quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Bãi lim cổ thụ giữa làng Kiều

Thứ Ba, 15/05/2012 | 11:37:00 AM

Đứng trước bãi lim với những thân cây một người ôm không xuể ở giữa làng Kiều (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh), tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi nghĩ đến cảnh ở đâu đó có những khu rừng đang bị người ta triệt hạ săn tìm gỗ quý. Còn ở đây, những gốc lim vẫn mạnh mẽ, hiên ngang vươn mình đón nắng, đón gió, che chắn bão giông cho dân làng. Một cảm xúc vui mừng đến ngỡ ngàng choán lấy tâm trí tôi.

 


Ký ức rừng Ngang

Bãi lim ấy có từ bao giờ, những người già trong làng không biết. Song có điều mà ai cũng hiểu tường tận rằng, trước đây, lim mọc thành hàng thành lối, tỏa bóng sum suê và người ta gọi là rừng Ngang chứ không phải co cụm thành bãi lim như bây giờ. "Sở dĩ gọi là rừng Ngang vì trước đây, tên làng là Ngang Kiều. Người ta gọi tên rừng như thế cho ngắn gọn", ông Phạm Văn Tảo, trưởng thôn cho hay.

Ông Đỗ Trọng Tác năm nay 88 tuổi, là một trong số ít người cao tuổi nhất làng. Trong ký ức của ông, khi còn là cậu bé lên 7, 8 tuổi thì rừng lim trước nhà sum suê lắm. "Chẳng cần đợi đến đời tôi, thời bố tôi còn sống, cụ bảo những cây lim đã lớn như thế rồi. Tôi cũng đã đi gần hết cuộc đời mà thấy dường như nó chẳng hề to hơn được tí nào, chứng tỏ bãi lim ấy đã được trồng rất lâu rồi", ông Tác nói.

Ngày ấy, những cây lim cổ thụ mọc xen kẽ với những cây thông thành hai hàng thẳng tắp nối từ cổng đình làng cũ ra tới cổng chùa Bách Môn, đoạn đường dài chừng hơn 500m. "Tán thông mọc cao hơn tán lim, gốc thông nào cũng hơn một vòng tay người ôm. Tầng tầng lớp lớp tán lá trùng điệp nằm chồng lên nhau. Thế nên, dù vào những ngày đông mưa phùn gió bấc song mặt đường vẫn khô ráo, sạch sẽ. Mùa hè thì không một bóng nắng lọt xuống trên suốt đoạn đường", ông Tác nhớ lại.

Cũng vì hàng cây cổ thụ này mà làng Kiều đã hứng chịu không biết bao nhiêu trận đạn pháo của kẻ thù. Ông Tác kể: "Hồi Pháp thuộc, chúng kéo về đóng ở bên huyện Thuận Thành. Mỗi lần chúng nã pháo sang khu Tiên Du thì làng Kiều hứng chịu gần như đầu tiên và nhiều nhất. Người ta bảo vì ở làng có ngọn thông cao vót nên chúng dễ dàng lấy đó làm mục tiêu bắn phá vào làng. Sau những trận đạn pháo, cây thông ấy bị chết. Dân làng chặt củi về đun, củi đủ chia cho cả làng".

"Có lần, ông Nguyễn Hữu Phan (bằng tuổi với tôi) trèo lên ngọn thông chặt cành, bị ngã rồi mắc vào những tán lim cổ thụ. May đấy, chứ nếu không thì rơi từ ngọn thông xuống đất cũng nát xương", ông Tác vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện.
Gốc lim lớn nhất có đường kính chừng 4 vòng tay người lớn.
Gốc lim lớn nhất có đường kính chừng 4 vòng tay người lớn.

Hàng lim trong tấm bia cổ

Trong suốt câu chuyện với ông Tác, tôi hiểu chẳng phải ngẫu nhiên mà ông thường bắt đầu bằng những chữ "ngày xưa". Bởi hàng lim ấy còn gắn với niềm tự hào về thời vàng son của dòng họ nhà ông qua tấm bia cổ, được đào lên ở đáy giếng khoảng chục năm nay.

Tấm bia ấy giờ đã mờ chữ song may mắn là nó đã được sao chép lại. Theo đó, "khi vua Tự Đức ở ngôi được 5 năm, vua có sai Thám hoa Phan Sư Mạnh về làng Ngang Kiều, đến dòng họ Đỗ Trọng để xin sách. Sách gì thì trong tấm bia không ghi rõ, người trong họ cũng không ghi cụ thể. Chỉ biết rằng sau khi nhận được sách, vì cảm kích mà ông Phan Sư Mạnh đã làm bài thơ. Trong đó có câu "Ngã lai cầu cố điển. Nhất nhất quá Hiên trang. Thảo thụ đương song thúy. Thiên chương mãn giá tàng", tạm dịch: Qua đây tìm được sổ vàng. Một hôm đến đất Hiên đường mới hay. Đường làng cây phủ sánh bầy. Có nhà Khổng giáo giá đầy thiên chương". Rõ ràng, bài thơ ấy có tả về hai hàng lim lối đi vào nhà tôi", ông Tác khẳng định.
Ông Tác bên tấm bia cổ của gia đình có nhắc đến hàng lim trước kia.
Ông Tác bên tấm bia cổ của gia đình có nhắc đến hàng lim trước kia.

Mong được bảo tồn

Trong ký ức những người già ở làng, hàng lim ấy còn gắn với những dấu mốc lịch sử của hai cuộc kháng chiến. "Thời Pháp thuộc, bộ đội ta tập kết ở đây để tiến về giải phóng thành Bắc Ninh. Năm 1959, Bác Hồ về thăm địa phương cũng tổ chức mít tinh ngay dưới hàng lim này", ông Tác kể.

Theo thời gian, hai hàng cây ấy cứ vơi bớt dần. Có cây bị chết vì đạn pháo, có cây vì già nua mà mục rỗng rồi chết. Còn những cây lim khác bị đốn, xẻ gỗ đóng bàn ghế, cánh cửa cho trường học. Hiện tại chỉ còn 12 cây lim quây lại trước cửa đình mà dân làng gọi là bãi lim. Cây lớn nhất có đường kính chừng bốn vòng tay người lớn, cây bé cũng đủ một vòng tay. Riêng thông thì không còn một bóng cây nào.

"Cách đây chừng hơn chục năm, chính quyền cũng có ý định sẽ đốn thêm cây lim để lấy gỗ phục vụ công trình công cộng. Thế nhưng, các bậc cao niên trong làng đã kịp thời kiến nghị không nên chặt cây để lấy bóng mát làm nơi vui chơi, hội họp của dân làng. Vì thế mà 12 gốc lim vẫn còn nguyên vẹn", ông Trưởng thôn Phạm Văn Tảo cho hay.

Cũng theo ông Tảo, trước đây, sau những trận mưa to, nước chảy làm xói mòn đất quanh gốc khiến những bộ rễ trơ ra, đe dọa sự an toàn của cây. Để bảo vệ những gốc lim này, dân làng đã cùng nhau góp công góp của để xây tường rào bao quanh gốc.

Ông Tảo cũng không giấu được niềm tự hào khi cho tôi biết thêm. Em trai ông làm lâm nghiệp, thường xuyên đi các khu rừng ở suốt trong Nam ngoài Bắc. "Chú ấy bảo, ngay cả "rốn" lim Sơn Động (Bắc Giang), Thanh Hóa cũng không tìm được cây lim nào to như cây lim ở làng".

Tôi hỏi: "Gỗ lim quý như thế, dân làng có phải cử người bảo vệ, trông coi không?". Ông trưởng thôn cười tươi rói mà rằng: "Chẳng cần cử người trông coi đâu, vì lim mọc ngay trong lòng của làng. Vì thế, dù có bất cứ tiếng động lạ nào cũng không thể qua tai qua mắt dân chúng tôi đâu".

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao những gốc lim cổ thụ ấy nằm giữa khu dân cư song vẫn bình an, hiên ngang vươn mình đón nắng, đón gió, che chắn bão giông cho dân làng. Ấy là vì với những người dân làng Kiều, những gốc lim cổ thụ không đơn thuần là những gốc cây cho bóng mát, là nơi hội họp của già trẻ, trai gái trong làng mà đó còn là nơi hội tụ những giá trị văn hóa lâu đời của làng, chứng kiến những thăng trầm cùng sự trưởng thành của bao lớp người làng Kiều hôm nay và cả mai sau.
 "Bãi lim ấy thật sự là một kho thực vật quý giá của địa phương chúng tôi. Hiện nay, bãi lim ấy do thôn quản lý. Thôn cũng đã huy động sự tham gia của hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh nên hoàn toàn yên tâm, không lo bị kẻ gian đốn hạ. Xã cũng chủ trương không được chặt gốc lim dù với bất cứ lý do nào. Chúng tôi cũng rất mong sẽ nhận được sự quan tâm của cấp trên để có thể xác định tuổi của cây, nếu đủ điều kiện thì gắn danh hiệu là cây di sản cho bãi lim này".
Ông Nguyễn Hữu Trách (Phó Chủ tịch UBND xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh)
Thanh Thủy

 


Lượt xem: 1708

Các tin khác

TP.Thủ Dầu Một: Công bố quần thể Cây Di sản Việt Nam

(27/04/2024 05:20:AM)

Cây di sản cũng như người bệnh già, cứu rất khó

(25/04/2024 01:07:PM)

Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

(25/04/2024 12:55:PM)

Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/04/2024 10:43:PM)

Cây Đa phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/04/2024 09:33:PM)

Đề nghị các cấp chính quyền và đoàn thể, cộng đồng nhân dân chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

(24/04/2024 03:18:PM)

[Photo Story] Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại Sơn La được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/04/2024 09:31:AM)

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Sơn La được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/04/2024 09:24:AM)

(Báo Sơn La): Lễ công bố Cây di sản Việt Nam cho quần thể 57 cây chè Shan tuyết cổ thụ

(22/04/2024 09:19:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE