quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

30 giờ thăm lại Huế: Cảm nhận hoài niệm và đổi thay (1)

Thứ Ba, 27/08/2019 | 10:15:00 AM

(VACNE) - Hẹn anh Lê Văn Thăng nhiều lần nhưng vì bận việc, lại không có dự án, đề tài nào ở Huế nên tôi chưa ra lại cố đô. Đọc câu thơ: “Em hỏi tôi: khi mô về lại Huế, tôi thẫn thờ nhớ Huế quá đi thôi” (Hồ Viết Bình) nên sáng 26/7/2019 tôi ra Huế thăm bạn bè và tự kiểm sau 8 năm, thêm 8 tuổi tâm hồn, cảm xúc về Huế có còn nguyên vẹn?.

 30 GIỜ THĂM LẠI HUẾ: CẢM NHẬN HOÀI NIỆM VÀ ĐỔI THAY

Ghi chép và ảnh: Lê Trình, 08/2019

1. Nhớ về những lần đến Huế


Lần đầu tôi đến Huế là ngay 2 tháng sau Thống Nhất. Đầu tháng 7/1975 khi mới trung úy, giảng viên môn “Độc học quân sự” tôi được Đại học Quân y cử đi công tác Sài Gòn. Cả Đoàn công tác đi trên 2 xe tải có mui bạt tránh mưa nắng, mỗi xe khoảng 15 người, chỉ đứng, ngồi, không thể nằm. Đoàn xe xuất phát từ Thanh Trì (Hà Tây), dọc đường nghỉ lại Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới. Đường thời đó quá xấu, ổ gà ổ voi, xe xóc liên tục, ai cũng say xe, chỉ mong mau đến binh trạm. Sau 4 ngày xe mới đến cầu Hiền Lương (Ảnh dưới, trái). Cảm giác thật đặc biệt: niềm vui xen lẫn xúc động. Dòng sông Bến Hải chỉ rộng chưa đến 300m mà chia cắt 2 miền Nam, Bắc suốt 21 năm. Nhiều triệu người đã chết, hàng triệu gia đình ly tán, trên 15 triệu tấn bom đạn Mỹ (chưa tính hàng triệu tấn của ta) đã rơi trên đất nước này mới có ngày thống nhất. 21 năm trước còn là đứa trẻ chưa biết chữ tôi đã được tàu thủy Ba Lan chở từ miền Nam ra Bắc tập kết, nay đã là giảng viên đại học! Khi đó cảm xúc hào hùng, hồi hộp sắp được về quê là chính, không nghĩ là di chứng cuộc chiến này còn kéo dài nhiều thập niên.


Qua đất Quảng Trị vẫn còn mùi thuốc súng và ngổn ngang xác xe tăng, súng pháo, đồng hoang cát trắng. Đến trưa ngày thứ 4 xe mới ngang qua Huế, chúng tôi chỉ nhìn thấy Cột Cờ từ xa (Ảnh phải, từ Google). Có người nói to: đây là quê Thủ trưởng Nguyễn Tăng Ấm (Hiệu phó ĐHQY, dân Huế). Có lẽ Huế mới giải phóng còn phức tạp nên Đoàn không được nghỉ trong phố mà phải đến trại lính ở Phú Bài. Trại lính có nhiều dãy nhà mái tôn, nền xi măng, lại thêm đồ lính ngổn ngang nên rất oi nóng (chắc lính Cộng Hòa chạy thoát thân bỏ lại). Mấy ngày sau xe mới vào đến Sài Gòn. Có lẽ được “thử thách” qua chuyến công tác nên GS Hiệu trưởng Đỗ Xuân Hợp ký QĐ cho tôi về thăm quê 10 ngày và cho ra Bắc đi thi NCS theo đường Bộ Đại học. Tháng 6/1976 thi đỗ khá cao; được học ngoại ngữ 1 năm; tháng 8/1977 đi NCS thêm 4,4 năm. “Đổi đời” từ sự kiện đó!


Chuyến đầu tiên thực ra tôi chưa biết gì về đô thành Huế nhưng lần đầu anh sỹ quan bộ đội trẻ lơ ngơ vào vùng mới giải phóng, đến chợ Phú Bài thấy các mạ, các cô gái Huế áo quần nền nả, nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng nên cảm giác dễ chịu sau nhiều ngày hành quân mệt mỏi. Nhớ thơ Tố Hữu – Nhà thơ gốc Huế sau này là Phó thủ tướng - học sinh miền Nam nào trên đất Bắc cũng thuộc: Huế ơi, quê mẹ của ta ơi; Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười; Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng; Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi...Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương! Mái nhì man mác nước sông Hương; Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ; Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường”.

Các năm 1993, 1994, 1998 tôi mới thực sự biết Huế qua các chuyến làm việc với Sở KH&CN Tỉnh. Nhớ nhất là chuyến năm 1994 chúng tôi (Trung tâm BVMT, EPC - Viện cũ VITTEP) cùng các chuyên gia Nhật, New Zealand tập huấn cho cán bộ môi trường Việt Nam về “Assessment of Source Air, Water, and Land Pollution” (nhiều người gọi là “Phương pháp đánh giá nhanh của WHO” nhưng thực ra tác giả của nó là TS A.P. Economopolous người Hy Lạp). Đây là khóa tập huấn đầu tiên và “nguyên bản” duy nhất về kỹ thuật thống kê, đánh giá nhanh tải lượng ô nhiễm, lưu lượng nước thải, khí thải từ các nguồn vì EPC được WHO hỗ trợ truyền bá 2 tập sách của tác giả này vừa được họ xuất bản. Ngày nay các phương pháp đó ít quốc gia sử dụng nhưng được lạm dụng trong ĐTM ở nước ta, thậm chí nhiều thầy cô sử dụng sai. Cần học, dạy, tư vấn đúng bản gốc!


Chuyến thăm Huế gần nhất đã cách đây 8 năm. Năm 2011 Hội ĐTM Việt Nam phối hợp Hội ĐTM Hàn Quốc tổ chức hội thảo lần 3. Viện của PGS Lê Văn Thăng đăng cai tổ chức. Hội thảo thành công lớn với trên 30 đại biểu Việt Nam, 20 nhà môi trường Hàn Quốc tham dự (xem ảnh bìa tập Proceeding dưới đây).

                                                                          

Bìa tuyển tập báo cáo khoa học Hội thảo Việt – Hàn tổ chức tại Huế, 2011. Bên phải: Bản đồ 1 phần Thừa Thiên – Huế, với các điểm tôi đã “check in” từ Thiên  Mụ ra đến biển Thuận An trong đúng 30 giờ ở Huế.


Sau năm đó, hẹn anh Lê Văn Thăng nhiều lần nhưng vì bận việc, lại không có dự án, đề tài nào ở Huế nên tôi chưa ra lại cố đô. Đọc câu thơ: “Em hỏi tôi: khi mô về lại Huế, tôi thẫn thờ nhớ Huế quá đi thôi” (Hồ Viết Bình) nên sáng 26/7/2019 tôi ra Huế thăm bạn bè và tự kiểm sau 8 năm, thêm 8 tuổi tâm hồn, cảm xúc về Huế có còn nguyên vẹn?.


Thời gian lưu lại Huế chỉ đúng 30 tiếng nhưng tôi đã kịp chạy xe máy rong ruổi từ Phú Bài đến bãi biển Thuận An, xuôi dòng Hương Giang từ Thiên Mụ, Kim Long về Đập Đá, Vĩ Dạ; (“Giọng hò từ Kim Long xuôi về Vĩ Dạ, làm bâng khuâng những hàng thông trên đỉnh Ngự Bình” – lời bài hát của Vân Đông), thăm Đại Nội và các cung điện một thời vàng son, Cột Cờ lịch sử; phố xá bờ Bắc, bờ Nam sông Hương và vui vẻ như “Ta Ba lô” 3 tiếng trong đêm ở “khu phố Tây”. Đặc biệt được các PGS Lê Văn Thăng, Trần Anh Tuấn, TS. Tường Vân xinh đẹp tiếp đón chân tình, vui vẻ. Mãn nguyện! Biết đâu 1, 2 năm nữa tôi lại quay lại vùng đất đầy cám dỗ này (nếu Huế vẫn còn man mác buồn, còn hiền hòa, dòng Hương còn trong xanh êm ả).


2. Thừa Thiên – Huế nhìn từ máy bay


Hồi đi học và trong chiến tranh, tôi chỉ biết tỉnh Thừa Thiên với TP Huế là thủ phủ. Vì vậy thời chống Pháp có bài “Bình - Trị - Thiên khói lửa”, thời chống Mỹ vùng chiến trường cực Bắc miền Nam từ Bến Hải đến Hải Vân được gọi là “Mặt trận Trị - Thiên”; sau Thống nhất còn có tỉnh “Bình - Trị - Thiên” (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên). Nhưng có lẽ Huế quá nổi danh không chỉ cố đô, đất kinh kỳ mà còn là vùng văn hóa đặc sắc không nơi nào có được nên từ chục năm trước vẫn trên diện tích Thừa Thiên ấy tỉnh được đặt tên mới là Thừa Thiên – Huế.


Tỉnh được thiên nhiên ban cho h
ệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á, kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam dọc theo bờ biển, có chiều dài 68km, tổng diện tích mặt nước 216 km2 và gồm 3 đầm, phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thuỷ Tú và đầm Cầu Hai. Đầm Cầu Hai có diện tích khoảng 104 km2, liên thông với biển Đông thông qua cửa Tư Hiền. Rồi vụng An Cư bên ngoài là biển Lăng Cô sát chân đèo Hải Vân. Theo “bệnh nghề nghiệp” tôi suy đoán: các đầm phá này chắc có giá trị sinh thái và kinh tế đặc biệt: nơi phát triển thủy sản nước lợ - mặn phong phú và có lẽ là “vùng đệm” để dòng Hương luôn hiền hòa, đầy nước, ít bị ảnh hưởng triều xâm ngập mặn, khác hẳn nhiều sông ở miền Trung (mùa lũ thì nước tràn bờ, mùa khô thì trơ đáy); là nơi lắng đọng phù sa để các bãi biển Thuận An, Lăng Cô luôn trong vắt. Chúng cũng điều tiết sóng biển để hạn chế “sóng thần” đổ vào nội địa. Các đầm phá TT- Huế còn là cảnh quan tuyệt vời, nếu khéo khai thác sẽ là các vùng du lịch hấp dẫn.

 


Bên trái
: Máy bay nghiêng cánh rời Biển Đông tiến vào đầm Cầu Hai. Bên phải: 09:00 sáng 26/7/2019: Từ máy bay: đầm Cầu Hai (khoảng trắng như mây) thật đẹp và kỳ ảo. Đầm được bao bọc bởi các dãy núi thấp ở phía Nam và đồng bằng huyện Phú Lộc ở phía Tây, phía Bắc; xa xa là núi cao Hải Vân.

 


Đồng ruộng và quần cư nông thôn đặc thù TT-Huế: không giống làng quê Đồng bằng sông Hồng và khác nhiều với thôn ấp Đồng bằng sông Cửu Long. “Sông núi vươn dài tiếp núi sông; Cò bay thẳng cánh nối đồng không; Có người bảo Huế xa, xa lắm; Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng” (Thanh Tịnh – Nhà thơ quân đội nổi tiếng, người Huế).

(Còn tiếp)

Lượt xem: 1753

Các tin khác

QUYẾT BẢO VỆ

(20/04/2024 11:18:PM)

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE