hạn, các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ ngày càng cạn kiệt, đắt đỏ và gây tác hại đối với môi trường do lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Với quy mô tổng công suất của Thủy điện Đồng Nai 6 và Thủy điện Đồng Nai 6A là 241MW, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh từ nguồn năng lượng sạch (nếu lượng điện năng này được sản xuất bằng nhiệt điện thì hàng năm phải tiêu thụ một khối lượng than đá là 450.000 tấn hoặc 270.000 tấn dầu FO) thì lượng giảm phát thải CO2 tương đương là 575.000 tấn; trong khi đó lượng giảm phát thải CO2 của 372 ha rừng (diện tích chiếm đất của 02 dự án thủy điện) là 3.720 tấn (1 ha giảm từ 5 đến 10 tấn CO2), thì lượng giảm phát thải CO2 tương đương sau khi xây dựng dự án khoảng 571.000 tấn, mang lại hiệu quả tích cực chung rất lớn đối với môi trường;
-         Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai (6 & 6A) với một đối tác. Theo đó, đối tác sẽ ký kết hợp đồng mua bán giảm phát thải cho DLGL từ năm 2017 với khối lượng chuyển giao mỗi năm là 559.120 CERs;
-         Với công suất 241MW và diện tích chiếm đất là 372,25ha, tỷ lệ diện tích chiếm đất bình quân là 1,54 ha/MW là rất thấp so với tỷ lệ chiếm đất của các dự án thủy điện khác từ 10ha/MW đến 20ha/MW. Theo nghiên cứu “Phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam” của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), cả nước có 47/128 rừng đặc dụng có các dự án thủy điện. Có được 1 MW điện sẽ mất 62,63 ha diện tích đất rừng và rừng đặc dụng, thì Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A có mức độ ảnh hưởng đến rừng thấp nhất.
-         Diện tích đất thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng 137 ha, so với tổng diện tích Vườn Quốc Gia Cát Tiên là 71920 ha, chiếm tỷ lệ 0,19%; chủ yếu là rừng nghèo tái sinh, lồ ô; không có các loại thực vật quý hiếm cần bảo vệ. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng môi trường sẽ đảm bảo tác động không đáng kể đến Vườn Quốc Gia Cát Tiên. (Công văn số 233/VQG-KHKT ngày 28/7/2009 của Vườn Quốc Gia Cát Tiên).
-         Dự án thuộc loại nhà máy thủy điện sau đập, không gây ra dòng sông chết, dung tích lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 6: 15 triệu m3 và thủy điện Đồng Nai 6A: 9 triệu m3 là rất nhỏ, chỉ điều tiết ngày do đó không gây gián đoạn dòng chảy trong quá trình vận hành (nếu không vận hành nhà máy thì với lưu lượng bình quân tự nhiên 166m3/s, hồ chứa sẽ đầy và tràn trong vòng 24 giờ).
-         So sánh lưu lượng tự nhiên trung bình nhiều năm tại tuyến đập thủy điện Đồng Nai 6A, lưu lượng xả Thủy điện Đồng Nai 6, lưu lượng xả Thủy điện Đồng Nai 6A:
Đơn vị: m3/s
STT
Tháng
Qxả
Đồng Nai 6
Qtự nhiên đến Đồng Nai 6A
Qxả
Đồng Nai 6A
Đánh giá
Tăng
Giảm
1
I
86,2
43,2
90,3
+ 47,1
 
2
II
85,2
27,1
88,1
 + 61,0
 
3
III
87,1
20,9
89,6
+ 68,7
 
4
IV
91,3
28,9
94,3
+ 65,4
 
5
V
100,5
55,7
106,1
+ 50,4
 
6
VI
143,1
135
156,2
+ 21,2
 
7
VII
147,0
230
168,8
 
- 61,2
8
VIII
255,9
406
293,4
 
- 112,6
9
IX
277,8
410
316,1
 
- 93,9
10
X
243,6
355
276,4
 
- 78,6
11
XI
151,5
173
168,2
 
- 4,8
12
XII
93,3
82,8
101,4
 
+ 18,6
Qtbnăm
146,9
164
162,4
 
 
 
Qua bảng trên cho thấy, trong các tháng mùa kiệt từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau qua chế độ điều tiết hệ thống bậc thang thủy điện sông Đồng Nai tính đến tuyến đập Đồng Nai 6A đã tăng lên đáng kể, tháng có dòng chảy tăng lên nhiều nhất là tháng 3 tăng 68,7 m3/s so với dòng chảy trước khi có hệ thống nên việc điều tiết này sẽ giúp cải thiện đáng kể dòng chảy phía hạ lưu về mùa khô.
Trong các tháng mùa lũ, khi có hệ thống bậc thang thủy điện cũng đã cắt giảm được lưu lượng các tháng màu lũ, tháng có lưu lượng giảm nhiều nhất so với lúc chưa có hồ là tháng 8 với lưu lượng giảm 112,6 m3/s cũng là tháng có lưu lượng tự nhiên lớn nhất năm.
- Khu vực xây dựng công trình và lòng hồ cách xa các khu vực động, thực vật đặc hữu của Vườn Quốc gia Cát Tiên: Vị trí 02 công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A cách khu vực hoạt động của tê giác lần lượt là 11km và 07km (Công văn số 233/VQG-KHKT ngày 28/7/2009 của Vườn Quốc gia Cát Tiên); Khu vực Bàu sấu (đất ngập nước) thuộc xã Đăk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (thuộc tiểu khu 12 và 17 Vườn Quốc gia Cát Tiên) cách vị trí đập Đồng Nai 6A là 33km và đập Đồng Nai 6 là 50km về phía hạ lưu, do đó hầu như không ảnh hưởng đến các hệ động, thực vật này.
 - Vị trí công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nằm ở ranh giới vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Hồ chứa nhỏ, dạng dãi hẹp chạy dọc theo một phần đoạn sông Đồng Nai cũng là ranh giới của Vườn Quốc Gia Cát Tiên, khoảng cách của hồ chứa từ ranh giới Vườn vào trong Vườn xa nhất là 300m và phổ biến là 100m.
 - Các dự án này không ảnh hưởng đến dân cư, đất nông nghiệp hay công trình công cộng khác do đó không phải thực hiện công tác di dời, đền bù, tái định cư.
 - Toàn bộ đường giao thông phục vụ thi công và vận hành được tận dụng từ đường lâm sinh và đường dân sinh có sẳn, đều đi từ phía bờ phải thuộc tỉnh Đăk Nông và Bình Phước, các mỏ vật liệu đá, cát cũng khai thác từ phía tỉnh Đăk Nông và Bình Phước do đó sẽ không gây ra chia cắt sinh cảnh hay ảnh hưởng lớn đến Vườn Quốc Gia Cát Tiên.
 
2. Về các báo cáo đánh giá tác động môi trường:
Các dự án đã được đánh giá tác động môi trường 03 lần, cụ thể:
-         Khi bắt đầu triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, Chủ đầu tư của dự án lúc đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của công trình thủy điện Đồng Nai 6 đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch dự án năm 2002.
-         Báo cáo đánh giá tác động môi trường giai đoạn Báo cáo đầu tư do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện I phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật lập năm 2009. Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã trình cùng với Báo cáo đầu tư để các Bộ và Chính phủ xem xét đồng ý hiệu chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai đồng thời bổ sung các dự án này vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia.
-         Báo cáo đánh giá tác động môi trường giai đoạn dự án đầu tư do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lập năm 2010 và đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 9/2010. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ các dự án.
Trong quá trình thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai và đơn vị tư vấn cũng đã thực hiện việc lấy ý kiến của người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng theo quy định hiện hành.
 
3. Đánh giá về hiệu quả của các dự án từ phía các cơ quan chức năng:
Các bộ, ngành, địa phương có liên quan khi tham gia đóng góp ý kiến cho việc thẩm định, phê duyệt các dự án đều khẳng định hiệu quả cao của các dự án so với ảnh hưởng tác động đến môi trường và ủng hộ việc thực hiện các dự án. Chúng tôi xin trích dẫn một số đánh giá như sau:
-         Ý kiến tham gia của Cục Kiểm lâm về đề tài: “Đánh giá ảnh hưởng của công trình thủy điện Đồng Nai 8 và Đồng Nai 6 đến Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc” của Viện Địa lý (thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia), thì: “Công trình thủy điện Đồng Nai 8, Đồng Nai 6 tuy có một số ảnh hưởng có hại cho Vườn Quốc gia, nhưng xét về tổng thể, cái lợi nhiều hơn cho cả hai ngành nếu có sự phối hợp ngay từ giai đoạn lập kế hoạch cho đến khi hoàn thiện”. Ngoài ra, Cục Kiểm lâm còn kiến nghị: “Đệ trình Chính phủ đưa diện tích hồ thủy điện vào cơ cấu diện tích Vườn Quốc gia nhằm các mục đích: - Tổ chức tốt việc quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia; - Đảm bảo tính thống nhất của các hệ sinh thái hữu quan trong phạm vi Vườn Quốc gia; - Mở rộng diện tích hệ thống bảo tồn thiên nhiên quốc gia như chiến lược đã định; - Tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, văn hóa, thẩm mỹ một trong hai chức năng cơ bản của Vườn Quốc gia”;
-         Bộ Công thương tổ chức lấy ý kiến góp ý việc hiệu chỉnh quy hoạch và Báo cáo đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (năm 2009), nhiều Bộ ngành, địa phương đã đánh giá cao về hiệu quả của các dự án. Cụ thể:
+       Công văn số 1692/UBND-GT ngày 18/3/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu: “Thống nhất về cơ bản các chỉ tiêu chính trong Báo cáo đầu tư dự án, dự án có tính khả thi, hiệu quả và xác định rõ được mục tiêu đầu tư (đáp ứng nhu cầu cấp điện, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông), phạm vi giải phóng mặt bằng không lớn và ảnh hưởng đất nông nghiệp, đất ở là không đáng kể và không phải tổ chức tái định canh, định cư, hầu hết là đất rừng Quốc gia Cát Tiên”;
+       Công văn số 775/UBND-SCT ngày 31/3/2009 của UBND tỉnh Bình Phước: “Đánh giá về tính khả thi của dự án thì thủy điện Đồng Nai 6A kết hợp với hệ thống thủy điện Đồng Nai 3,4,5,6 sẽ bổ sung nguồn điện năng cho lưới điện quốc gia và góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng và Đăk Nông. Mặt khác, hệ thống các công trình thủy điện nêu trên đảm bảo thực hiện các biện pháp khống chế, điều tiết nước rất tốt trong việc chống lũ lụt, tưới tiêu và nguồn cấp nước sinh hoạt cho phía hạ lưu vào mùa khô kiệt”.
+       Công văn số 553/UBND-CN ngày 23/3/2009 của UBND tỉnh Đăk Nông: “Việc đầu tư dự án thủy điện Đông Nai 6 và Đồng Nai 6A cũng là cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. UBND tỉnh Đăk Nông thống nhất việc điều chỉnh, bổ sung dự án thủy điện Đông Nai 6 và Đồng Nai 6A vào Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai”
+       Công văn số 1802/BKH-KTCN ngày 19/3/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Sơ đồ khai thác đề nghị điều chỉnh có hiệu quả hơn về khai thác thủy năng và giảm diện tích chiếm đất đáng kể.”
+       Công văn số 4665/BTC-ĐT ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính: “Việc phát hiện và bổ sung các nguồn điện khác, nhất là những nguồn điện có quy mô đáng kể như Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vào Quy hoạch là cần thiết, góp phần giảm bớt áp lực thiếu điện như hiện nay (khoảng 977 triệu Kwh/năm) và những năm tiếp theo” và “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được nghiên cứu xây dựng với nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp năng lượng lên hệ thống điện Quốc gia nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tổng công suất lắp máy của 2 nhà máy là 241 MW (Đồng Nai 6 là 135 MW và Đồng Nai 6A là 106 MW), hàng năm 2 nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia khoảng 977,2 triệu KWh. Ngoài ra dự án còn tạo điều kiện phát triển du lịch và bảo vệ rừng.”
+       Công văn số 233/VQG-KHKT ngày 13/7/2009 của Vườn Quốc gia Cát Tiên V/v xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của các dự án, đã nêu: “Nếu chỉ xem xét về mặt diện tích chiếm đất của 02 công trình thủy điện trên thì sự tác động của chúng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên là không đáng kể. Tuy nhiên, cần phải có sự nhìn nhận và những đánh giá, đưa ra những dự báo và hướng giải quyết để hạn chế những tác động trực tiếp và gián tiếp đến Vườn Quốc gia Cát Tiên trong quá trình mở đường giao thông, khai thác tận thu gỗ, khai thác đá, thi công và vận hành công trình, công nhân trong quá trình xây dựng công trình và di dân tự do đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên”;
+       Sau khi tổng hợp nội dung góp ý của các bộ ngành và địa phương, nhận định về hiệu quả kinh tế của thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, tại Văn bản số: 8281/BCT-NL ngày 21-8-2009 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Hiệu chỉnh và bổ sung thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ đã nêu: “Về hiệu quả kinh tế, theo sơ đồ hiệu chỉnh tháng 5-2009, tổng vốn đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 là 3.215 tỷ đồng và thủy điện Đồng Nai 6A là 3.232 tỷ đồng. Kết quả phân tích kinh tế cho thấy cả hai dự án có tính khả thi về kinh tế, trong đó thủy điện Đồng Nai 6 có hiệu quả cao hơn thủy điện Đồng Nai 6A và cao hơn một số dự án đang triển khai đầu tư trên sông Đồng Nai”
-         Sau khi khảo sát diện tích chiếm đất của các dự án, Tổng cục Lâm nghiệp có Công văn số 547/TCLN-BTTN ngày 29/4/2011, đánh giá: “Kiểu nhà máy của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là kiểu nhà máy sau đập, hồ chứa dạng nhỏ và dạng dải hẹp, dung tích làm việc của thủy điện Đồng Nai 6 là 15 triệu m3 và Đồng Nai 6A là 9 triệu m3, chỉ có chức năng điều tiết ngày nên không gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu của sông Đồng Nai. Toàn bộ các hạng mục xây dựng… đều bố trí ở bờ phải thuộc tỉnh Đăk Nông và Bình Phước nằm ngoài phạm vi Vườn Quốc gia Cát Tiên nên không gây ra chia cắt sinh cảnh của Vườn Quốc gia”…
-         Tại Công văn số 1741 ngày 20/6/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chính quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, đã nêu: “Việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A theo quy mô trình bày trên đây về cơ bản là phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước. Hai công trình thủy điện này là kiểu nhà máy sau đập dâng, hồ chứa dạng nhỏ, dung tích làm việc hồ thủy điện Đồng Nai 6 là 15 triệu m3, của thủy điện Đồng Nai 6A là 9 triệu m3, ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu. Việc xây dựng hai công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong Vườn Quốc gia Cát Tiên và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài Tê giác và sinh cảnh Bầu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên (cách khu vực hoạt động của loài Tê giác 07 km đến 11 km, cách khu vực Bầu Sấu 25 km), các mục tiêu cơ bản của Vườn này vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của Vườn”.
-         Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 03/3/2011: “Các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tốt, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện và phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng dự án…”.
Là Tập đoàn sản xuất kinh doanh và đầu tư đa ngành, ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn tích cực tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, như: Tham gia các Quỹ khuyến học, Ngày vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… Hơn ai hết, chúng tôi nhận thức đầy đủ và xác định lợi ích của doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích quốc gia và xã hội, trong đó phải đặt lợi ích quốc gia là hàng đầu. Quá trình đầu tư các Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chúng tôi đã, đang và sẽ hết sức quan tâm, cam kết thực hiện các biện pháp tích cực nhất để giảm thiểu tác động môi trường của các dự án và luôn coi đây là trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Với các nội dung trên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai kính báo cáo để Quý cơ quan có thông tin và ủng hộ Công ty triển khai thực hiện các dự án này.
 
 

Lượt xem: 4293

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE