quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

“Con Di sản” và câu chuyện “Chia sẻ lợi ích”

Thứ Bảy, 14/12/2013 | 05:55:00 PM

(VACNE) - Theo gợi ý của Phó Hội Viên VACNE trong bài Tùy Cây số 41 (bản tin VACNE ngày 10/12/2013), về việc lựa chọn một vài 'Con' có ý nghĩa để mở loạt bài về “Con Di sản”. Việc lựa chọn này chắc không đơn giản!

 

Nếu nói về “Con” (gồm động vật hoang dã và vật nuôi) thì chúng không thể có tuổi đời dài hằng trăm năm như “Cây di sản”. Đến nay, khoa học chưa thể giữ được sự sống lâu dài cho ‘con vật’ trái với quy luật tự nhiên trong sinh giới. Với nhiều lý do, chúng sẽ chết khi hết tuổi đời của mỗi loài. Chỉ nói ở nước ta cũng đã có khá nhiều loài động vật thuộc loại quý hiếm bị tuyệt chủng hay đang bị đe dọa tuyệt chủng. Xin nêu ví dụ về một vài "Con" mà chúng ta đã biết hay ít nhất đã nghe tên của chúng.


Hệ động vật ở Việt Nam đã từng có hai loài Tê giác. Năm 1920, cá thể Tê giác hai sừng cuối cùng của Việt Nam bị bắn chết tại vùng rừng Cam Ranh (Khánh Hòa). Ngày 25/10/2011, WWF công bố con Tê giác một sừng (Tê giác Java) duy nhất còn lại của Việt Nam ở VQG Cát Tiên đã chính thức tuyệt chủng.


Sao la, là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sống trong vùng núi rừng Trường Sơn ở Việt Nam và Lào, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 và nhìn thấy lần cuối cùng trong tự nhiên vào năm 1998. Các nhà khoa học cho rằng Sao la đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Nhưng rất may mắn là ngày 7/9/2013, máy ảnh tự động đã chụp được hình ảnh con Sao la tại một khu vực hẻo lánh trên dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam, sau 15 năm kể từ lần cuối cùng nhìn thấy loài này ở Việt Nam. Đây thực sự là một báu vật nên tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la (ở vùng núi thuộc xã Bhalee, A Vương, huyện Tây Giang và xã Sông Kôn, Tàlu, huyện Đông Giang; tổng diện tích hơn 15.800 ha) với kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng.


Chắc bây giờ, chẳng ai có thể hình dung một ngày nào đó ở Tây Nguyên không còn Voi. Sách Đỏ Việt Nam (2007) xếp hạng bảo tồn loài này là rất nguy cấp (CR). Năm 1985, tỉnh Đắk Lắk -nơi có nhiều Voi nhất Tây Nguyên- có khoảng 500 con Voi (thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk). Hiện nay, cả tỉnh chỉ còn khoảng 50 Voi nhà bị nuôi nhốt, lại ở tuổi đã quá già để có thể sinh sản tự nhiên. Còn nghề săn bắt và thuần dưỡng Voi rừng nổi tiếng ở Tây Nguyên gắn liền với những cái tên lừng lẫy một thời như Ama Kông hay Y Muk thì bây giờ đã đi vào quá khứ.

Rồi con Hổ ở nước ta (hổ Đông Dương) cũng được xếp vào loài rất nguy cấp (CR), số lượng cá thể đã giảm sút một cách nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tương lai gần, nếu không có biện pháp bảo tồn hữu hiệu. Hiện nay, chúng chỉ còn ở 17 tỉnh, ước tính khoảng 30 con Hổ trong tự nhiên (ENV, 2010). V.v. và v.v.

Đối với động vật, nên hiểu từ “di sản” theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là những con vật sống hoang dã như trên đã nói, mà còn có cả vật nuôi truyền thống, đặc trưng cho một số địa phương, cần phải gìn giữ lâu dài nguồn gen thuần chủng quý hiếm của chúng. Để giữ được nguồn gen này đến ngày nay phải nói đến chuyện “chia sẻ lợi ích”. Vấn đề  tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) đã ghi trong Công ước Đa dạng sinh học, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển do Liên Hợp Quốc tổ chức năm 1992 tại Rio de Janeiro (Braxin) và chính thức có hiệu lực từ tháng 12/1994. Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này từ ngày 16/11/1994.

 

Nhớ lại khoảng 10 năm trước đây, khi chuẩn bị tư liệu để viết cuốn “Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích -Những bài học từ thực tiễn Việt Nam” của T.C. Khánh và N.N. Sinh, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam xuất bản tháng 6 năm 2005, vấn đề   chia sẻ lợi ích từ những cây trồng, vật nuôi đã được bàn đến. Khi các nhà khoa học hoặc tổ chức khoa học đầu tư, tác động vào nguồn gen đang có nguy cơ tuyệt chủng để phục hồi và phát triển trở lại. Qua đó mà người chủ sở hữu nguồn gen này có thêm  thu nhập kinh tế. Lợi ích phát sinh nhờ có sự tác động của KHKT cần được chia sẻ như thế nào cho công bằng và hợp lý? Xin nêu hai nguồn gen quý hiếm làm ví dụ:

Gà Hồ (ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), còn được gọi là “Gà văn hóa”, vì nó gắn liền với nền văn hóa Kinh Bắc, hình ảnh của nó được vẽ trên các bức tranh gà dân gian ở làng Hồ. Giống gà này được xếp đầu bảng trong danh sách 20 loài gia cầm quý của Việt Nam. Con trống rất đẹp mã, lông màu mận chín, vẩy chân nhỏ, tròn đều, mào sít đỏ chót, nặng trung bình 5-6 kg, hoặc hơn. Con mái có lông màu đất sét hay vỏ quả nhãn, cườm cổ đen, nặng 3,5-4 kg. Giống gà Hồ dễ nuôi, chóng lớn, thịt thơm ngon.

 

                   Hình 1: Gà Hồ                              Hình 2: Gà Đông tảo


Gà Đông tảo (ở làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cũng
được xếp vào loại gà quý hiếm của Việt Nam. Giống gà to con, da đỏ, vóc dáng ‘oai phong’, đôi chân to sần sùi nhưng rất ấn tượng, không giống gà nào có. Thông thường một con nặng trên 4 kg, có thể tới 7 kg, dùng làm gà cảnh, gà thịt và quý nhất là làm đồ cúng lễ.
 

Trước đây, do chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của các giống gà quý này nên nó được nuôi chung với gà ta trong các hộ gia đình. Vì vậy, đã xảy ra sự lai tạp và đe dọa mất giống gà thuần chủng. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Nông nghiệp đã phát hiện đây là những gia cầm quý hiếm của Việt Nam, đang có nguy cơ mất giống thuần chủng, cần phải phục hồi và phát triển lại. Với sự hỗ trợ kinh phí của dự án “Bảo tồn nguồn gen vật nuôi Quốc gia” các nhà khoa học đã chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và thú y cho một vài gia đình nuôi gia cầm ở địa phương, giúp họ phục hồi và phát triển các giống gà thuần chủng này. Đến cuối năm 2004, đàn gà Hồ đã có khoảng 1200 con, với giá lúc đó khoảng 1.000.000 đ/đôi. Gà con làm giống có giá 15.000-20.000 đ/con. Trứng giống của gà Đông tảo lúc đó cũng có giá 6.000 đ/quả. Gần đây, một trang trại ở quận 9 (Tp HCM) đã nuôi khoảng một ngàn con gà Đông tảo. Gà thịt giá dao động khoảng 300.000-700.000 đ/kg, doanh thu một tháng khoảng 300-500 triệu và lên đến cả tỷ đồng trong dịp Tết. Đây thực sự là một nguồn lợi của người dân làng Hồ, làng Đông Tảo và các cơ sở chăn nuôi giống gà quý này.

Nếu không có nhà khoa học và Nhà nước đầu tư kinh phí thì liệu người dân có được giống gà quý này không? Thế nhưng, lợi ích kinh tế mà người dân thu được lại không được chia sẻ cho các nhà khoa học và dự án của Nhà nước đã đầu tư kinh phí. Nếu các gia cầm mang nguồn gen này trở thành “Con di sản” thì vấn đề chia sẻ lợi ích có được xem xét tiếp không? Vấn đề đặt ra cho tất cả các nguồn gen là vật nuôi, nhưng được giải quyết thỏa đáng.


TSKH. Trần Công Khánh



 

 

 

 

 



 

Lượt xem: 3823

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE