Cây bàng cổ thụ phủ tán rộng khắp một khoảng sân trường
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, lịch sử chính xác cây được trồng năm nào thì chưa xác định cụ thể, nhưng theo các cụ ở địa phương đã hơn 95 tuổi thì từ nhỏ, đã thấy cây bàng này to lớn. Hằng năm, bên cạnh hoạt động trồng mới cây xanh, nhà trường quan tâm bón phân, cắt tỉa cành cây bàng cổ thụ này để vừa chăm sóc cây, vừa đảm bảo cảnh quan khuôn viên trường.
Đến nay, dựa trên Hồ sơ đăng ký Cây Di sản Việt Nam của nhà trường và kết quả xét duyệt của Hội đồng xét duyệt, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có quyết định về việc công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây Bàng (có tên khoa học là Terminalia Catappa L.) tại Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Sau khi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, sẽ được hưởng các điều kiện ưu đãi theo quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Phần thân của cây bàng rất lớn
Thông tin từ hồ sơ đăng ký Cây Di Sản Việt Nam cho thấy, thân chính của cây bàng có đường kính khoảng 1,4m, chu vi 4,49m. Nhiều bậc cao niên trên 95 tuổi sinh sống quanh trường cho biết, cây được trồng tại khuôn viên trường từ lâu, khi còn nhỏ họ đã nhìn thấy cây bàng này, lúc đó kích thước cây cũng khá lớn.
Thầy Tuân cho biết, sau khi nhận được thông tin trên, nhà trường đã thông báo đến toàn thể giáo viên, học sinh, đặc biệt nhắc nhở học sinh chú ý hơn nữa trong việc bảo vệ cây Di sản, không nên có hành động tinh nghịch, leo trèo, bẻ phá cây. Ban giám hiệu Trường THCS thị trấn Phú Lộc cũng đang xin ý kiến của địa phương để lên kế hoạch tổ chức lễ công nhận.
Hữu Phúc