(VACNE) - Thấy các “Thượng đế”rất nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, nên trưa nay Người kể cũng vào đề luôn câu chuyện số 2 trong con số 13. Bởi ông nghĩ, có lẽ họ muốn dành nhiều thời gian hơn cho tranh luận, thảo luận và cả “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ các buổi trưa hôm trước. Gớm thật.
Dạ thưa các “thượng đế”, câu chuyện hôm nay là “ Biểu trưng môi trường” một nhà máy điện trên mảnh đất cố đô lịch sử Ninh Bình ạ. Rút kinh nghiệm những lần trước, các “thượng đế” chỉ nhìn nhau, không ai lên tiếng.
Người kể hiểu ý, bèn tiếp: Đó là một nhà máy nhiệt điện được xây dựng từ những năm đầu của thập kỷ 70 với tổng công suất 100 MW. Là một trong số những nhà máy điện đầu tiên của nước VNDCCH, Nó có vai trò, vị trí và ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, đảm bảo ổn định điện áp nhằm nâng cao chất lượng điện năng cho khu vực, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng, phục vụ hiệu quả công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiện, do Nhà máy được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh, lại sử dụng công nghệ của những năm 60 của thế kỷ XX, một nửa thiết bị chính nằm sâu dưới mặt đất để chống chiến tranh phá hoại và do nhiều nguyên nhân khác. Hơn nữa nhà máy luôn phải vận hành trong tình trạng căng thẳng, không có điều kiện để củng cố sửa chữa, phục hồi khiến máy móc, thiết bị xuống cấp trầm trọng. Sau khi luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực (từ đầu năm 1994), kết quả báo cáo đánh giá tác động ô nhiễm môi trường cho thấy, hàm lượng các chất thải như bụi lơ lửng, SO2, NO2, CO2, CO khu vực thị xã Ninh Bình và vùng phụ cận vượt rất nhiều lần so với quy định, trong đó có chỉ tiêu vượt hơn 20 lần.
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình khi đó nằm trong danh sách 13 cơ sở có nguy cơ phải ngừng sản xuất. Tương tự như các cơ sở khác, việc đặt vấn đề, việc đề xuất các phương án xử lý diễn ra vô cùng phức tạp, gay cấn. Dư luận địa phương phản đối kịch liệt, kiên quyết đòi Nhà máy phải ngừng hoạt động và di dời ra khỏi khu vực thị xã, nơi họ đã phải sống trong hoàn cảnh ô nhiễm nghiêm trọng hàng chục năm qua. Hàng nghìn người lao động thì khắc khoải lo âu nếu nhà máy bị đóng cửa. Tỉnh họp, Bộ họp, rồi Tỉnh và Bộ cùng họp. Rồi lại điều tra, đánh giá, xây dựng phương án,... Liên tục như vậy. Cuối cùng, phương án gồm 4 giải pháp chính được thống nhất trên cơ sở Nhà máy xác định cải thiện môi trường là yếu tố quyết định sự tồn tại, nhưng không thể tách rời hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Bốn nội dung đó là: Phục hồi và nâng cấp nhà máy; khắc phục ô nhiễm môi trường không khí; cải tạo môi trường nước thải bãi xỉ; cải tạo môi trường nội bộ nhà máy: hệ thống đường nội bộ, trồng cây xanh, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho CBCNV, v.v.
Đến khoảng đầu năm 2004, các hạng mục công trình lần lượt được đưa vào vận hành: 4 bộ khử bụi tĩnh điện, công trình xử lý môi trường nước thải bãi xỉ, hệ thống vòi phun đốt than bột UD,…Người kể chuyện đưa ra bức ảnh chụp Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình hiện nay và hỏi các thượng đế xem có thấy gì đặc biệt không. Mọi người lắc đầu, không thấy. Tất nhiên rồi,Người kể chuyện gật gù. Xin nói thêm thế này: Nhà máy có 2 ống khói, 1 cao to, 1 thấp nhỏ như các thượng đế thấy trên ảnh. Hình như có nhà khoa học lớn nào đó bị ông khách đến chơi nhà hỏi sao chân tường nhà ông có 2 lỗ hổng, 1 to, 1 nhỏ, thì được nhà khoa học trả lời: lỗ to để con chó chui, lỗ nhỏ để con mèo! Nhưng ở nhà máy chắc chắn không phải rồi. Khi hỏi một Giáo sư đầu ngành Đại học Xây dựng Hà Nội thì được biết, Giáo sư là người thiết kế ống khói, ra đời sau 30 năm so với ống trước, cao to hơn cái trước, bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường. Cụ thể là, nếu ống cũ chỉ cao 80 mét, thấp hơn núi Cánh Diều 30 mét, thì ống mới cao 130 mét. Nôm na là cao to gấp rưỡi. Ống cũ không sử dụng được nũa, nhưng phá đi lại tốn tiền, nên để vậy.
Hiện nay, vấn đề môi trường liên quan đến Nhà máy đã được xử lý tốt. Nhà máy được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam, được Hội ta , VACNE trao giải thưởng Thương hiệu Xanh bền vững và Cúp vàng Vì sự nghiệp Bảo vệ môi trường. Ninh Bình trở thành mảnh đất của các di sản và vùng du lịch sinh thái nổi tiềng cả trong và ngoài nước.
Chao ôi, Người kể chuyện bỗng dưng xuýt xoa, bây giờ thì “Ngọc Mỹ nhân”- tên gọi khác của ngọn núi Cánh Diều nằm sát nhà máy chắc chắn ngon giấc ngàn thu rồi, không phải sặc sụa ho vì khói bụi nữa. Không hiểu sao khi được gợi ý chụp 2 ống khói đó làm “biểu trưng” bảo vệ môi trường trong các cuộc thi ảnh môi trường thì không nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên nào hưởng ứng. Lạ thật. Còn ông Tổng Biên tập web Hội có cho đăng bức ảnh lấy trên mạng này hay không thì cũng chịu. Nhưng cũng xin cảm ơn tác giả bức ảnh và xin mời các thượng đế thưởng ngoạn. Xin phép về chuẩn bị, ít nhất cũng còn 11 cơ sở “đen” nữa.
Quán cà phê MT, Trưa đầu tiên của tháng 9/2019.