(VACNE: 29/5/2021) - Hội đồng Cây Di sản Việt Nam vừa họp online xét duyệt hồ sơ, công nhận thêm 24 cây của các tỉnh: Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Tĩnh và Tp. Hà Nội, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Đứng đầu các địa phương có nhiều cây được Hội đồng thông qua lần này là tỉnh Vĩnh Phúc (15 cây), tiếp đó là tỉnh Cao Bằng (4 cây), Phú Thọ (2 cây) và những địa phương còn lại (mỗi nơi 1 cây). Điều đáng ngạc nhiên là: có nhiều cây khổng lồ và rất lâu năm
Cụ thể: cây Đại nghìn tuổi (có 2 nhánh rất to chìm trong đất) trước cửa Đền Hạ, thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Theo hồ sơ do địa phương gửi về: cây Đại này được trồng cách đây gần 3.000 năm, trước cửa ngôi đền thờ danh tướng Phạm Quốc Lang – người có công đánh đuổi giặc Ân thời vua Hùng.
Cùng với 12 cây Đại có tuổi gần 260 năm bên miếu thờ Hùng Vương ở thôn Trung Kiên, xã Đình Chu (huyện Lập Thạch), tỉnh Vĩnh Phúc còn có 02 cây Đa gần 300 năm ở thôn An Khang, xã Yên Thạch và 01 cây Gạo hơn 400 năm ở thôn Khoan Bộ, xã Phương Khoan (cùng ở huyện Sông Lô) được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Cả 04 cây của tỉnh Cao Bằng được xét duyệt lần này đều là những cây khổng lồ. Như cây Nghiến gần nghìn tuổi ở Bó Kéo, phố Cách Linh (Hà Quảng) có chu vi thân 6,2 m; cây Nghiến hơn 500 năm ở xóm Đồng Tâm, xã Đồng Loan (Hạ Lang) có chu vi thân 6,1 m. Cũng ở Hạ Lang, còn có cây Sấu hơn 700 năm, chu vi thân hơn 10 m ở xóm Bản Khoòng, xã Lý Quốc và cây hoa Sữa (hơn 500 năm) ở Bản Thuộc, xóm Đồng Loan có chu vi thân hơn 5 m. Những cây này được người dân bảo vệ, gửi hồ sơ đăng ký công nhận Cây Di sản Việt Nam, với nguyện vong: muốn thu hút khách du lịch tới chiêm ngưỡng khi có dịp về Cao Bằng.
Lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam đợt xét lần này, còn có cây Đại hơn 700 năm trong khuôn viên chùa Thượng Lâm, xã Thụy Vân, Tp. Việt Trì (Phú Thọ); cây Thị gần 500 năm, trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm (Phạm Đại Tôn) thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); cây Muỗm hơn 300 năm ở xóm 16, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)./.
Một cây cổ thụ khác của tỉnh Bến Tre đó là cây Me hơn 200 năm tại ấp Tân Khai, xã Tân Hưng, huyện Ba Tri cũng được Hội đồng xem xét và công nhận đủ tiêu chí Cây Di sản về mặt kỹ thuật, nhưng yêu cầu chính quyền và cộng đồng địa phương phải mở rộng không gian sống cho cây. Khi đó, cây mới được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Nếu như tất cả những cây này, đều được Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam thông qua, thì số lượng Cây Di sản Việt Nam ở nước ta đã lên tới con số 5.453 cây./.
PV. VACNE