(VACNE) - Xích đạo 2 chứ không phải 2 xích đạo đâu. Là vì trưa hôm qua kể về VQG mà chẳng thấy nói gì về cây và con cả, nên hôm nay xin kể về cái thế giới đó.
Nhưng mà về cây thì chịu, xin nhường cho các vị phân loại thực vật, kiểu như cây táo và cây hoa hồng cùng một họ ấy. Chứ Người kể chuyện chỉ dám nói về mấy con vật hoang dã nơi VQG, những con cứ xán đến xe ô tô, cào cào móng vuốt vào cửa kính hoặc là liếm liếm lưỡi dài vào mấy thứ khách thăm quan nhứ nhứ, trêu ghẹo ấy. Tuy nhiên, trước hết phải xin các nhà khoa học về động vật lượng thứ vì các thông tin có thể sai, và đặc biệt vì không làm sao biết và nhớ được tên tiếng latinh của những con vật sẽ kể này.
Loài nào đông nhất trong VQG? Người kể chuyện không dám khẳng định mà chỉ xin nói về ước lượng của một vài học viên đối với những con vật đã gặp trong chuyến thăm quan. Mới đầu, ai cũng nghĩ là sơn dương, linh dương, trâu rừng là những loài có số lượng đông nhất. Bắt đầu vào VQG là đã gặp bọn này rồi. Đi đâu cũng thấy chúng. Nhưng đến đêm, như đã nói trưa hôm trước, lại nghĩ là linh cẩu với những con mắt rực sáng như sao xa khắp xung quanh khu ngủ đêm của khách thăm quan. Khi được đưa đến gần vùng sông hồ, dù là rất nhỏ hẹp, thì tất cả lại cho rằng, chính các loài chim, hình như bao gồm cả chim nước, chim di cư mới là loài có số lượng đông nhất ở VQG này. Sân chim lúc nào cũng chật chội, ầm ĩ và đặc biệt rất đẹp và ấn tượng. Và cũng rất bất ngờ với phần lớn các học viên. Thế là đành chịu, không thể xác định được loài nào đông nhất trong cái VQG mà rất rất nhiều loài quá đông đúc này.
Chiếc xe chở khách thăm quan phải dừng tới nửa giờ bên đàn sư tử đang ngủ trưa. Trông chúng hiền lành lắm, không hề ghê gớm như trong phần mở đầu của các phim Discovery đâu. Con to nhất, đương nhiên là con đực, là bố, nằm trên mô đất nhô cao, chắc là để quan sát, cảnh báo. Con mẹ, chắc thế, nằm phía ngoài, như ôm lấy mấy con nhỏ. Ai dạy chúng nhỉ. Một học viên nhô lên cửa mở trên nóc xe vô tình ho một tiếng. Con đực tỉnh dậy ngay, hùng dũng tiến về phía xe. Chú da đen hướng dẫn viên đóng sập nóc cửa, nói đủ để mọi người nghe rằng phải ngồi yên, nhìn thẳng, im lặng, không phản ứng gì. Sư tử đến sát cửa kính, cào vuốt nhè nhẹ vài lần, rồi lặng lẽ quay lại chỗ cũ. Vậy mà mấy học viên nữ vẫn sợ, mặt mày xanh lét, nói không ra lời. Eo ôi, thật kinh khủng. Hướng dẫn viên khen mọi người chịu khó nghe lời, nếu không, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu. Một tiếng gầm to của con đầu đàn vừa nẫy, là ngay lập tức có thể sẽ xuất hiện vài con nữa, có khi còn to hơn. Hướng dẫn viên nói vây, thực hư thế nào ai mà biết được, có điên mới thử chọc dận sư tử bố lúc này. Hú vía. Lại tiếc, vì chẳng ai chụp được cái ảnh nào trong dịp đối mặt với sư tử ngoài đời thực.
Chiếc xe vừa từ từ rời khỏi lãnh địa của sư tử thì 1 chiếc khác phi tới, 2 tài xế nói với nhau câu gì đó, nhưng cả 2 đều rất vui. Thời đó làm gì có điện thoại di động, Anh tài xế vừa phấn khởi nổ máy chạy theo chiếc xe kia vừa thông báo, chúng ta tới chiêm ngưỡng con báo duy nhất mới từ phía Tanzania sang mà các đoàn thăm quan đều muốn tới. Hay thật, đang muốn biết loài nào đông đúc nhất, thì lại được mời xem loài hiếm nhất. Kia kìa, hướng dẫn viên chỉ phía trước và giải thích: cái cây khẳng khiu rất hiếm hoi phía xa kia là nơi con vật này trèo lên nằm mỗi khi di chuyển đến đây. Nó nhỏ thế, nhưng vô cùng nhanh nhẹn. Không rõ tên khoa học là gì, nhưng con báo này không to lắm, có da màu vàng , đồm nâu sẫm quanh mình. Nó đang ngủ chắc chắn trên cây cao, không quan tâm tới 2 chiếc xe đang đến gần. Có vẻ nó đã quen. Hiểu loáng thoáng những giải thích của người hướng dẫn: báo này gọi báo gấm, báo săn hay báo đốm gì đó. Thuộc họ mèo, loài ăn thịt. Nó có thể là loài chạy nhanh nhất, vận tốc tới 120 km/giờ và săn mồi cực kỳ hiệu quả. Sợ quá, nó mà đuổi thì có chạy đằng trời, mấy cô học viên lè lưỡi nhìn nhau. Trên cao, con báo nhè nhẹ xoay người. Anh hướng dẫn viên đề nghị quay xe để nó ngủ. Thế là hên lắm rồi, rất ít khách thăm quan có dịp được ngắm báo quý hiếm say giấc ngủ trên cây cao.
Khi được các thượng đế hỏi cái gì ấn tượng nhất trong đợt thăm quan dạo ấy, Người kể chuyện nói rằng, học viên người Việt ấn tượng nhất là lần đầu tiên được thấy tận mắt cảnh các loài động vật khác nhau sinh sống ngoài tự nhiên, ngay cạnh thành phố lớn, chứ không phải trong sở thú. Trong một không gian không thể nói là quá rộng rãi vì đều nằm trong tầm ngắn xe chạy, hàng trăm, có khi nhiều hơn, hàng nghìn các loài động vật đang chung sống. Trên mặt đất thì hàng đàn hàng đàn những con to như voi, ngựa vằn, cao như hươu cao cổ, hung dữ như sư tử, nhanh như báo. Bao nhiêu loài chim khác nhau với số lượng hàng triệu con bay lượn trên bầu trời. Còn dưới những “vũng” nước bé xíu thì nào cá sấu, hà mã và chắc chắn là vô số các loài cá. Đấy là những loài mà các khách thăm quan trông thấy, thậm chí tiếp xúc khi chúng đang sinh sống sát cạnh nhau. Cả gia đình loài dữ thì ngủ, còn ngay bên cạnh thì loài ăn cỏ đang thong thả kiếm ăn. Có vẻ êm ả quá, có khách từng đặt câu hỏi. Hướng dẫn viên trả lời: Không hẳn, nhưng những cảnh “cá lớn nuốt cá bé” thường ít gặp, và cũng chẳng hay ho gì để mà xem.
Trong khi các thượng đế còn đang mải trao đổi, Người kể chuyện xin về sớm để còn chuẩn bị cho trưa mai. Có khi phải có máy chiếu nữa đây. Vị này nói to kiểu quảng cáo như để thả câu, khêu gợi trí tò mò của thượng đế. Chủ Quán cười tủm, ra vẻ hiểu ý Người kể chuyện. Chắc được hưởng phần trăm lợi nhuận cà phê chứ gì. Lão đầu bạc vừa bước ra theo vừa lẩm bẩm ác ý.