quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

An ninh khí hậu ở Việt nam

Thứ Ba, 27/09/2011 | 09:23:00 PM

Đã có những cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có khả năng gây sụp đổ nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đảo nhỏ và đất thấp. Thế còn nước ta ? Việt Nam có bị sụp đổ do BĐKH hay không tùy thuộc vào việc chúng ta có coi BĐKH là lĩnh vực An ninh khí hậu như thế giới quan niệm và ứng phó hay không !

Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh - VACNE

   

Mũi Cà Mau đang bị xói lở mạnh

 

1. Sự xuất hiện khái niệm An ninh Khí hậu (Climate Security)

Tháng 11 năm 2006 Nguyên tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH tại Nairobi :  “BĐKH toàn cầu phải được coi là mối đe dọa toàn diện”. Còn đương kim Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tháng 4 năm 2007 nhấn mạnh rằng “BĐKH kéo theo sự khan hiếm tài nguyên có tác động lớn đến hòa bình và an ninh thế giới”. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản trong một nghiên cứu về Chính sách của nước này khẳng định mối đe dọa của BĐKH là toàn diện bao gồm cả những đe dọa đến sản xuất lương thực, sức khỏe cộng đồng, hoạt động kinh tế và các hệ sinh thái [4] .

Bộ trưởng các nước dự Hội nghị Biến đổi khí hậu Cancun, Mexico năm 2011, cảnh báo rằng thế giới không còn đủ thời gian để cứu trái đất nữa.Tại Hội nghị này, vị nữ quan chức về thay đổi khí hậu hàng đầu của LHQ, bà Christiana Figueres nói :“Các đảo nhỏ ngoài khơi như Tuvalu, Maldives, Kiribati, Vanuatu đang tìm cách sơ tán toàn bộ số dân trước sự xâm nhập của nước mặn và mực nước biển dâng cao.Mạng sống, số phận của các nước này là lời cảnh tỉnh đối với chúng ta.”

Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) chính thức trao cho các đại biểu kết quả của nghiên cứu công bố hai tuần trước khi Hội nghị Cancun triển khai. Nghiên cứu cho thấy, ngay cả cam kết cắt giảm khí thải hiện đang được bàn tới có được thực hiện đi nữa, chúng cũng không đủ để giảm nhiệt độ tăng trên Trái đất, tới điểm mà chính phủ các nước mong muốn (đa số quốc gia chỉ muốn nhiệt độ tăng từ 1,5oC đến 2oC), bởi lẽ hàm lượng CO2 trong khí quyển hiện nay đã là 390 ppm, vượt quá ngưỡng 350 ppm – ngưỡng tai biến của khí hậu trái đất..

Một Báo cáo của Ủy ban Châu Âu cũng xác nhận 7 mối gắn kết chặt chẽ giữa BĐKH với an ninh quốc tế [4] như sau:

(i) Xung đột trong tranh chấp tài nguyên;

(ii) Thiệt hại kinh tế và đe dọa đến các đô thị ven biển và các cơ sở hạ tầng nhạy cảm;

(iii) Mất đất đai và tranh chấp biên giới;

(iv) Tị nạn môi trường diện rộng;

(v) Bùng phát tình trạng dễ bị tổn thương và cực đoan hóa;

(vi) Căng thẳng trong cung cấp năng lượng; và

(vii) Áp lực căng thẳng lên các mối quan hệ quốc tế.

Như vậy BĐKH có khả năng gây tác động tiêu cực toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi toàn cầu.  Mối liên quan giữa “BĐKH và An ninh” được làm rõ hơn với việc tách từ khái niệm An ninh Môi trường ra một khái niệm an ninh mới, đó là An ninh Khí hậu [5]. Khái niệm này được nhiều người sử dụng trong những năm gần đây, vì nó thể hiện rất rõ rệt vai trò của BĐKH với an ninh, hơn nữa đó cũng là một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu. Theo chúng tôi, có thể hiểu An ninh Khí hậu là một bộ phận của An ninh Môi trường, bao gồm những vấn đề an ninh của con người và xã hội trước các đe dọa khác nhau do BĐKH gây ra. Quan niệm BĐKH trong phạm trù An ninh đỏi hỏi những chính sách ứng phó với BĐKH phải được ưu tiên rất cao so với những mảng chính sách khác. Với những đảo quốc thấp và những quốc gia có nhiều vùng đất thấp (như Việt Nam chẳng hạn) BĐKH trở thành vấn đề sống còn. Điều đó hiện hữu không thể nghi ngờ [5] .

Với việc coi BĐKH là một lĩnh vực của An ninh Môi trường, người ta dễ dàng nắm bắt nội hàm của ANKH qua 4 câu hỏi chốt cần phải trả lời là (i) Ai phải hành động gấp, (ii) Cần phải bảo vệ những giá trị gì (iii) Nhằm tránh các đe dọa nào và (iv) Theo những cách nào [2] .

(i).Ai phải hành động gấp. Về cơ bản, các quốc gia phải hành động. Trên cơ sở hợp tác quốc tế chặt chẽ, các quốc gia phải hành động để bảo vệ công dân và tài sản của họ. Tuy nhiên các phương cách ứng phó với BĐKH phải thu hút tất cả các tổ chức, các  cá nhân vì lẽ không phải mọi hành động ứng phó đều do chính phủ thực hiện.

(ii) Cần phải bảo vệ những giá trị gì. Cái cần bảo vệ là sự an toàn và sản nghiệp của nhân dân, như Hội nghị về BĐKH của Liên Hiệp Quốc đã chỉ rõ, không chỉ là sự an toàn của lĩnh vực sản xuất thực phẩm, các hoạt động sinh kế mà còn bảo vệ chính các hệ sinh thái. Hơn nữa các thế hệ tương lai và tài sản của họ cũng cần được bảo vệ. Riêng lẻ từng quốc gia không thể nào an toàn khi đối mặt với các tác động khổng lồ trên bình diện toàn cầu của BĐKH. Sự biến đổi của nền khí hậu đã từng mang lại ích lợi cho nhân loại vốn không có biên giới. Khi nhìn nhận dưới góc độ này thì khí hậu toàn cầu cần được coi là loại “hàng hóa công cộng toàn cầu” và hoạt động ứng phó với BĐKH phải được coi là những nỗ lực kiểm soát các mối đe dọa đến loại hàng hóa này. Rõ ràng ứng phó BĐKH phải là sự hợp tác toàn cầu.

(iii) Nhằm để tránh các mối đe dọa nào.

Đó là sự phát xả khí nhà kính đang đẩy ngành sản xuất thực phẩm và các hoạt động kinh tế vào thế hiểm nghèo; sự hủy hoại các hệ sinh thái tự nhiên vốn là cơ sở của các hoạt động kinh tế và hoạt động sống; và bản thân các vấn đề này lại dẫn đến các xung đột quốc tế.

(iv) Theo những cách nào

Mỗi quốc gia không chỉ phát triển các giải pháp ứng phó trên cơ sở khoa học mà còn phải  hợp tác với những quốc gia khác, cũng như huy động toàn thể cộng đồng trong một chiến lược ứng phó thống nhất và sáng tạo.

 

2. Khái niệm An ninh khí hậu có tác dụng gì?

 

Đặt các vấn đề BĐKH vào khuôn khổ An ninh đòi hỏi các chính sách phải dựa trên sự xem xét vấn đề trên cả bình diện quốc gia và quốc tế; ngoài ra, ANKH có những tác động khác nhau khi xem xét tác động của nó trên bình diện toàn cầu, quốc gia, tổ chức và cá nhân. Điều đó sẽ dẫn đến các hệ quả sau:

(i)              BĐKH sẽ được quan tâm nhiều hơn ở mỗi quốc gia, từng địa phương và mỗi công dân, vì ANKH quyết định sự sống còn của nhiều khu vực nhậy cảm mà trước hết là những vùng đất thấp

(ii)           Sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội sẽ phải định hướng vào các giải pháp cacbon thấp nhằm kích thích sự chuyển đổi về công nghệ và hệ thống kinh tế xã hội, cũng như chuyển đổi  lối sống và phong cách sản xuất – tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường (tiêu thụ xanh, tiêu dùng hợp lí chứ không xa xỉ)

(iii)         Vấn đề nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu khí nhà kính sẽ được đẩy mạnh và có cơ sở pháp lí vững chắc.

 

3.Vấn đề An ninh khí hậu ở Việt Nam

 

3.1. Cảnh báo chung

Cách đây hơn 3 năm trong Hội thảo Quốc gia lần thứ nhất về BĐKH (tháng 2/2008) [2] chúng tôi đã cảnh báo 4 đe dọa của BĐKH đối với an ninh quốc gia. Đó là

1/ Thiếu nước; tranh chấp nguồn nước tại các dòng sông xuyên biên giới,

2/ Giảm năng suất nông nghiệp, biến động dịch bệnh, nghèo đói và mất ổn định xã hôi,

3/ Tị nạn môi trường trong nước và quốc tế, và

4/ Sự xâm nhập của các sinh vật lạ.

Điểm nhấn mạnh khi đó là “nếu không hành động khẩn trương thì rất ít khả năng ứng phó kịp thời với BĐKH”. Dù rằng vào thời gian đó, BĐKH chỉ mới được cảnh báo như một thảm họa môi trường mà chưa đặt đúng tầm An ninh của vấn đề.

Những nghiên cứu gần đây của các học giả trong và ngoài nước cho thấy Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của BĐKH toàn cầu. Đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng chịu tác động mạnh nhất. Đa phần các nghiên cứu đều sử sụng tiêu chí về sự dâng cao mực nước biển là đe dọa hàng đầu đối với 2 vùng đất thấp với hàng chục triệu cư dân này [1,3] .

Tuy nhiên không chỉ như vậy. Các vùng cửa sông và đặc biệt là các đầm phá miền Trung còn nhạy cảm và chịu tác động nhiều hơn với BĐKH. Những nơi đó cần được chú ý đúng mức hơn trong chiến lược ứng phó với BĐKH.

3.2. Các vùng cửa sông miền Trung có nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng

Từ xưa đến nay, vùng đồng bằng cửa sông miền Trung thường chịu lũ lụt. Miền Trung nghèo vì lũ lụt.  Điểm này xuất phát từ chính đặc điểm địa sinh thái của miền Trung. Sông miền Trung có đặc điểm là ngắn, sau đỉnh mưa 2-3 giờ là nước lũ dồn đến cửa sông. Đã thế, các đoạn trung lưu của sông đều ngắn thậm chí có sông hầu như không có đoạn trung lưu, khiến cho động lực nước mùa lũ hầu như không bị triệt tiêu khi lũ dồn về cửa sông. Động lực dòng lũ càng mạnh hơn nếu vùng chịu lũ nằm về phía Nam tâm bão trong bán kính 200 km vì nước sông bị hút ra biển…

Cửa sông Cu Đê (Đà Nẵng) bị doi cát bịt gần kín,
mật độ xây dựng lại dày đặc

Đặc biệt, cửa sông miền Trung đều là loại cửa sông kiểu liman (khuyết áo) phía trong có vũng cửa sông rộng và nông, cửa sông bị các cồn cát chắn cửa (hình thành do động lực dòng dọc bờ và sóng trong mùa khô) khiến cho việc thoát lũ rất kém. Lũ mạnh có thể làm thay đổi hẳn cấu trúc các cồn bãi chắn ngang cửa sông, nhiều khi sông trổ cửa mới xuyên qua cồn cát chắn cửa. Khi cơn lũ qua đi, động lực biển lại thắng thế và cồn cát chắn cửa lại được gia cố trở lại, thậm chí có thể bịt kín các cửa mới được trổ ra trong mùa lũ. Nếu mực nước biển dâng cao theo như các kịch bản BĐKH cảnh báo, thì động lực biển dần trở nên áp đảo động lực sông. Các cửa sông có thể bị bịt kín thời gian dài trong năm do các doi cát được sóng xói mòn bờ bãi tấp vào, làm cho khả năng thoát lũ giảm mạnh

Cùng với đặc điểm trên, việc sinh sống của người dân vùng cửa sông miền Trung cũng khá nhạy cảm với lũ lụt. Ở Miền Trung, vùng đồng bằng cửa sông từ xưa đã là vùng có nhiều điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Các đô thị xuất hiện và mở rộng cũng ở vị trí trong vùng này. Vùng cửa sông thường được quai đắp tối đa làm đầm nuôi trồng thủy sản và xây dựng đô thị hay khu dân cư tập trung khiến cho khả năng thoát lũ càng giảm. Ở vùng cửa sông miền Trung, sản nghiệp và tính mạng con người phơi trần và thách đấu với lũ lụt.

Những phân tích trên cho thấy không chỉ 2 vùng đồng bằng lớn của đất nước mà tất cả các vùng cửa sông miền Trung đều rất dễ bị tổn thương do BĐKH, các khu dân cư và đô thị ở vùng cửa sông miền Trung đều là đới tai biến bão lụt cao, đặc biệt đáng chú ý là các thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) và Hội An (Quảng Nam).

Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) nằm ở cửa sông Ba
rất dễ bị lũ lụt nhấn chìm

 3.3. Rừng ngập mặn ven các đảo nhỏ sớm bị hủy diệt

Việt Nam có cả ngàn hòn đảo lớn nhỏ, đa phần chúng bị vây quanh một phần hay toàn bộ bởi các vạt rừng ngập mặn.Trong nhiều tác dụng khó có gì thay thế, có một đặc điểm cần nhấn mạnh là : rừng ngập mặn là nơi cư trú của nhiều loài thủy sản ở giai đoạn con non và là nơi cung cấp chất dinh dưỡng cho thủy sinh vật biển, qua đó quyết định sự giàu có của ngư trường. Phía sau các vạt rừng ngập mặn thường là các vách đá. Khi biển tiến, rừng ngập mặn không còn đường lui dần về phía đảo. Chúng nhanh chóng bị sóng phá hủy và bị vùi lấp dưới các lớp trầm tích biển hiện đại như nhiều trường hợp ở Quảng Yên (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) cửa sông Mã (Thanh Hóa), Côn Đảo, thậm chí bán đảo Cà Mau,…. Mất rừng ngập mặn, ngư trường xuống cấp, nghề cá lao đao, tất có nhiều ngư phủ bỏ nghề !

3.4. Biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn

Những năm gần đây, Hội BVTN&MT Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn như một đối tượng đặc thù, chứa chấp trong đó những vấn đề quan trọng, bức xúc và nhạy cảm hàng đầu của đất nước. Đây là khu vực sơn địa tiêu biểu, là trung tâm đa dạng sinh học phong phú bậc nhất của Việt Nam và hàng đầu của thế giới. Đặc biệt hơn, BĐKH đã hiện hữu ở nơi đây, đã và đang tác động lên thiên nhiên, kinh tế - xã hội nơi đây. Không dừng lại ở đó, ANMT đang bị đe dọa, cùng với sự gia tăng của BĐKH, ANKH dãy Trường Sơn đứng trước những biến động chưa thể lường trước được. Còn các vùng núi khác ở Tây Bắc, Đông Bắc thì sao, chắc không đứng ngoài những biến cố này.

3.5. Về một chiến lược ANKH và chiến lược quốc gia về BĐKH

Như vậy, BĐKH trên thực tế đã gây tác động mạnh mẽ tới đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. BĐKH còn tác động mạnh hơn đến các cửa sông và vùng đồng bằng miền Trung (trung bình 10 km bờ biển có 1 cửa sông), các đảo nhỏ, và ngày càng nhận rõ những tác động đến dãy Trường Sơn và các vùng trung du miền núi phía Bắc. Thực tế đó cho thấy, Chiến lược quốc gia về BĐKH không thể không xem xét vấn đề trên bình diện An ninh, một tầm cao mới của vấn đề mà thế giới gọi là An ninh khí Hậu – Một lĩnh vực của An ninh Môi trường

Thảo luận

Nếu cộng cả các đảo nhỏ, các vùng cửa sông miền Trung, Trường Sơn – Tây Nguyên vào danhh sách những vùng bị tác động mạnh bởi BĐKH thì cũng có nghĩa rằng đại bộ phận dân số Việt Nam, phần lớn các vùng kinh tế năng động của Việt nam, sự ổn định xã hội trên phạm vi cả nước sẽ bị xáo trộn dữ dội do BĐKH.

Nếu như sớm nhận diện BĐKH như là một phạm trù An ninh được đặt tên là An ninh khí hậu, thì có thể sẽ thu hút được sự ưu tiên của chính sách, kế hoạch và hành động ứng phó không chỉ của các cấp chính quyền mà của toàn dân. Nhờ đó có thể hy vọng là ứng phó không quá muộn với BĐKH.

Vào lúc 17 giờ ngày 23/9/2011, nếu gõ từ khóa “Climate Security” tức “An ninh khí hậu” lên mạng Google, sẽ có 415 triệu thông tin về nó. Thế giới đã hành quân vào chiến dịch ứng phó với BĐKH, lẽ nào chúng ta vẫn đủng đỉnh bình chân như vại chờ nước đến chân mới nhảy trước các tai họa do BĐKH tạo ra ? Lẽ nào câu châm ngôn “cùng tắc biến” là cách ứng xử quen dùng ngay cả trong trường hợp An ninh Khí hậu?

Tài liệu tham khảo chính

 

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam thời kỳ 2006 – 2010. Hà Nội. 2011.

2. Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh. Biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia. Kỷ yếu Hội thảo BĐKH toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, Hà Nội, 26-29/2/2008

3. Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh. Bảo đảm an ninh môi trường cho phát triển bền vững. NXB Khoa học và Kỹ thuật, H.2010

4.  Ohta, H. Climate Security and Human Security: The Convergence on Policy Requirements

API Session ,Waseda University, Japan, 2009

5. Trombetta, M.J., The meaning and function of climate security. Delft University of Technology, Lujbljana 23-26 July 2008

 

Lượt xem: 1710

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE