DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG
13 điều phải ghi nhớ về vấn đề biến đổi khí hậu
Thứ Sáu, 29/10/2021 | 09:24:00 AM
Những tác động của biến đổi khí hậu đang khiến người ta choáng ngợp, đặc biệt khi một loạt các tiên đoán bi quan về số phận của Trái Đất được đưa ra liên tục. Vậy biến đổi khí hậu là gì, và thực sự tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?
1. Trái Đất đã nóng lên bao nhiêu độ?
Hành tinh của chúng ta đã nóng lên gần 1oC (0,95oC) so với năm 1880. Nghe có vẻ không đáng kể, nhưng vì đây chỉ là con số trung bình khi đo nhiệt độ toàn thể bề mặt Trái Đất, nên thực chất gần 1oC này lại là nguyên nhân khiến băng hai cực tan chảy, làm mực nước biển dâng cao với tốc độ ngày càng nhanh.
Các nhà khoa học tin rằng tính từ năm 1950 tới nay, lý do chủ yếu khiến Trái Đất nóng lên là do con người thải ra quá nhiều khí nhà kính. Nếu tiếp tục không thể kiểm soát lượng khí thải, Trái Đất có thể nóng lên tới gần 4,45oC. Khi đó hành tinh xanh sẽ bị biến đổi và không thể tiếp tục là môi trường sống cho một lượng dân số khổng lồ.
2. Mực nước biển sẽ dâng lên bao nhiêu?
Đại dương đang dâng cao khoảng 0,3m mỗi thế kỷ. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng tới đường bờ biển, buộc các chính phủ và nhiều tổ chức phải bỏ ra vài chục tỷ USD để chống xói mòn.
Thực tế, nếu chỉ dừng tại đó, mọi thứ vẫn còn trong tầm kiểm soát. Vấn đề là tốc độ mực nước biển dâng lên đang gia tăng đáng kể. Nếu lượng khí thải không được kiểm soát, băng sẽ tan nhiều đến độ đại dương dâng cao đến hơn 24 m so với hiện nay. Vậy nên vấn đề ở đây không chỉ là mực nước biển dâng cao lên bao nhiêu, mà còn là tốc độ dâng nhanh như thế nào. Và ở khía cạnh này thì các nhà khoa học cũng gần như mù mờ.
Khi nghiên cứu lịch sử Trái Đất, tệ nhất là nước biển dâng cao 0,3m trong vòng một thập kỷ. Chỉ cần mức độ bằng nửa thế thôi là đã đủ khiến dân cư phải tháo chạy khỏi vùng ven biển và tạo ra khủng hoảng lớn trong xã hội.
Kể cả nếu tốc độ có chậm lại, rất nhiều đô thị lớn trên thế giới cuối cùng cũng sẽ bị ngập lụt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cắt giảm được lượng lớn khí thải sẽ làm tốc độ nước biển dâng chậm lại, giúp chúng ta có thêm thời gian thích ứng.
3. Nền nông nghiệp có tác động gì tới biến đổi khí hậu?
Nhu cầu thực phẩm đang tăng cao, chủ yếu vì sự phát triển dân số và mức thu nhập tăng khiến mọi người có xu hướng ăn uống đầy đủ hơn. Nhiều nông dân đã đốn hạ hàng loạt cây xanh trong rừng Amazon để phục vụ mục đích này.
Nhiều cố gắng được tiến hành nhằm giải quyết vấn đề. Thành công lớn nhất là ở Brazil, người ta đã gia tăng giám sát và làm giảm mức độ phá rừng Amazon xuống tới 80% trong một thập kỷ. Nhưng ở nhiều nơi khác trên thế giới, nạn phá rừng vẫn rất trầm trọng, như Indonesia là một ví dụ.
5. Cacbon là nguyên nhân duy nhất?
Khí nhà kính thường được gọi là “khí thải cacbon” chỉ là một cách gọi tắt. Vì hai chất quan trọng nhất gây ra hiệu ứng nhà kính là CO2 và metan đều có chứa nguyên tử cacbon. Rất nhiều loại khí khác không chứa cacbon cũng có tác hại tương tự. Khi nhắc tới “khí thải cacbon” thường bao gồm tất cả các loại khí này.
Tính đến nay, yếu tố lớn nhất gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu là việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để cung cấp điện và phục vụ giao thông. Quá trình này làm cacbon trong lòng đất thoát vào bầu khí quyển dưới dạng CO2. Metan, sinh ra từ các đầm lầy, từ hố chôn rác, từ các rò rỉ ở giếng và đường ống dẫn khí, thậm chí còn có khả năng giữ nhiệt cao hơn, nhưng chúng dễ bị phân hủy trong không khí.
Yếu tố quan trọng khác dẫn tới khí thải nhà kính là hành động phá rừng, đặc biệt ở vùng nhiệt đới, bởi cây xanh “tiêu thụ” khí CO2. Khi nguồn “tiêu hóa” này bị triệt hạ thì tất yếu dẫn đến sự bùng nổ lượng khí này.
6. Những vấn đề chúng ta gặp phải?
25 đến 30 năm tiếp theo, khí hậu sẽ không quá sai khác so với hiện nay, nhưng nhiệt độ sẽ dần ấm lên và gia tăng các yếu tố bất lợi. Mùa mưa mưa nhiều hơn, mùa khô khô hanh hơn. Số lượng cơn bão có thể ít đi, nhưng sức tàn phá thì tăng lên.
Ở tương lai xa, trong trường hợp không kiểm soát được lượng khí thải, mối nguy khó có thể lường được. Các nhà khoa học e sợ khí hậu sẽ khắc nghiệt đến mức làm các chính phủ mất ổn định khi những làn sóng di dân lớn xuất hiện, các thành phố vùng bờ biển bị nhấn chìm, nguy cơ diễn ra đại tuyệt chủng lần thứ sáu.
7. Viễn cảnh lạc quan?
Nếu là một người lạc quan, có thể bạn sẽ nghĩ Trái Đất không nhạy cảm đến thế, động thực vật thích nghi tốt hơn chúng ta tưởng, hay nỗ lực hiện nay cùng phát triển công nghệ đã là đủ.
Không may là, theo nhận định của các nhà khoa học, xác suất những điều trên xảy ra không hề cao. Ru ngủ bản thân trong viễn cảnh êm ái là hết sức nguy hiểm.
8. Viễn cảnh tồi tệ nhất?
Rất khó để nói điều tệ nhất có thể xảy ra là gì. Có lẽ nỗi sợ đáng kể nhất là sản xuất thực phẩm bị ngưng trệ, đi cùng với giá cả leo thang và nạn đói trên diện rộng.
Thực chất nông dân đã có thể điều chỉnh mùa vụ và công nghệ gieo trồng để thích ứng với sự thay đổi khí hậu ở mức nhất định, nên kể cả trong tình hình gia tăng khí thải nhanh chóng, cũng chưa đánh giá được rõ ràng khả năng nào có thể xảy ra.
Một trường hợp khác là khi băng hai cực tan chảy, mực nước biển tăng nhanh sẽ buộc người dân phải rời bỏ những thành phố lớn nhất thế giới; gây ra tổn thất lên tới hàng nghìn tỷ USD. Các nhà khoa học cũng e sợ về những trường hợp không thể tiên đoán trước, ví dụ như gió mùa châu Á vốn có thể dự báo sẽ trở nên mất ổn định. Hàng tỷ người đang phải sống dựa vào gió mùa để sản xuất nông nghiệp, vậy nên bất kỳ sự trì trệ nào diễn ra cũng có thể dẫn đến thảm họa.
9. Những dự đoán này có chính xác không?
Có rất nhiều bằng chứng đã được đưa ra để đi đến kết luận Trái Đất sẽ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà kính. Ví dụ, ngay từ thế kỷ 19, vật lý cơ bản đã chỉ ra khí cacbon điôxit có khả năng giữ nhiệt, và điều này đã được kiểm định qua hàng ngàn thí nghiệm.
Dĩ nhiên khoa học về khí hậu vẫn có những điểm thiếu chắc chắn. Không có dự đoán nào là tuyệt đối, nhưng những nét cơ bản nhất thì vẫn có thể được đảm bảo. Nghiên cứu về khí tượng thời cổ đại đã chỉ ra: nồng độ cacbon điôxit đã từng dao động một cách tự nhiên, và cứ mỗi lần lượng khí này tăng lên, Trái Đất lại ấm hơn, băng tan, và nước biển dâng.
Người ta cũng không thể dựa hoàn toàn vào quá khứ để tiên đoán tương lai, bởi loài người đang thải ra lượng cacbon điôxit vào không khí nhanh hơn nhiều so với tự nhiên trước kia.
10. Vì sao người ta vẫn hoài nghi về biến đổi khí hậu?
Hầu hết các công kích nhắm tới khoa học khí hậu đến từ những người theo chủ nghĩa bảo thủ hoặc vô tri. Quan điểm nặng tính ý thức hệ này được chống đỡ bằng doanh thu đến từ nhiên liệu hóa thạch – thứ đã giúp các tổ chức được thành lập, các hội nghị được tài trợ…
Họ đưa ra các lập luận bằng cách lựa chọn các thông tin có lợi cho mình, ví dụ như chỉ tập trung vào các số liệu trong thời gian ngắn mà lờ đi xu hướng biến đổi dài hạn.
Hành động phản đối cực đoan nhất là khi họ tuyên bố các nhà khoa học đang tham gia vào một trò lừa quy mô toàn cầu để chính phủ có thể gia tăng quyền kiểm soát đối với đời sống người dân.
11. Hiện tượng thời tiết thất thường có liên quan tới biến đổi khí hậu không?
Có các bằng chứng cụ thể để kết luận việc khí hậu ấm lên dẫn tới hiện tượng sóng nhiệt ngày càng thêm thường xuyên và khắc nghiệt. Nó cũng dẫn tới các cơn mưa bão nặng nề hơn bao giờ hết, và tình hình ngập lụt vùng bờ biển ngày một xấu đi, hạn hán Trung Đông trở nên trầm trọng…
Nhưng ở một số trường hợp khác, chưa thể chắc chắn rằng mỗi khi một hiện tượng thời tiết thất thường xảy ra thì chúng đều có liên quan tới sự ấm lên toàn cầu.
12. Sự phát triển công nghệ có thể giúp gì cho ta?
Ngày càng nhiều công ty, chính phủ và những nhà nghiên cứu góp sức tham gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, làm gia tăng khả năng xuất hiện những cải tiến lớn về công nghệ. Nhưng kể cả các chuyên gia lạc quan nhất cũng cảnh báo rằng những cố gắng hiện nay là chưa đủ.
Ví dụ như số tiền bỏ ra để tiến hành các nghiên cứu năng lượng cơ bản cũng chỉ đạt được 1/3 mức độ cần thiết mà các báo cáo chuyên sâu đã đề xuất. Ngân sách bỏ ra cho nông nghiệp thậm chí đang bị ngừng trệ, mặc dù mối nguy về dự trữ lương thực là rất đáng ngại.
Bill Gates lập luận rằng chỉ kỳ vọng vào một phép màu công nghệ nào đó không phải là chiến lược đúng đắn. Thực tế hơn, chúng ta cần dành ra được lượng tiền lớn để biến điều đó thành hiện thực.
13. Tôi có thể làm gì?
Bạn có thể cắt giảm việc thải khí cacbon của chính mình bằng nhiều cách đơn giản. Thiết kế nhà cho tốt để mát vào hè và ấm vào đông, hạn chế sử dụng máy móc điều chỉnh nhiệt độ, chuyển sang dùng các bóng đèn hiệu suất cao, tắt đèn khi không sử dụng, bớt lãng phí thực phẩm…
Có lẽ điều hiệu quả nhất mà một cá nhân có thể làm là hạn chế sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nguồn năng lượng thay thế lại đang quá đắt đỏ, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển lại sở hữu hạ tầng yếu kém như Việt Nam. Không hề dễ dàng sở hữu pin năng lượng mặt trời, bởi giá còn quá đắt.
Không hề dễ dàng dùng xe buýt thay thế phương tiện đi lại khi bao năm quy hoạch vẫn không phục vụ đủ nhu cầu. Không hề dễ dàng dùng xe điện thay thế xe xăng, bởi không biết lúc nào sẽ có cơn mưa ập xuống làm đường phố trở nên lụt lội, trong khi một phần lớn nguồn điện là từ than – một nguồn xả thải ra khí cacbon.
Nhưng dù thế nào, các chuyên gia cũng tin rằng nếu tự bản thân mỗi người không có hành động thì chẳng có gì thay đổi cả. Vậy nên bên cạnh làm mọi điều có thể, nói lên chính kiến của mình và thực hành quyền công dân của chính bạn sẽ càng tác động mạnh mẽ hơn nữa.
(Theo Songmoi)
Lượt xem: 1965
Các tin khác
Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng (23/12/2024 06:20:AM)
Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô (16/12/2024 06:57:AM)
Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh (11/12/2024 09:30:AM)
Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu (18/11/2024 08:37:AM)
Tìm tiền carbon cho cây lúa (13/11/2024 08:51:AM)
COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua (05/11/2024 06:53:AM)
Tăng tốc năng lượng tái tạo (21/10/2024 08:54:AM)
Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050 (18/10/2024 08:29:AM)
Người tiêu dùng Net Zero (30/09/2024 06:12:AM)