Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đẩy mạnh công tác bảo vệ và khai thác du lịch
Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá, có tổng diện tích là 22.408ha, là Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam (năm 1962).
Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Vườn Quốc gia Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
(Nguồn ảnh: vietnamtourism.com)
Từ xưa đến nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương luôn nổi danh bởi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái động - thực vật phong phú, đại diện cho hệ sinh thái đai thấp ở khu vực Bắc bộ. Nằm lọt thỏm trong lòng dãy núi Tam Điệp, Vườn Quốc gia Cúc Phương được bao bọc bởi một hệ thống các núi đá vôi chạy dài tít tắp.
Với đặc trưng là rừng nhiệt đới, xanh quanh năm, Cúc Phương có một quần thể động, thực vật vô cùng đa dạng của Việt Nam. Nhiều loài chim, thú quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương. Phần lớn diện tích Vườn Quốc gia Cúc Phương nằm trong cùng địa hình núi đá. Được thiên nhiên ưu đãi, vì thế Cúc Phương sở hữu rất nhiều điểm tham quan du lịch bổ ích và lý thú, cùng với những hang động đầy huyền bí như động Sơn Cung, động Phò Mã giáng, động Người xưa, hang Con Moong… Đặc biệt, một số hang động nơi đây còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ, cùng dấu tích về sự xuất hiện của người tiền sử.
Từ xa xưa, Cúc Phương là nơi cư trú và sinh sống của cộng đồng người Mường với những nét văn hoá độc đáo, đó là những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cối giã gạo nương, những khung dệt thổ cẩm, độc đáo hơn là những lễ hội, phong tục tập quán và nếp sống cộng đồng mà du khách có thể cảm nhận được trong thời gian thăm bản. Vì vậy, Cúc Phương từ lâu đã trở thành điểm lý tưởng thu hút rất đông các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu. Trong năm 2015, Cúc Phương đã thu hút được 73.000 lượt khách đến tham quan, học tập và nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế đạt 11.700 lượt (chiếm gần 18%).
Vẻ đẹp của Cúc Phương là thế, song được biết, vùng đệm Vườn Quốc gia có hơn 80.000 người dân sinh sống, điều đó đã tạo nên những áp lực vô cùng to lớn lên công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là hoạt động săn bắt động vật hoang dã.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Vườn Quốc gia, lực lượng kiểm lâm, cán bộ, công nhân viên tại Vườn Quốc gia Cúc Phương tích cực tham gia công tác tuần tra bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức các biện pháp đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Hạt kiểm lâm Cúc Phương đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh với 4 Hạt Kiểm lâm Nho Quan (Ninh Bình), Thạch Thành (Thanh Hóa) và Yên Thủy, Lạc Sơn (Hòa Bình). Hàng tháng, các Trạm kiểm lâm đều giao ban với các thôn, bản, ban lâm nghiệp, chính quyền địa phương. Đã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với 29 thôn, bản sống xung quanh Vườn Quốc gia.
Đồng chí Đinh Trọng Hải, Phó Phòng Tổ chức Hành chính Vườn Quốc gia cho biết: Trong năm, các tuyến kiểm tra nhìn chung vẫn được bảo vệ tốt, khu vực trung tâm và một số nơi phân bố nhiều cây gỗ lớn, quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt. Các Trạm đều có ý thức trách nhiệm bảo quản, sử dụng các trang thiết bị, trong đó có vũ khí và công cụ hỗ trợ được thực hiện nghiêm theo quy định. Văn bản pháp quy, quy định, nhật ký các tiểu khu ghi chép, thống kê rõ ràng. Công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được chú trọng. Các trạm kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ nhận khoán rừng tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực được giao quản lý nên không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Với sự quan tâm sát sao của Ban quản lý và lực lượng cán bộ kiểm lâm, trong năm 2015, Vườn Quốc gia đã ngăn chặn, xử lý 10 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng và phát triển rừng. Bên cạnh việc bảo vệ rừng, phát triển du lịch, hiện tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương đang thực hiện nhân giống nhiều loại phong lan quý, cùng một số loại công, trĩ.
Cảnh sắc Vườn Quốc gia Cúc Phương được ví như “chốn bồng lai tiên cảnh” hiếm nơi nào có được, thế nhưng vẫn chưa có nhiều người biết đến. Nhiều năm qua, hiệu quả kinh doanh dịch vụ ở Cúc Phương còn thấp, chưa tạo được thương hiệu du lịch đủ mạnh... Cúc Phương vẫn là vẻ đẹp tiềm ẩn và vẫn cứ giấu mình giữa đại ngàn. Vẫn còn đó vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của một khung cảnh bình yên, trầm lắng đến nao lòng. Để khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương đã và đang tập trung khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng; tour du lịch khám phá mạo hiểm kết hợp với việc thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập…nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước