“Cây đa đặc biệt” 13 gốc ở TP Hải Phòng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh hôm qua gắn liền với nhiều câu chuyện truyền thuyết.
Cây đa 13 gốc có sức sống mãnh liệt, chưa bao giờ sâu bệnh hoặc bị tàn phá bởi bất cứ nguyên nhân nào.
Sáng sớm ngày 10 Tết Giáp Ngọ (tức mồng 9 Dương Lịch), bất chấp trời mưa lạnh, các quan khách từ Hà Nội, từ thành phố Hải Phòng và hàng trăm người dân phường Đằng Giang vẫn đổ về
cây đa 13 gốc để tham dự Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản của Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đối với cây đại thụ đặc biệt này.
Theo ghi nhận của
VOV5, cây đa 13 gốc tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng được coi là cây đa cổ thụ khổng lồ trổ nhiều gốc nhất Việt Nam hiện nay. Tương truyền rằng, cây đa 13 gốc có miếu thờ đức Thổ Vượng, có công giúp dân làng khai phá đất đai, lập và giữ làng. Cây đa 13 gốc hiện là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng, độc đáo của du khách bốn phương.
Thân thương cây đa, bến nước, giếng làng…
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Phạm Thị Dịu (85 tuổi), ở xóm Trại, hằng ngày vẫn cụ thường ra khu vực cây đa 13 gốc, khi bán ít khế hái tại vườn nhà, khi quét tước, dọn dẹp trong khuôn viên. Cụ Dịu kể lại với
PV Báo Hải Phòng rằng người dân xóm Trại chẳng ai biết cây bao nhiêu tuổi. Khi cụ còn nhỏ, đã thấy cây đa sừng sững cạnh giếng làng và bến nước. Thời gian khiến vật đổi sao dời, bến nước xưa không còn nhưng giếng làng và cây đa còn đó.
Cây cao chừng 10 mét, nhưng có tới hàng chục cành to, nhỏ tỏa ra chung quanh, bóng cây che mát cả một khoảng đất rộng. Đỡ các cành cây là các rễ phụ giống như cột chống. Cây có 1 gốc chính và 12 rễ phụ, nên mới có tên gọi cây đa 13 gốc.
Tương truyền, ngày xưa có một vị tướng quân trên đường đi đánh giặc dừng chân ở đây và buộc ngựa vào cây đa khiến ngọn cây bị gãy. Sau, tán cây mọc ra và cây đa có hình dáng như ngày nay. Trước kia, tán lá rậm rạp, xum xuê, từ xa nhìn lại cây đa trông giống như mâm xôi khổng lồ. Vào mùa xuân, khi vạn vật tươi tốt, nếu đứng dưới gốc cây nhìn lên, chẳng thấy khe hở nào. Chim chóc đua nhau kéo về làm tổ, tiếng chim hót líu lo rộn rã bốn mùa. Người dân nơi đây thường xuyên quét lá đa khô về đun.
Trẻ chăn trâu rất thích hái quả đa chấm với muối trắng ăn bùi bùi. Sau mỗi buổi làm đồng vất vả, dân làng có thói quen dừng chân nơi bến nước rửa tay, rửa chân, đến giếng làng vốc từng vốc nước trong xanh, mát lạnh rửa mặt rồi đến ngồi nghỉ dưới tán đa. Bao nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả dường như tan biến.
Hồn thiêng nữ Chúa về đây ngự
Báo Hải Phòng dẫn lời chị Phạm Thị Hiền, ở xóm Trại, cho biết theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, khi xưa, xóm Trại chỉ lèo tèo vài nóc nhà của người dân nghèo ra đây khai hoang, lập trại. Nhận thấy đất đai nơi đây màu mỡ, khí hậu thuận hòa, cày cấy được mùa nên ngày càng nhiều hộ dân kéo nhau đến sinh sống, hình thành xóm làng trù phú.
Một chiếc miếu nhỏ bằng tranh tre được dựng lên dưới gốc cây đa cổ thụ thờ người có công giúp dân làng khai hoang lập trại. Từ nhiều đời nay, vào mồng một và ngày rằm, dân làng lại ra miếu ở gốc đa thắp hương cầu may mắn, bình an…
Giờ, người dân trong vùng vẫn thường kể với khách phương xa câu chuyện kỳ lạ về sự linh thiêng của cây đa 13 gốc. Vào thời Pháp thuộc, phố Cầu Đất bây giờ còn được gọi là phố Cô Đầu, bởi có nhiều nhà hát cô đầu (còn được gọi là hát ả đào hay ca trù). Có một ca nương chẳng may yểu mệnh mất đúng vào giờ thiêng, nên rất
linh thiêng. Có người thương cảm dựng đền thờ ở gần đó.
Sau do biến cố của lịch sử, đền cũ không còn. Có người phu xe đứng chờ khách ở gần đền cũ vào lúc nửa đêm, bỗng thấy có người con gái mặc quần áo trắng gọi xe về khu vực xóm Trại. Khi người phu xe chở đến cây cầu nhỏ bắc qua mương gần cây đa 13 gốc, bỗng người con gái biến mất, trên xe chỉ còn lại tiền âm phủ. Người dân trong vùng tin rằng, người con gái kia hiển linh về cây đa 13 gốc ngự.
Sức sống trường tồn, mãnh liệt
Cây đa 13 gốc ở xóm Trại có lẽ là cây đa cổ thụ khổng lồ trổ nhiều gốc nhất nước ta hiện nay, lớn hơn cả cây đa 9 gốc trên đỉnh Thạch Bàn thuộc dãy núi Tam Đảo hùng vĩ. Nhiều người tin rằng, do đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa nơi đất Cảng cùng ý thức chăm sóc, bảo vệ của người dân trong vùng mà cây có sức sống trường tồn, mãnh liệt.
Theo các cụ cao niên truyền lại, hàng trăm năm nay, trải qua mưa gió bão bùng, bom đạn khói lửa chiến tranh nhưng cây đa vẫn hiên ngang đầy sức sống. Nhiều trận bão lớn tràn về, trong khi cây cổ thụ ở nhiều nơi bị đổ gãy, cây đa 13 gốc này không hề bị ảnh hưởng. Thỉnh thoảng có cành cây do lâu ngày bị mục tự rơi xuống. Đặc biệt, cây chưa bao giờ bị sâu bệnh hay bị hư hỏng bởi bất kỳ nguyên nhân gì.
Xóm Trại giờ trở thành phố thị đông đúc dân cư. Tuy nhiên, vẫn có khoảng không gian rộng lớn dành cho cây đa 13 gốc và phủ thờ người con gái hiển linh năm xưa. Cứ ngày mồng một, hôm rằm hằng tháng lại tấp nập khách đến chiêm bái và hầu như ngày nào cũng có khách du lịch ghé thăm. Khách phương xa đến đây, có dịp ngắm cây đa khổng lồ, kỳ lạ và đắm mình trong không gian yên tĩnh nhuốm màu linh thiêng ngay giữa phố phường, thấy lòng thư thái. Còn người dân trong vùng sống xa quê, khi trở về, nhìn thấy tán cây như mâm xôi vươn lên trời cao, chợt cảm giác ấm áp tình quê hương ùa về…
Mai Anh
(MOITRUONG.COM.VN)