quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Vương quốc Pơ mu, di sản đại ngàn

Thứ Bảy, 14/05/2016 | 08:33:00 AM

Cánh rừng nguyên sinh hàng trăm, ngàn năm tuổi của người dân Cơ Tu (Tây Giang, Quảng Nam) vừa được công nhận là quần thể cây di sản. Mai này rừng thiêng nơi miền biên ải này sẽ trở thành điểm du lịch thu hút khách phương xa.

Một cây Pơ mu cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Một cây Pơ mu cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Hành trình đến cây di sản

Gần 6 năm trước, cánh rừng Pơ mu được người dân tộc Cơ Tu ở xã A Xan (Tây Giang, Quảng Nam) phát hiện trong lần mở đường. Cánh rừng trở thành báu vật không riêng gì của người dân A Xan mà cả của người dân Tr’hy gần đó và của cả vùng “khu 7” rộng lớn. Rừng cây quý hiếm vừa được công nhận quần thể cây di sản với số lượng 725 cây, tuổi đời từ 200 - 1.000 năm tuổi.
 

Với người dân tộc Cơ Tu, từ xa xưa, những cây rừng cổ thụ là nơi trú ngụ của thần linh. Những cây rừng to lớn trở thành biểu tượng cho sự khỏe mạnh, cường tráng, dẻo dai của những người con sống giữa đại ngàn, nên mặc nhiên dân làng không ai dám động đến. Cây Pơ mu không nằm ngoài tín ngưỡng đó. Bởi thế, ngay từ khi phát hiện, cánh rừng được dân làng thay nhau bảo vệ, cấm người ngoài đụng đến.
 

Ông Bh’riu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang kể rằng: Từ khi phát hiện, cánh rừng trở thành biểu tượng của  núi rừng Tây Giang hùng vỹ. Cánh rừng được mệnh danh “vương quốc” từ đó. Vì là “vương quốc” lên bất khả xâm phạm. Dân làng ai động đến rừng là có tội, bị dân làng phạt nặng nên không ai dám phạm mỹ tục này.

Để bảo vệ rừng, huyện Tây Giang thành lập ngay một tổ quản lý bảo vệ rừng Pơ mu với gần 30 thành viên chủ yếu là thanh niên trai tráng để canh giữ không cho người ngoài vào rừng. Thân cây Pơ mu được đánh số, gắn chíp định vị để tiện theo dõi. Hàng năm, huyện cấp kinh phí để phục vụ việc bảo vệ cánh rừng nguyên sinh được cho là quý hiếm nhất miền Trung - Tây nguyên này.
 

Từ khi phát hiện đến khi được công nhận là quần thể rừng cây di sản cấp quốc gia là một quá trình dài gần 6 năm. Từ ngày phát hiện cánh rừng, nhiều đoàn gồm các nhà khoa học từ nhiều nơi đến đo đạc, khoan cây để tìm độ tuổi chính xác.

Đích thân ông Liếc và cán bộ huyện Tây Giang ra tận Hà Nội để làm việc với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam để khẩn trương công nhận là cây di sản quốc gia. Pơ mu là thứ gỗ quý hiếm, nếu không bảo vệ kịp thời, rất dễ bị kẻ xấu xâm hại, đốn hạ vì giá trị kinh tế của nó.
 

Vương quốc Pơ mu, di sản đại ngàn - ảnh 1

“Vương quốc Pơ mu” sẽ trở thành điểm du lịch thú vị.


“Từ khi phát hiện cánh rừng, cả chính quyền huyện và cơ quan ban ngành địa phương, chính quyền các xã và dân làng các thôn đều chung một mục tiêu bảo vệ bằng được cánh rừng để gìn giữ cho thế hệ con cháu. Cánh rừng quý hơn vàng. Bởi, còn rừng nghĩa là một phần hồn cốt văn hóa truyền thống của người Cơ Tu còn được lưu giữ cho thế hệ sau”. ông Liếc cho biết.
 

Ông Liếc chia sẻ: Ít nhất 5 lần ông “hạ sơn” ra Hà Nội, hàng chục lần chỉnh sửa hồ sơ, việc công nhận mới hoàn thành. Rừng Pơ mu không chỉ của Tây Giang của người dân Cơ tu mà còn là của cả nước, là món quà ngàn năm núi rừng ban tặng. Đích thân ông Liếc đặt tên cho từng cây Pơ mu cổ thụ. Tên cây gắn liền với những huyền thoại của núi rừng, như Pơ mu mẹ, Pơ mu bố, Pơ mu cụ, Pơ mu voi…
 

 “Khi “vương quốc Pơ mu” được công nhận là quần thể cây di sản, tất cả dân làng và huyện Tây Giang ai cũng vui mừng, bởi đó là sự ghi nhận cho công sức gian nan của cả cộng đồng trong việc bảo vệ nguyên vẹn khu rừng quý hiếm này”, ông Liếc tâm sự.
 

Biến “vương quốc” thành điểm du lịch

Vương quốc Pơ mu mang vẻ đẹp huyền bí hiếm nơi nào có được. Hôm 10/5 vừa qua, huyện Tây Giang hân hoan đón bằng công nhận và gắn biển Cây di sản cho “Vương quốc Pơ mu” ngàn năm tuổi. Dân làng kéo về rừng đông như hội. Tuyến đường mới mở chạy thẳng vào giữa cánh rừng, giúp việc đi lại dễ dàng hơn dù rằng lắm đoạn vẫn còn sình lầy, bùn ngập quá đầu gối.
 

Già làng Pơ Loong Đưm (thôn A Rầng 1, xã A Xan) là một trong số già làng vận động người dân chung tay bảo vệ cánh rừng từ ngày đầu mới phát hiện kể: Trước đây, mỗi lần dân làng có việc cần muốn chặt hạ một cây rừng, cây Pơ mu thì phải cúng tế, xin phép thần linh rồi mới được phép động đến. Pơ mu là gỗ quý nên người xuôi săn lùng, thậm chí trả công cho dân làng rất hậu hĩnh để có được những khối gỗ mang về.

Từ ngày phát hiện cánh rừng, dân làng họp nhau, bàn bạc đi đến thống nhất sẽ cùng chính quyền bảo vệ đến cùng những gốc cây Pơ mu quý giá. Dân làng huy động mọi người cùng mở đường mòn, đến từng gốc Pơ mu để việc tuần tra, bảo vệ dễ dàng.

Dân làng còn lập một chốt chặn ngay lối vào, hằng ngày cắt cử người canh giữ. Nếu chưa được sự đồng ý của chính quyền, bộ đội biên phòng và già làng thì người ngoài không được bén mảng vào khu rừng. “Nếu không bền bỉ, quyết tâm giữ, e rằng, cánh rừng bị đốn hạ mất rồi”, già Đưm cho biết.
 

Vương quốc Pơ mu, di sản đại ngàn - ảnh 2

Làng truyền thống ngay giữa “Vương quốc Pơ mu” sẽ là điểm dừng chân thú vị.


Buổi lễ được tổ chức quy mô và trang trọng. Hôm trước lễ, tất thảy đại biểu được đưa về một ngôi làng vừa được xây dựng ngay giữa “vương quốc” với những tiện nghi khá đầy đủ. Ông Liếc cho biết: Ngôi làng truyền thống rồi đây sẽ là một điểm du lịch sinh thái thú vị thu hút khách ưa khám phá và trải nghiệm, thích sống hòa mình vào thiên nhiên. 
 

Giữa mưa rừng, lạnh buốt, sương mù là đà, rừng sâu tịch mịch. Đêm, “vương quốc Pơ mu”, lửa thiêng bập bùng, điệu hát lý vang lên như lời núi rừng kể chuyện ngàn xưa. Nơi đây sẽ được huyện Tây Giang tiếp tục đầu tư để xây dựng thành một khu du lịch sinh thái.
 

“Với việc công nhận vương quốc Pơ mu là rừng cây di sản, nghề dệt thổ cẩm, nói lý - hát lý, múa tân tung da dá của người Cơ Tu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tây Giang đang hướng đến việc phát triển du lịch, tạo một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Liếc kỳ vọng.
 

Theo Tiền Phong

Lượt xem: 3111

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE