Một ngày đẹp trời giữa tháng 4, người dân vùng biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bỗng thấy một nhóm người chở chim bồ câu từ Sài Gòn tới. Họ đến bờ biển, ngắm nghía quang cảnh rồi mở lồng cho từng chú bồ câu bay ra.
Dân trong vùng kháo nhau “chắc là thả chim hòa bình đây mà!”. Nhưng không, họ đang thả chim để... đua.
|
“Chiến binh xám trống” của Sò Phúc về nhất trong cuộc đua đường dài Sài Gòn - Đà Nẵng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Nhóm thả chim đó thuộc Hội Bồ câu đua quận 8 (TP.HCM). Hội trưởng Lê Khai Đông cho biết đây là đợt tập dượt trước khi bước vào cuộc đua chim vượt biển mang tên Cúp Thống Nhất chào mừng 30-4 năm nay, chặng Côn Đảo - Sài Gòn dài 225km.
Cuộc đua “bầm mình”
Có tổng cộng 201 chiến binh thuộc 93 căn cứ tham gia cuộc đua vượt biển Côn Đảo - Sài Gòn dài 225km, Cúp Thống Nhất chào mừng lễ 30-4 do Hội Bồ câu đua quận 8 tổ chức lúc 7g05 ngày 21-4-2012 tại Côn Đảo. Kết quả có 90 chiến binh về đích (kết sổ sau ngày thứ ba của cuộc đua) với thành tích thuộc về các căn cứ sau: 1 - Hùng Chảy (Q.6) 4g03'15", 2 - Hùng Chảy (Q.6) 4g08’46”, 3 - Nam Trần (Q.5) 4g10’38”.
|
Sau khi ngắm nhìn đàn chim chao liệng một vòng rồi bay đi mất hút, nhóm thả chim vội vã lên xe về Sài Gòn.
“Để đón chim quay về chuồng, coi chiến binh nào về trước là thắng cuộc” - nài Ty, thành viên trong nhóm, giải thích. Trong một cuộc đua, chim đua được gọi là “chiến binh”. Điểm xuất phát là một nơi ở xa bất kỳ, đoạn đường đua tùy theo cự ly sẽ từ 200-600km đường chim bay, đích đến là chuồng chim, thường được gọi là “căn cứ”. Khi chim về căn cứ, chủ chim phải nhanh chóng mở kiềng (đeo trên chân chim) ra, cào lấy mã số trên kiềng rồi nhắn tin về máy của ban tổ chức để được xếp hạng theo thứ tự.
Trước ngày đua chừng một tháng, ban tổ chức đưa ra quy định về cự ly chặng đua, ngày đăng ký, số lượng chiến binh và căn cứ tham gia, chi phí đóng góp, thành phần trọng tài (thường gọi là nài), lịch tập dượt, cơ cấu giải thưởng, trong đó có cúp, cờ, giấy chứng nhận. Nhưng quan trọng nhất và ly kỳ nhất là hành trình gian khổ mà các chiến binh phải trải qua.
Anh Ngô Vĩ, thành viên Hội Bồ câu đua quận Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Lúc xuất phát, các chiến binh phải định hướng được đường về của mình thật chính xác, từ đó có lộ trình bay phù hợp, sao cho tuyến đường ngắn nhất, ít tốn sức nhất và ít gặp nguy hiểm nhất. Muốn đạt được kỹ năng đó, các chú chim phải trải qua quá trình huấn luyện thật bài bản để có khả năng nhận biết nhà mình. Và điều hết sức quan trọng là khả năng chống chọi với chim cắt, diều hâu và cả thợ săn trên đường đua”.
Trở lại cuộc đua tập dượt Sóc Trăng - Sài Gòn vừa kể, nhóm anh Đông vừa về tới Sài Gòn thì có ngay tin báo 10 chiến binh (trong tổng số 80) đã về căn cứ. Từ đó đến tối hôm sau có lác đác hơn 20 chiến binh quay về. Sang ngày thứ ba thì các chiến binh về gần đủ, chỉ thiếu chừng sáu chú.
Điều đáng chú ý là trong số về trễ này có ba chú trong tình trạng thất thểu, bộ dạng yếu ớt, đặc biệt là thân thể dính đầy máu. Anh em xót xa xúm lại xem thì thấy trên mình các chiến binh có vết cào xước của móng vuốt chim cắt hoặc diều hâu. Có chú bị rách bầu diều một đường dài, chú khác thì cánh có vết cào dài tới sống lưng. Đau đớn hơn cả là một chú bị ghim ba viên đạn súng săn.
Thường những chú chim bị thương như vậy đều được xem như vĩnh viễn giã từ sự nghiệp trên đường đua, giống như vận động viên bị chấn thương nặng. Các chú chỉ còn được giữ lại để làm “bổn” (giống) để nhân ra những chiến binh hậu duệ. Vì cuộc đua gian khổ hiểm nguy như vậy nên chim đua được gọi “chiến binh” cũng là phải lẽ.
|
Anh em hội viên hội nuôi chim bồ câu xem phong độ các chiến binh về đích - Ảnh: H.T.V. |
Công phu khổ luyện
Sau chuyến đua tập ít hôm, chúng tôi ghé nhà anh Đông trên đường Dã Tượng (quận 8), nơi làm điểm gặp mặt của cả hội. Trên bancông tầng 1 là dãy chuồng nuôi bồ câu được làm vệ sinh sạch sẽ, chia ra nhiều ngăn có cửa riêng, nuôi từng lứa bồ câu từ mới nở, “ra ràng” tới tập bay và đạt chuẩn chiến binh. Dù vậy, căn cứ của anh Đông cũng thuộc dạng bình dân. Có người trang bị hệ thống chuồng hiện đại như anh Tô Văn Phát ở quận 8, anh Trương Diệu Huy ở quận Tân Phú.
Hễ đúng 7g sáng là cửa chuồng tự động mở cho chim bay ra ngoài, đúng 8g là máng ăn tự bật cho thức ăn đổ xuống. Thậm chí anh Huy còn cài thiết bị ghi nhận chim bay tập về là lập tức chuông đổ và có ngay tin nhắn báo về điện thoại.
Thức ăn cho chiến binh cũng khác. Thường thì ta nói ngũ cốc nhưng thực tế tới gần “thập cốc” gồm bắp, hướng dương, mè đen, lúa, các loại đậu... và đặc biệt không thể thiếu chất khoáng (đất sét và cát). Nơi cửa chuồng có lắp một cái bục dùng làm nơi dừng chân của bồ câu trước khi đi và về. Với chim khoảng 45 ngày tuổi, đó là nơi chúng đậu thường xuyên để nhận diện thế giới xung quanh và “nạp” vào bộ nhớ. Để có những chiến binh thông minh, đủ sức bay qua chặng đường hàng trăm cây số, vượt qua bao hiểm nguy, chủ nuôi phải chăm chút chim ngay từ nhỏ.
Anh Ngô Vĩ thường lặn lội qua tận chợ chim ở Quảng Đông (Trung Quốc) săn lùng những “bổn” từng nổi tiếng trong các cuộc đua rồi đem về nhà tìm mái tốt “đổ” ra chim con. Thỉnh thoảng anh nhờ người quen tìm mua trứng thuộc hàng “tướng tá” trong đội ngũ chiến binh về ấp nở rồi huấn luyện.
Còn anh Lê Khai Đông chủ yếu tìm giống bồ câu ngoại nhập từ Bỉ, Hà Lan hoặc Đài Loan, Trung Quốc. Trong một lần gặp duyên may, anh được một người ở Cần Giờ bán cho một chú chim lạc, chân có đeo kiềng, mã số. Anh mừng như bắt được vàng vì đó là một chiến binh thuộc một căn cứ bên tận Trung Quốc. Anh đem về nhân giống và mãi tới đời thứ ba mới có một chú đoạt giải ba cuộc đua Quảng Ngãi - Sài Gòn (dài 540km, tháng 5-2011).
Có con giống tốt, bước tiếp theo là huấn luyện kỳ công y như nuôi chó nghiệp vụ. Khi đã làm quen và “nạp” vào bộ nhớ vị trí, không gian quanh căn cứ, các chiến binh được bay tập theo khoảng cách từ gần tới xa, bước đầu từ nhà ra đầu hẻm, rồi ra xa hơn như cầu Sài Gòn, hầm Thủ Thiêm hoặc Cần Giờ, Gò Công..., lúc mạnh mẽ hơn thì bay tập tới Vũng Tàu, Phan Thiết, Vĩnh Long, Trà Vinh.
“Trong những lần tập đó không phải là không có rơi rớt dọc đường. Cũng có con... ngu đột xuất lắm nên chúng bay lạc hướng và mất tăm” - anh Đông chia sẻ.
|
“Xám trống” của anh Hà (Q.6) về nhì trong cuộc đua chiến binh đường dài Sài Gòn - Đà Nẵng - Ảnh: H.T.V.
|
Chuyện cười ra nước mắt
Thú chơi bồ câu đã có từ 30 năm trước, lúc đó chỉ ở dạng bồ câu kiểng, đưa thư thuần túy. Từ năm 2010 mới có những cuộc đua đường dài với cự ly 200-600km, kéo dài tới tận Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hà Tiên... Số hội viên và căn cứ cũng tăng lên. Anh Ngô Vĩ cho biết tại TP.HCM hiện có hơn 100 thành viên chơi bồ câu đua, với số kiềng (tương đương số chiến binh) hơn 6.000. Các cuộc đua quy tụ 60-100 chiến binh năm 2011 tăng lên hơn 200 năm 2012. Và quanh những cuộc đua có bao chuyện cười ra nước mắt.
Anh Gia Hưng, thành viên Hội Bồ câu đua quận 8, kể trong cuộc đua Đà Lạt - Sài Gòn tháng 1-2012, chiến binh của anh bay lạc qua tận Nhà máy Vedan ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Hôm sau bỗng có cuộc gọi của bảo vệ nhà máy gọi anh lên nhận chiến binh bị thương về nhờ có số điện thoại chủ nhân trên kiềng. Với anh Đông, cảm giác chờ chim đua về căn cứ thật hồi hộp.
Anh kể: “Hễ thấy chim nào bay qua cũng giật mình. Tới lúc thấy cái bóng quen quen hiện ra từ xa, lúc chỉ là chấm đen thôi, linh tính báo cho mình biết là nó về. Vừa đáp xuống bục, nó đứng thở hổn hển, toàn thân run rẩy vì mệt nên mình cũng muốn run theo. Rồi nó bước vô chuồng, tìm tới máng nước rúc mỏ uống từng ngụm như chết khát lâu ngày. Mình ngắm nó đã khát mà lòng cũng “đã” theo!”.
Có trường hợp chim về tới trước nhà, chủ chưa kịp mừng thì nó nhảy đậu trên dây điện. “Nó cứ đứng đó tới gần năm phút, trong khi chủ nó nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, trông nó vô chuồng lẹ để lấy mã số nhắn tin báo kết quả” - anh Vĩ kể. Một chút “đủng đỉnh” của chim dẫn tới tai hại khôn lường: tụt xuống hạng 10.
Trong những cuộc đua đường dài, khoảng cách chỉ vài giây đã thay đổi cả bảng xếp hạng. Nhưng đau hơn cả là những người ngồi mòn mỏi chờ đợi mà bóng chim thật là... tăm cá. Cái cảm giác lúc thả chim hào hứng, sôi nổi bao nhiêu thì nay hụt hẫng, thất vọng bấy nhiêu. Ngày tụ tập lại kiểm đếm, người có chim về cười vui hể hả, kẻ vắng chim thì buồn rười rượi, như đội thắng đội thua trong trận chung kết bóng đá.
Và cũng như chơi thể thao, sau đó mọi người cùng vơi đi nỗi buồn, lắng bớt niềm vui để gầy lại cuộc đua mới.
(TTCT)
DƯƠNG THẾ HÙNG