Ở chợ bò, người ta vừa bán cũng lại vừa mua
|
Thị trấn Mèo Vạc nằm dưới thung lũng vốn bình yên là vậy, nhưng cứ vào mỗi sáng chủ nhật như khoác lên mình bộ quần áo mới. Hàng nghìn bà con dân tộc với đủ loại trang phục xúng xính xuống chợ. Họ đi bộ cả chục cây số từ các xã Tát Ngà, Khau Vai, Sơn Vĩ, Sủng Máng... đến thị trấn. Trong vô vàn âm thanh vui nhộn của phiên chợ, tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng nhạc lục lặc bò vui tai.
Anh Vàng Mí Dính, xóm Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, chia sẻ: Hôm nay anh mang bán 4 con bò, hiện đã bán được 3 con. Mỗi con cũng lãi được gần 1 triệu. Anh Dính đang trao đổi về con bò còn lại với anh Vừ Mí Pó. Anh Vừ Mí Pó, ở xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc xem từng con bò ở chợ. Anh muốn tìm một con bò thật đẹp, ưng ý nên buộc phải chọn lựa kỹ. Anh Pó cho biết, anh cũng vừa bán được một con bò to, giờ muốn mua một con bò nhỏ hơn về nuôi.
Mỗi phiên chợ như vậy có hàng trăm con bò được rao bán, thương lái mua bò chủ yếu là ở dưới xuôi lên. Những phiên chợ bò vùng cao không bị đặt nặng sự mua bán, đồng bào đến chợ để được gặp gỡ bạn bè, trò chuyện, uống với nhau chén rượu sau những ngày lao động.
Phiên chợ bò độc đáo giữa miền cao lâu nay cũng đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Vợ chồng ông bà Marco, du khách Italy lần đầu tiên đến với Hà Giang và thực sự bị cuốn hút bởi sự độc đáo của phiên chợ
Ông Đỗ Hiếu Nghĩa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc cho biết: Chợ bò Mèo Vạc là một phiên chợ buôn bán bò lớn nhất tỉnh Hà Giang, được hình thành từ rất lâu, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh từ khi huyện Mèo Vạc có chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa (từ năm 2000 đến nay). Chợ bò Mèo Vạc ngoài ý nghĩa kinh tế còn gắn liền với hình ảnh văn hóa của địa phương đang từng ngày vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi bò hàng hóa.
(Theo Báo Tin tức))