quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Website Tổng cục Môi trường, 27/2/2011: 54 cây lim được vinh danh cây di sản Việt Nam nhân dịp khai hội Đền Cao

Thứ Ba, 01/03/2011 | 03:44:00 PM

Sáng ngày 25/2 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức vinh danh công nhận 54 cây lim hàng trăm tuổi tại Đền Cao, Hải Dương là Cây Di sản Việt Nam.

 

 


 

 
Tới dự lễ công nhận, có đại diện lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tổng cục Môi trường, Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Hà Nội, Hải phòng, Hải Dương cùng toàn thể khách mời và các cơ quan thông tấn báo chí.
54 cây lim trên là những cây còn giữ lại được từ rừng lim cổ thụ trên núi Thiên Bồng, thôn Đại, xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương, gắn với di tích lịch sử Đền Cao được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để thờ năm vị tướng đồng thời là năm anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống năm 981. Hiện 54 cây lim cổ thụ đã được đánh số, cây to nhất có chu vi thân 3,5m, cao 20m.



Lễ khai hội truyền thống Đền Cao được bắt đầu với 3 hồi chiêng trống. Sau phần dâng hương tại Đền Cả, đám rước đi qua đền Cả, đền Bến Cả, đền Bến Tràng, đi đầu là đội cồng và kỳ lân, tiếp theo là các kiệu... Khoảng 10h, đám rước về Đền Cao để làm lễ dâng hương Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương Vương Đức Minh - người anh cả của 5 anh em họ Vương.
 
Sau nghi lễ dâng hương và rước linh vị các Thượng đẳng phúc thần về núi Thiên Bồng, lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam được tổ chức trọng thể ngay dưới những gốc Lim cổ thụ của đền Cao. Lễ vinh danh đã thu hút được đông đảo người dân, khách thập phương đến thăm Đền Cao tham dự.



Trong không khí trang trọng, PGS.TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đọc và trao Quyết định định công nhận Cây Di sản cho ông Dương Đình Ảnh, Chủ tịch UBND  xã An Lạc.

Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng
Việc tổ chức hoạt động vinh danh cây di sản Việt Nam của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhằm khơi dậy truyền thống yêu thiên nhiên, biết trân trọng và bảo vệ cây xanh của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn gen sinh học ở những cây quý hiếm...  . Đó là việc làm thiết thực và ý nghĩa không chỉ được các cấp, các ngành quan tâm mà còn được toàn xã hội ủng hộ.


TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại buổi lễ


Phát biểu tại lễ vinh danh 54 cây lim, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã khẳng định thêm rằng việc công nhận những cây lim cổ thụ này là Cây Di sản Việt Nam, không chỉ nhằm bảo vệ những “linh mộc” quý hiếm ở đền Cao, bảo vệ đa dạng sinh học, mà nó còn nhằm tôn vinh những nhân chứng gắn liền với những dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Ông Sinh cũng nhấn mạnh sau lễ vinh danh cây di sản này, cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến cây di sản để có những biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. 


 Cây Lim có tuổi lớn nhất, khoảng 710 tuổi

Trao đổi với các phóng viên, ông Chu Vinh Toàn, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Hải Dương cho biết đồi lim nằm trên diện tích 5000m2 và trong số 54 cây lim, có năm cây được đánh giá khoảng 700 tuổi. Tỉnh Hải Dương đã đầu tư 60 triệu đồng trong năm 2001 và 2002 cho việc bảo vệ 54 cây lim này. Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Hải Dương cũng đã thành lập một chi hội gồm 15 người tham gia bảo vệ đồi lim ở Đền Cao. Vinh danh cây di sản sẽ tăng động lực giúp dân địa phương hiểu rõ những giá trị về đa dạng sinh học, từ đó mọi người sẽ chú ý hơn đến việc bảo vệ đồi lim tại Đền Cao.

 
 
Khánh thành Bia Cây Di sản VN (Đá kim sa).
Hàng đầu từ trái sang phải: ThS. Hoàng Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn ĐDSH, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Môi trường; ông Vũ Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND TX Chí Linh; PGS. TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam;  GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội BV TN&MT VN; ông Phương Đình Anh, Phó trưởng ban Thanh niên Nông thông, đại diện Lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam

Cùng được vinh danh đợt này sẽ có 1 cây đa ở chùa Viên Giác, tỉnh Quảng Nam; 2 cây tại chùa Hưng Long, Thành phố Ninh Bình gồm 1 cây thị và 1 cây bàng. Đến nay, cả nước có 64 cây cổ thụ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, trong đó có chín cây muỗm ở Đền Voi Phục, Thành phố Hà Nội, một cây thị ở Huế, và 54 cây lim được vinh danh ở Hải Dương.
 CaoTrung


(Website Tổng cục Môi trường, 27/2/2011)

Lượt xem: 2009

Các tin khác

Cây cổ thụ kỳ lạ vùng chân núi Tam Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/02/2025 07:31:AM)

Cây Rỏi mật đầu tiên ở nước ta được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/02/2025 06:19:PM)

Cây Gạo huyền thoại thôn Tân Mỹ – biểu tượng lịch sử và văn hóa được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 10:31:PM)

Cây Ruối khổng lồ của tỉnh Hải Dương được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(16/02/2025 09:57:PM)

Những cây cổ thụ quý hiếm của tỉnh Yên Bái được công nhận Cây Di sản Việt Nam mở đầu Lễ hội đầu Xuân

(16/02/2025 09:56:AM)

Cây Đa Đình Giải: biểu tượng xanh trường tồn nhận danh hiệu Cây Di sản Việt Nam

(05/02/2025 03:50:PM)

Một số hình ảnh Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 11:29:AM)

Cây Di sản đầu tiên được công nhận đầu Xuân Ất Tỵ

(05/02/2025 08:25:AM)

Những điều bí ẩn về cây đa hơn 200 tuổi ở Đắk Lắk

(04/02/2025 07:23:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE