Hiện nay, mô hình tăng trưởng xanh đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, với việc chuyển đổi cơ bản cấu trúc kinh tế truyền thống để giải quyết một cách hiệu quả các thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội của khu vực qua hướng tiếp cận hiệu quả sinh thái, tập trung chủ yếu vào một số các công cụ như: cung cầu bền vững, ngành công nghiệp xanh, sáng kiến việc làm xanh, thị trường xanh, thuế xanh, cùng các cơ chế tài chính các-bon…
Học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm này, Việt Nam cũng đang áp dụng tăng trưởng xanh với 3 chiến lược chính, bao gồm: tăng trưởng kinh tế tập trung vào các ngành sản xuất thân thiện môi trường; giảm suy thoái môi trường và chiến lược giảm thiểu, thích ứng kịp thời với các tác dộng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc áp dụng tăng trưởng xanh ở Việt Nam lại gặp phải một số rào cản do chính sách, năng lực đầu tư, công nghệ, hợp tác quốc tế, mạng lưới đối tác đều hạn chế.
Trình bày về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường cho biết, tăng trưởng xanh ở Việt Nam cần áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, thu hút đầu tư và một số các công cụ hỗ trợ như chính sách, thị trường, truyền thông nâng cao nhận thức… Cụ thể, nên tập trung phát triển hạ tầng xanh với việc xây dựng các tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng, công nghiệp xanh ít các-bon và thuế xanh.
Trong đó, cũng theo ông Tài, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được đưa vào chương trình quốc gia với mục tiêu và chiến lược rõ ràng; đồng thời được lồng ghép vào hệ thống giáo dục hiện nay. Thông qua chương trình này, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 3,2 tỷ USD chi phí năng lượng nói chung.
Mặt khác, ngành năng lượng tái tạo cũng bắt đầu hình thành và phát triển ở Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 5% tổng công suất phát điện, trong đó phong điện chiếm 3% và điện sinh khối là 2%.
Ngoài ra, một nguồn năng lượng dồi dào khác đã được phát hiện đó là trấu. Hiện Nhà máy nhiệt điện trấu đang xây dựng tại Tiền Giang và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2013.
Cũng nói về tăng trưởng xanh ở Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam muốn hướng tới nền kinh tế các-bon thấp thì cần định hướng chính sách giảm phát thải khí nhà kính trong 3 lĩnh vực: năng lượng, lâm nghiệp và nông nghiệp; đồng thời cần gắn mục tiêu này với các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thuận với ý kiến của TS Chinh, đa số các đại biểu có mặt trong buổi đối thoại đều hy vọng rằng, nếu thực hiện tốt, tới năm 2020, nền kinh tế các-bon thấp sẽ định hình ở Việt Nam.