(VACNE) Vừa xướng lên chuyện trưa nay, các vị khách đã nhao nhao hỏi chuyện gì, núi nào thế. Chờ mọi người yên vị, người kể chuyện mới từ tốn bật mí một nửa: đó là Tam Đảo. Rất nhều tài liệu đã viết về ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng và đặc sắc này.
Theo TS Nguyễn Quang Hiên, Viện Khảo cổ học: sử dĩ gọi là Tam Đảo, vì dãy núi này có ba ngọn nhô cao lên trên biển mây. Người xưa gọi đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa và ngọn cao nhất lên tới gần 1.600 m so với mực nước biển.
Cách đây khoảng 230 triệu năm, vào giữa kỷ Trias, hoạt động núi lửa phun trào các lớp nham thạch chồng lấn nhau đã hình thành nên dãy Tam Đảo với các loại đá tạo núi chủ yếu là Riolit pocfia, penzit và các tù của chúng. Trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước, trong đó nổi tiếng là Thác Bạc có độ cao chừng 50m, ngay cả vào mùa khô vẫn ào ào tung bọt trắng. Địa hình dốc, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và rất nhanh thay đổi theo độ cao.
Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều, cảnh rừng chuyển dần sang xen lẫn các mảng sắc màu đỏ, vàng của những cây rừng ôn đới đang mùa thay lá. Ở Tam Đảo cũng có rất nhiều loại rau, quả, củ của miền khí hậu lạnh. Mật độ dân số trung bình ở Tam Đảo là khoảng 303 người/km2, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 41,9%. chủ yếu là Sán Dìu, Tày Nùng, Cao Lan… Phân bố dân cư không đều giữa các vùng, tập trung đông đúc ở vùng đồng bằng thấp và thưa thớt tại vùng núi cao.
Từ lâu, Tam Đảo đã là một địa danh quen thuộc và là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước với khu nghỉ mát thanh lịch, đậm nét Châu Âu giữa vùng Bắc Bộ. Bao quanh thị trấn Tam Đảo là rừng nguyên sinh, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C, có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Tam Đảo không những là một điểm nghỉ mát được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến, mà còn là nơi gìn giữ những di sản văn hóa thiêng liêng gắn với đời sống tinh thần của bao thế hệ cha ông. Đó cũng là khu di tích Lịch sử văn hóa và danh thắng Tây Thiên.Khách hành hương đến Tây Thiên lần đầu, thường cảm thấy ngỡ ngàng bởi sự đa dạng và đan xen của yếu tố tâm linh và danh thắng. Sự đa dạng đó còn thể hiện ở tính chất phức hợp trong thờ tự và tín ngưỡng với sự hội tụ cả đạo Phật (chùa), đạo Lão (am) và đạo Nho (đền). Điều này, đã góp phần làm cho Tây Thiên thơ mộng trở nên huyền bí và linh thiêng hơn.
Sau khi xây dựng xong tháp truyền hình ngay phia trên thị trấn Tam Đảo mấy chục năm trước, ai cũng muốn có dịp được đặt chân lên tháp. Khốn nỗi rất khó leo lên được. Anh chị em cán bộ của Đài cũng rất vất vả mỗi khi phải lên tháp làm việc. Thế là có sáng kiến làm con đường xoắn ốc lên núi, đến tận chân tháp cho thuận tiện đôi đường.Không biết việc chuẩn bị phương án xây dựng đã được tiến hành như thế nào, nhưng khi những đơn vị thi công bắt đầu tập kết thì vị Giám đốc Nhà nghỉ Tam Đảo mới phát hoảng và chạy xuống các cơ quan chức năng ở Hà Nội cầu cứu, vì hiểu ra rằng, nếu xây dựng như vậy thì nguồn cấp nước duy nhất cho thị trấn Tam Đảo sẽ mất. Nói chuyện này bây giờ, có dễ vì ai chẳng bảo sao không làm ĐTM, nhưng khi đó, thuật ngữ này hầu như mọi người đều chưa biết và rất lơ mờ về khái niệm. May mắn là có 1 đơn vị của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, đứng ra tập hợp lực lượng các nhà khoa học, mở 1 hội thảo tại địa bàn và tìm ra được các các lý do xác đáng kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc xây con đường xoán ốc này. Mà càng may mắn hơn khi quyết định không thi công con đường đó nữa đã được ban hành. Thật may. Đấy là câu chuyện nhỏ thứ nhất.
Câu chuyện thứ hai xảy ra gần 20 năm sau. Đó là chuyện liên quan đến hoạt động của VACNE trong các năm 2006, 2007 như nhiều lần gửi công văn đi các nơi, tổ chức hội thảo khoa học, cử đoàn công tác đến làm việc với địa phương về việc phản đối ý tưởng dự án Tam Đảo II. Trang tin Thiên nhiên và Con người ngày 25/5/2007 tổng hợp như sau:
...”Kết luận tại buổi làm việc ở UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 10/12/2006, sau khi nghe 2 báo cáo của 2 giáo sư Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc không nên dựa vào kết quả của 2 nghiên cứu này vì chúng quá đơn giản, dễ dãi, mang tính minh họa dựa trên những lập luận không chính xác, thời gian quan trắc quá ngắn ngủi và thậm chí có khả năng xác định sai khu vực điều tra.
Sau loạt bài viết trên báo Thanh Tra, ngày 25/4/2007, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2213/VPCP – NN (về việc kiểm tra ngăn chặn việc tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên của khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Tam Đảo), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng “Giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ TN&MT kiểm tra thực tế việc chuẩn bị và triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 tại VQG Tam Đảo, báo cáo đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/5/2007”. Ý kiến chỉ đạo kịp thời của Phó thủ tướng đã được các nhà khoa học hết sức đồng tình.
Tiếp đó, ngày 17/5/2007, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường lại có Công văn gửi Văn phòng chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Quốc phòng, cùng với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Nội dung chính của văn bản này là Phản đối dự án Tam Đảo II. Tại Công văn này, Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường có nêu rõ: Việc khai thác phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Tam Đảo chắc chắn sẽ gây ra những tác động xấu đến toàn bộ diện tích còn lại của VQG, đến các hệ sinh thái, các loài, các nguồn gen, trong đó có hệ sinh thái đất ngập nước trên núi cao duy nhất của Việt Nam.Tiếp đó, Hiệp hội Vườn quốc gia cũng kiến nghị với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ chủ quản VQG Tam Đảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng chính phủ”...
Và như chúng ta biết, ý tưởng dự án Tam Đảo II khi đó đã phải dừng lại. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm trôi qua. Người kể chuyện đang định chuyển sang câu chuyện thứ ba liên quan đến Tam Đảo thì trời tối sầm lại. Một cơn giông sắp nổi lên mà giờ nghỉ trưa cững sắp hết. Chủ quán khuyên mọi người về làm việc cho kịp kẻo trời mưa to đến nới rồi. Ai cũng tiếc vì muốn nghe ngay câu chuyện thứ ba, nhưng cũng đành phải theo lời Chủ quán, vội vã ra vể./.
Quán Cà phê MT, Nghìn lẻ một Trưa tiếp theo.