An ninh môi trường sinh thái toàn cầu, hay toàn nhân loại
Vấn đề toàn cầu hay toàn nhân loại được quan niệm là những vấn đề mà tác động của nó có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội, biên giới, quốc gia.
Sự hình thành những vấn đề toàn cầu là do nhiều yếu tố khác nhau. Xét về vấn đề an ninh sinh thái, là do sự phát triển như vũ bão của sức sản xuất, sự chuyển tiếp các nền văn minh, sự thay đổi nhanh chóng của các yếu tố khoa học, công nghệ dẫn đến sự phân bố lại lực lượng của xã hội trên quy mô lớn. Sức sản xuất thay đổi không ngừng cũng gây ra những biến cố thuận và nghịch của thiên nhiên, đối với môi trường sống của con người. Sức sản xuất càng phát triển, khả năng con người càng lớn hơn và mạnh mẽ hơn trong việc hiểu biết, thâm nhập thế giới tự nhiên, tiến công, chinh phục thế giới tự nhiên, khai thác tận dụng thế giới tự nhiên phục vụ lợi ích cho con người. Quá trình đó vừa có lợi cho con người, nhưng vừa mang lại hiểm họa cho con người. Thiên nhiên càng được khai thác triệt để thì thế cân bằng tự nhiên càng bị thách thức, và vì thế, hiệu quả của sự mất cân bằng của sự cạn kiệt nguồn sống sẽ quay lại đe dọa con người.
Cũng có vấn đề nữa là con người phải đối mặt với chính những hành vi của mình, thuật ngữ mới gọi là “khủng hoảng nền văn minh”, bản chất của khủng hoảng này là hoạt động của con người chứa đựng trong mình các mâu thuẫn. Sự chuyển động tự thân và mù quáng vì những động cơ và lợi ích không được điều chỉnh sẽ dẫn đến vực thẳm. Hiểm họa là ở chỗ con người sản xuất ra vũ khí ngày càng hiện đại. Sự tiêu vong toàn thể loài người trong chiến tranh hạt nhân đã không còn dừng lại ở những khái niệm mơ hồ như trong kinh thánh nói về nạn “đại hồng thủy”, mà là sự tận thế dễ nhìn thấy thật. Vũ khí nhiều thêm thì quả đất như bị bé lại. Người ta tính rằng, nếu các kho bom đạn các loại đã có trong tay con người mà cho nổ hết, thì cả đến chục trái đất cũng sẽ trở thành tro bụi. Chưa hết, người ta còn tính rằng, nếu như các nước đang phát triển cũng tiến theo con đường của các nước phát triển đã đi về sự tiêu xài nguyên vật liệu và năng lượng, thì điều đó sẽ dẫn đến “hiệu ứng nhà kính” và đe dọa trực tiếp sức sống.
Nhưng ai cũng biết rằng, việc đòi hỏi hạ thấp mức tiêu xài năng lượng đối với các nước phát triển là rất khó. Các giải pháp đúng đắn và có hiệu quả không thể có được trong phạm vi một quốc gia. Còn những cơ chế quốc tế thật đầy đủ và khách quan càng khó hơn bởi sự lộng hành của những kẻ vốn đã quá quen với những tiêu xài hoang phí.
Những bản tổng kết kinh tế toàn cầu đậm nét những món lợi cho giai cấp những kẻ có tiền và có quyền, đồng thời cũng khắc sâu những vấn đề cơ cực của những người dân nghèo khó. Điều đáng nói ở đây là nước giàu nhất cũng là nước gây ô nhiễm nhiều nhất, còn các nước nghèo khổ thì muốn sống sót phải ra sức “xài” tài nguyên còn lại của trái đất. Người ta thi nhau chặt phá rừng bừa bãi, đào bới tài nguyên trong lòng đất và xì đủ mọi thứ độc hại vào sông biển, ao hồ, khí quyển. Tình trạng nghịch lý này là kết quả tất yếu của chủ nghĩa tư bản với bản chất tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Hàng triệu tiếng nói trên hành tinh đòi truy thu phần “khấu hao trái đất” này, nhưng các vị “giáo chủ của dân chủ và nhân quyền” lại đang hiện nguyên hình là các vua quịt của thế kỷ XXI.
Vấn đề toàn cầu đã nặng nề khoảng cách chênh lệch mức sống giữa sự xa xỉ với sự bần hàn, thì càng bị nặng nề hơn bởi chính sự vô trách nhiệm của các nước phát triển phương Tây và của giai cấp những người giàu có. Thái độ “Sống chết mặc bay” vẫn là phổ biến trong hành vi cư xử trong thời hiện đại của những kẻ say lợi nhuận. Người ta ra sức cản xuất thêm để thu lợi, người ta hiểu và ra sức làm sạch nơi họ sống, nhưng rồi toàn bộ độc hại, rác rưởi lại chở tới các nước châu Phi. Hiểm họa của những độc chế phế thải này làm thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau của một số nước nghèo phải gánh chịu.
Con người đang đứng trước hàng loạt vấn đề gay gắt mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề nổi bật là an ninh môi trường sinh thái. “Nền văn minh đang bị khủng hoảng”, “nền văn minh đang nức nở”, - người ta gọi vấn đề toàn cầu bằng các thuật ngữ như thế. Sự khủng hoảng đó, những vấn đề toàn cầu đó đặt ra câu hỏi nghiêm túc cho cả loài người. Khả năng tiếp tục tiến lên một cách tự phát như hôm nay, mạnh ai nấy làm như hôm nay hoặc như hôm qua thì sẽ đi tới vực thẳm. Thế giới đang xuất hiện những tiếng chuông cảnh tỉnh, cấp báo và cũng đang đặt ra những giải pháp chung để xử lý các vấn đề toàn cầu này. Lối thoát chỉ có thể là tìm kiếm những con đường có tính chất đối sách của tiến bộ xã hội một cách hợp lý. Các quốc gia, các dân tộc cần phát triển, cần có chiến lược phát triển cho mình, nhưng cũng cần dành ưu tiên nhất định cho toàn nhân loại. Đó là giải quyết vấn đế an ninh sinh thái.
Tất nhiên, không ai có thể xoay ngay được bức tranh hiện có của thế giới. Nhưng cần phải tỏ rõ đầy đủ một điều là: không một người nào, dân tộc nào, giai cấp nào bỏ qua lợi ích của mình, vì vậy không thể không đếm xỉa đến lợi ích toàn nhân loại. Vì thế, hơn bao giờ hết, bảo vệ môi trường sinh thái phải trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại và mỗi quốc gia. Tiếng nói “môi trường hôm nay là đạo đức của ngày mai” đã bắt đầu vang lên như mệnh lệnh từ trái tim buộc những người có lương tri và trách nhiệm trên toàn thế giới phải tính đến.
Việt Nam nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái
Việt Nam là một trong những nước có nhiều nỗ lực to lớn trong sự nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp có hiệu quả cao vào những vấn đề có tính toàn cầu. Từ Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển ở Riô-đơ Gia-ne-rô 1992, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ chương trình Nghị sự 21, và đã có những thành tựu rất đáng khích lệ trên lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái. Việt Nam chủ trương phát huy cao độ nội lực, chủ động hội nhập với phương châm: Tăng trưởng nhanh về kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và đã đạt được nhiều thành công trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Do thực hiện đường lối mở cửa, nhịp độ tăng trưởng GDP của nước ta bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 7%, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn 2005 - 2010, mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, nước ta vẫn giữ được mức tăng trưởng nhanh và có xu hướng năm sau tăng mạnh hơn năm trước. Như vậy, liên tục trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế nước ta thuộc vào hàng các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới. Xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành công lớn của nước ta với việc giảm 50% tỷ lệ nghèo đói trong hơn 10 năm qua. Nước ta cũng đã thực hiện thành công chính sách dân số. Có thể nói rằng, tuy là một nước còn nghèo, nhưng về mặt giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, nước ta đã đạt mức của những nước có nền kinh tế phát triển hơn.
Trong năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, Nhà nước ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện một hệ thống phát triển và thể chế đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái được chú trọng ở mọi lúc, mọi nơi, từ ý nghĩ đến hành động. Suy thoái môi trường đã được đẩy lùi từng bước. Các ô nhiễm môi trường đều được tập trung phòng ngừa, lấy phòng ngừa làm nguyên tắc chủ đạo, cố gắng giảm thiểu đến mức tối đa và khắc phục tích cực các sự cố môi trường. Với những biện pháp mạnh, thực hiện kiên quyết, Chính phủ đã quyết định xử lý nghiêm khắc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ gìn an ninh sinh thái. Đến nay, nước ta đã khoanh định được hơn 101 khu bảo tồn sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, di sản văn hóa - lịch sử với diện tích trên 2,1 triệu ha - bằng 6% diện lích lãnh thổ. Nước ta cũng tích cực tham gia ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan về môi trường sinh thái.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, tình hình môi trường ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, môi trường đô thị, khu công nghiệp tập trung và một số vùng nông thôn đang bị ô nhiễm ngày càng nặng. Nếu không được phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời có thể gây tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những tháng mùa hè này, diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, khí hậu cũng gây thêm nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái của chúng ta.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững, tiến tới bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt mức chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định. Tập trung giải quyết tình trạng suy thái môi trường ở các khu công nghiệp, các khu dân cư đông đúc, chật chội ở các thành phố lớn và một số vùng nông thôn. Kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu sự cố môi trường do thiên tai, lũ lụt gây ra, cải tạo, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, ao hồ, kênh mương. Thực hiện dự án về cải tạo, bảo vệ môi trường: xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gene di truyền, xây dựng các công trình làm sạch môi trường. Áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất ít chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng dân cư. Đặc biệt là, nâng cao thận thức của các cấp ủy đảng, đảng viên, làm cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái trở thành mối quan tâm hàng đầu trong mỗi quyết sách phát triển kinh tế - xã hội, trong mỗi người dân và toàn xã hội Giáo dục “đạo đức môi trường” cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, coi đây là những chuẩn mực của con người trong thời đại mới.
Tất cả những nỗ lực đó của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm làm cho trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại phát triển bền vững. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề có tính toàn cầu đang đặt ra hết sức cấp bách, đòi hỏi không một quốc gia nào có thể thờ ơ, khách quan, đứng ngoài cuộc. Nước ta tích cực thực hiện các Công ước quốc tế trong những vấn đề toàn cầu, đẩy mạnh nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, để nâng cao chất lượng sống và phát triển đất nước bền vững.
|