Triết Giang
Chị lấy chồng khác huyện, rồi từ Hưng Yên theo chồng sang tận Đức làm ăn từ cuối những năm 1980. Mùa hè nào cũng thế đã thành lệ, gia đình lại có chuyến hồi hương thăm lại chốn quê nhà. Chị bảo chị nhớ lắm cái nắng ở vùng quê chiêm trũng, nhớ mùi khói bếp lam chiều, nhớ hương rơm thơm bên cánh đồng mùa gặt… Và đặc biệt là nhớ lắm vị ngọt của bát chè sen long nhãn mẹ chồng đãi con cháu phương xa. Bát chè ấy chứa đựng tinh túy thiên nhiên ban tặng vùng phố Hiến, cho dù chị đã nhiều lần nấu ở trời Âu thì nó vẫn thiếu một thứ vị nào đó không thể gọi thành tên. Ấy là vị ngọt lịm của những trái nhãn vườn nhà do đích tay ông chế thành long nhãn; là hương sen dìu dịu từ những hạt sen do bà chèo thuyền thúng hái từ đầm sen rộng mênh mông trước ngõ; là khi ngồi nhâm nhi bát chè sen sóng sánh, được ôn lại biết bao kỷ niệm thuở hàn vi, lạ nước lạ cái về nhà chồng…Rồi chị đúc kết, hình như bát chè sen nấu ở xứ người nó thiếu cái vị quây quần…
Chị kể, người Việt xa xứ thường có những niềm tự hào riêng về sản vật quê mình. Biết bao lần chị kể với bạn bè về chè long nhãn hạt sen tiến vua đất phố Hiến. Mà cũng lạ, không hiểu sao đất trời lại để hai thứ hoa quả quý phái, thơm tinh túy cùng chọn cuối mùa thu để vào độ chín, độ thơm. Và cũng thật tinh tế khi ai đó chọn đúng nhãn lồng Hưng Yên, hạt sen, đường cát, nước mưa, hoa bưởi, hoa nhài để nấu thành chè. Để những người con xa xứ như chị, mỗi khi nhớ đến vị chè sen- nhãn lồng lại thấy nhớ về người thân, nhớ cồn cào, quay quắt về "nơi chôn nhau, cắt rốn”…
(ĐĐK)