quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Xử lý rác ở Singapore: 90% rác biến thành điện, 10% trở thành đảo du lịch

Thứ Ba, 08/10/2019 | 07:01:00 AM

Rác không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nhưng người Singapore biết cách chuyển hóa nó thành những dạng thức phục vụ đời sống.

 Cùng với việc dân số tăng và biến đổi khí hậu, vấn đề rác thải là một bài toán khó trên toàn cầu. Từ những đất nước trăm triệu dân đến các hòn đảo xa xôi đang oằn mình gánh rác giữa đại dương, từ sâu thẳm dưới đáy biển hay nơi hẻo lánh băng giá như 2 cực của Trái Đất, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những núi rác khổng lồ.


Trong lúc vấn đề đối phó với rác thải ngày càng được quan tâm như thế, các nhà môi trường lại nhắc đến những “điểm sáng” hiếm hoi như Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản… với hệ thống xử lý rác tuyệt vời. Trong số đó, còn nổi bật một quốc đảo nhỏ bé nhưng suốt mấy chục năm giữ danh xưng là “đất nước sạch sẽ hàng đầu thế giới”, được Reuters báo cáo là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có lời giải khá trọn vẹn cho bài toán rác thải. Không ai khác, đó chính là Singapore.

Trước tiên, có thể khẳng định Singapore không phải tự nhiên mà sạch. Với diện tích khoảng 772 km2 nhưng dân số hơn 5,8 triệu người, quốc đảo sư tư vẫn đau đầu vì vấn đề rác thải. Tính riêng trong năm 2017, Singapore sản sinh ra 8.443 tấn rác thải rắn MỖI NGÀY, tương đương khối lượng của 5.600 chiếc ô tô. Mọi thứ còn nghiêm trọng hơn quay về thời điểm những năm 1960, khi giới chức tuyên bố đất nước sắp hết chỗ… đổ rác.

Nhưng đến năm 1979, Singapore đã tìm ra giải pháp. Họ xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên, gia nhập nhóm quốc gia tiên phong về “Waste to Energy” (WTE) – quy trình biến rác thải thành năng lượng.

Đến nay là tròn 40 năm nhà máy đốt rác đầu tiên ở Singapore đi vào hoạt động. Họ còn có thêm 3 nhà máy như vậy, chịu trách nhiệm xử lý 90% rác thải của đất nước, biến nó thành năng lượng điện. Đây thật sự là một quy trình kín kẽ, hiệu quả cao mà cả thế giới đều muốn học hỏi.

Khi 90% rác thải ở Singapore hóa thành điện và tro

Họ đã làm gì với 90% rác thải của quốc gia? Sau đây là cách hệ thống vận hành bên trong mỗi nhà máy đốt rác ở Singapore. Đầu tiên, xe tải mang rác (đã cân khối lượng) đến nhà máy. Toàn bộ rác được dồn vào hầm chứa đặc biệt, được thiết kế để ngăn mùi hôi thối bốc ra. Kế đó, máy nghiền sẽ xoay tròn để làm vỡ vụn rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

Nhiệt từ quá trình đốt sản sinh hơi, giúp đẩy máy phát turbine và tạo ra điện. Khói từ quá trình này sẽ được lọc kỹ để loại bỏ các chất gây hại trước khi xả ra ngoài.

Như đã nói, hiện tại Singapore có 4 nhà máy điện từ rác thải. Mỗi nhà máy đốt được hơn 1.000 tấn rác mỗi ngày, “hấp thụ” khoảng 90% rác của quốc gia và biến nó thành điện, quay về phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy vậy, công suất này vẫn chưa đủ. Có 1.000 tấn rác (bao gồm rác thải kim loại/ nhựa, rác không đốt được) và còn 1.000 tấn tro vẫn “trơ lỳ” ra đó.

Điều này dẫn đến một biện pháp xử lý độc đáo khác của Singapore dành cho 10% số rác thải cứng đầu còn lại! Con số 10% nghe có vẻ ít nhưng là điểm mấu chốt trong quy trình xử lý rác hoàn chỉnh.

Semakau – hòn đảo du lịch được làm ra từ rác, chính xác là 10% rác của Singapore

Semakau là “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên toàn cầu, vô cùng độc đáo và khó thực hiện. Bạn còn nhớ chúng ta nhắc đến Singapore xây dựng nhà máy đốt rác vào năm 1979? Đến 20 năm sau thì đảo rác Semakau hình thành, là nơi “yên nghỉ” của các thể loại rác và tro tàn không thể tái chế, không thể đốt tiếp được.

Để tạo ra Semakau, chính phủ vào năm 1995 cho di dân 2 hòn đảo Pulau Semakau và Pulau Sakeng vào đất liền. Với khoảng trống không xa lắm giữa 2 đảo này, họ xây dựng một bờ kè bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm và chống rỉ.

Kế đến, phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ. Rác thải và tro từ nhà máy điện được tàu chở đến đây, đổ vào hết ô này đến ô khác, hết năm này đến năm khác… Dần dần, nó tạo thành một hòn đảo nhân tạo rộng 3,5 km2 và có thể chứa 63 tỷ mét khối rác.

Sau khi đổ tro vào những ô trống được chuẩn bị sẵn, người ta còn lấp đất lên. Mục đích nhằm “mời gọi” các loài côn trùng và chim chóc đến làm màu mỡ cho đất. Ý tưởng này tỏ ra thành công ngoài mong đợi: Semakau ngày nay là điểm quan sát chim nổi tiếng bậc nhất của Singapore.

Hòn đảo này không có “mùi rác” đặc trưng. Dưới đáy biển, rạn san hô vẫn sống. Trên 2 đảo tự nhiên cạnh bên, động vật hoang dã vẫn tồn tại và khu rừng vẫn rất xanh. Semakau còn được nhiều du khách đến tham quan và các cặp đôi chọn làm điểm chụp ảnh cưới.

Thế nhưng, vấn đề 10% rác thải của Singapore vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sức chứa của đảo nhân tạo Semakau cũng có hạn mà thôi (63 mét khối nếu bạn còn nhớ), những ô trống đã dần lấp đầy. Dự kiến đến 2035, Semakau sẽ đạt đến giới hạn chịu đựng của nó.

Xử lý rác hoàn hảo như Singapore, tương lai vẫn còn nhiều nỗi lo

Lướt qua quy trình xử lý rác của Singapore, mọi thứ có vẻ “khớp” vào nhau, từng bước đều được tính toán kĩ lưỡng. Điều đó đúng, nhưng phải trả giá bằng hàng tỉ đô-la kèm theo sự nghiêm khắc đến từng chi tiết để đảm bảo khí độc hại, nước thải, mùi hôi… không tràn ra môi trường và tàn phá sự sống xung quanh, khiến tình hình còn tồi tệ hơn.

Chính quyền vẫn đang nỗ lực nâng cấp hệ thống xử lý rác vốn đã rất phức tạp. Trong khi đó, phần “đáy” của đảo rác nhân tạo Semakau cũng được nghiên cứu để xử lý một lần nữa.

Một hướng đi khác quan trọng hơn của Singpore, lại là một chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng không thể tránh né được. Đó là cần giảm rác thải ngay từ đầu. Điều này giúp giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác và nhất là cho đảo Semakau.

Singapore bấy lâu nay hướng đến một quốc gia “zero waste” (không còn rác thải mà mọi thứ đều được tái chế) nhưng đến giờ kế hoạch vẫn chưa thực hiện được. Hiện Singapore chỉ tái chế được ít hơn 60% lượng rác mà thôi, theo Strait Times.

Một hướng đi khác quan trọng hơn của Singpore, lại là một chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng không thể tránh né được. Đó là cần giảm rác thải ngay từ đầu. Điều này giúp giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác và nhất là cho đảo Semakau.

Singapore bấy lâu nay hướng đến một quốc gia “zero waste” (không còn rác thải mà mọi thứ đều được tái chế) nhưng đến giờ kế hoạch vẫn chưa thực hiện được. Hiện Singapore chỉ tái chế được ít hơn 60% lượng rác mà thôi, theo Strait Times.

Còn chúng ta thì sao? Giống như hòn đảo Semakau xanh – sạch – đẹp của Singapore thì các vùng đất trên thế giới, hay nói rộng là cả Trái Đất cũng chỉ có thể “gồng gánh” được một lượng rác nhất định mà thôi.

Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm khắc hơn với lượng rác thải ra mỗi ngày của bản thân mình, bởi ngay cả một hệ thống xử lý rác hoàn hảo như của Singapore (hay của bất kì nước nào) cũng không thể làm thay vấn đề trách nhiệm và ý thức của mỗi người.

Nguồn: Trithuctre

Lượt xem: 2532

Các tin khác

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

Quảng Nam tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã

(10/01/2025 08:30:AM)

Triển vọng rừng nhiệt đới 2025: Những câu chuyện đáng chú ý khi năm mới bắt đầu

(09/01/2025 09:25:AM)

Bẫy ảnh bất ngờ ghi nhận nhiều động vật quý hiếm tại khu bảo tồn ở Quảng Nam

(08/01/2025 08:38:AM)

Nhiều điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Sóc Trăng

(31/12/2024 08:09:AM)

Tin gió mùa đông bắc mới nhất: Ngày mai, nhiều nơi có mưa to đến rất to

(24/12/2024 06:05:PM)

Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn di sản của ASEAN trong bối cảnh mới

(20/12/2024 08:33:AM)

Hoa và Rác: Động lòng người dân xứ Huế

(19/12/2024 07:36:AM)

Nôn nao khi nhận tin báo phát hiện Sao La

(17/12/2024 10:06:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE