Điều đặc biệt ở Nam Đàn là hầu hết các di tích - danh thắng trên địa bàn huyện đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những cống hiến lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những điều kiện đó như là món quà vô giá để Nam Đàn trở thành một vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý giá và tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng.
Nam Đàn: Cảnh và Người
Trong bức tranh non xanh nước biếc của xứ Nghệ, Nam Đàn nổi lên với những đường nét chấm phá của một vùng sơn thuỷ hữu tình. Với vị trí địa lý thuận lợi vừa đồng bằng, vừa đồi núi xen kẽ, Nam Đàn có 3 dãy núi lớn bao quanh: dãy núi Thiên Nhẫn bên kia sông Lam, dãy núi Đại Huệ ở phía Bắc và Đông Bắc, dãy núi Hùng Sơn ở phía Tây Bắc như bức tường thành tự nhiên chở che cho những cánh đồng lúa vàng, bãi ngô nương dâu xanh mướt dọc đôi bờ dòng Lam.
Về với Nam Đàn, đầu tiên, du khách dừng chân trên vùng đất Sa Nam, thủ phủ của huyện Nam Đàn nằm trên trục đường 46. Vẫn còn đây bến Sa Nam ngày nào giữ nguyên nét xưa với phong cảnh trên chợ dưới thuyền... vẳng nghe đâu đây câu hát “nước sông Lam dào dạt, đây cảnh đẹp Nam Đàn, ai đi chợ Sa Nam, mà xem thuyền xem hội...”. Không biết lời ca ví dặm được lưu truyền từ bao giờ mà cho đến hôm nay, Sa Nam vẫn mãi là biểu trưng cho hồn thiêng xứ sở của vùng quê giàu truyền thống này.
Cạnh bến Sa Nam về phía Tây, trên địa phận thị trấn Nam Đàn là đền thờ vua Mai Thúc Loan - vị anh hùng đã có công đánh đuổi giặc Đường, lập nên nhà nước Vạn An độc lập ở thế kỷ thứ VIII. Vùng đất xây dựng đền hiện nay chính là trung tâm căn cứ địa của nghĩa quân vua Mai thuở trước. Tương truyền rằng sau khi lên ngôi hoàng đế, Vua Mai bắt tay ngay vào việc tổ chức triều chính. Ông đã chọn Sa Nam làm nơi xây dựng căn cứ địa, lấy tên là Vạn An. Cho đến nay trong kho tàng văn học dân gian của vùng này vẫn còn lưu truyền câu ca thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn về những gì mà một thời vua Mai đã tạo lập trên mảnh đất này:
“Con ơi con ngủ ngon lành
Để Mai Hắc Đế xây thành Vạn An ”
Từ đền thờ vua Mai, du khách theo đê 42 hoặc theo du thuyền ngược theo tả ngạn sông Lam khoảng 3 km về phía Tây là đến khu mộ vua Mai. Vùng đất này thuở xưa là căn cứ cất giữ lương thảo, đồng thời là nơi cầm cự cuối cùng của nghĩa quân vua Mai sau khi thành Vạn An rơi vào tay giặc.
Nam Đàn - quê hương của biết bao người con kiệt xuất – đã cho ra đời một trong các vị tiền bối dám xả thân vì đất nước, đó là cụ Phan Bội Châu. Ngôi nhà cụ Phan nằm ở thôn Sa Nam, xã Đông Liệt, nơi gắn bó với quãng đời ấu thơ và cả quá trình trưởng thành của cụ. Những kỷ vật tại Khu lưu niệm là minh chứng cho những sự kiện đặc sắc trong nửa đầu cuộc đời của cụ như: sự kiện 3 ngày học thuộc lòng bản Tam tự kinh, 7 tuổi viết Phan tiên sinh luận ngữ, 16 tuổi đậu đầu xứ, 17 tuổi viết hịch Bình Tây thu bắc, sau đó thi đậu giải nguyên ở trường Nghệ, lập Duy Tân hội và tạo dựng phong trào Đông Du.
Điểm đến tiếp theo của du khách là xã Nam Kim - nơi có dấu tích của thành Lục Niên và khu mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Ở phía đông Bắc thành Lục Niên có nhiều ngọn núi nhỏ trong đó có một ngọn núi tên là Bùi Phong. Chính nơi đây là chỗ ẩn cư của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và sau này khi cụ qua đời, nhân dân và con cháu dòng họ đã an táng cụ ngay tại ngọn núi này. Đến nơi đây, du khách sẽ được hiểu thêm về cuộc đời của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - một bậc tài cao đức trọng, chí khí sáng ngời cùng nhiều tác phẩm văn thơ để đời có giá trị. Đặc biệt ông đã có câu thơ tiên đoán được khí thiêng sông núi khi nói về núi Chung, trong đó có câu: “Chung Sơn tại đỉnh hình vương tự”, nghĩa là núi Chung trên đỉnh có hình chữ Vương. Phải chăng điều mà Nguyễn Thiếp tiên tri đã đúng khi Kim Liên - Nam Đàn là nơi đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Thăm nơi sinh thành người con ưu tú bậc nhất của xứ sở
|
Về Nam Đàn, du khách không thể không về thăm quê Bác - Khu di tích Kim Liên - nơi tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện qua các di tích lưu niệm về Người. Sau luỹ tre xanh ở làng Chùa và làng Sen vẫn còn nguyên nếp nhà tranh giản dị, những kỷ vật thân thương nhuốm màu thời gian hơn một thế kỷ đã đi vào lịch sử của nhân loại, trở thành tài sản vô giá của dân tộc. Tất cả các di sản đã phần nào nói được cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, người con ưu tú bậc nhất của xứ sở Lam Hồng và của đất nước Việt Nam. Đến nơi đây du khách sẽ gặp một làng quê bình dị như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam. Di tích Hoàng Trù - nơi Người ra đời, nằm gọn trong khu vườn rộng thuộc xã Kim Liên - huyện Nam Đàn. Ngôi nhà tranh 3 gian, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, được dựng năm 1883 vào dịp lễ thành hôn của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Gia đình dành gian ngoài để làm nơi học tập và nơi nghỉ của ông Sắc. Ở đó có bộ phản, một chiếc án thư cùng chiếc giá sách của ông Sắc. Gian thứ 2 là nơi nghỉ của bà Hoàng Thị Loan. Sau tấm màn nhuộm nâu có chiếc giường tre nhỏ đơn sơ, phía ngoài là một chiếc võng - nơi đã nâng niu tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những làn điệu dân ca quê nhà, bên cạnh đó còn có một bộ khung cửi dệt vải và các dụng cụ đồng áng phản ánh quá trình lao động cần cù, tần tảo ngày đêm của người mẹ làng Sen.
Khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng. Theo tập tục của địa phương và nguyện vọng của nhân dân, ông cùng các con rời làng Chùa về sống tại làng Sen quê nội. Trước vinh dự lần đầu tiên trong làng có người đậu đại khoa, làng Sen đã xuất công quỹ dựng ngôi nhà gỗ 5 gian để mừng cho ông Phó bảng. Hai gian nhà ngoài ông Sắc dùng làm nơi thờ tự và tiếp khách. Với lối sống giản dị và thanh bạch, đồ thờ và hương án đều được làm rất đơn sơ. Tại gian nhà này trước đây là nơi tụ hội của nhiều nhân cách và tâm hồn văn hoá tiêu biểu của xứ nghệ như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thái Thân... Các kỷ vật hầu như vẫn còn nguyên vẹn như chiếc án thư để đọc sách, uống trà, chiếc rương gỗ nhỏ để đựng thóc gạo, một tủ đựng ấm chén, bát đĩa, trên tủ còn có chiếc mâm gỗ son gia đình thường dùng khi có khách quý. Tất cả những kỷ vật đó đã gắn bó suốt thời niên thiếu của cậu bé Cung trên mảnh đất Kim Liên.
Tại Làng Sen, du khách sẽ đến với nhà tưởng niệm và khu trưng bày của di tích Kim Liên với các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu trưng bày được ra đời năm 1970, sau ngày Bác Hồ đi xa. Đây là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Sau khi hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước ra đời, việc trưng bày ở đây được bổ sung với những giải pháp mỹ thuật độc đáo, sáng tạo nhằm tôn vinh các tài liệu và hiện vật, tạo được cảm xúc mới đối với khách tham quan. Hiện tại, toàn bộ phòng trưng bày có chủ đề: Tình cảm của đồng bào đồng chí trong nước và bầu bạn quốc tế đối với Bác và khu di tích Kim Liên - quê hương sau 2 lần Bác Hồ về thăm quê.
Điểm đến tiếp theo của du khách là khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ ở núi Động Tranh (trong dãy Đại Huệ) thuộc xã Nam Giang. Con đường lên xuống mộ nằm dưới bóng keo rợp mát với 304 bậc lên, 271 bậc xuống, uốn lượn theo sườn núi mền mại như dải lụa. Phía trước là sân có bia dẫn tích ghi lại một cách đầy đủ cống hiến của cụ bà Hoàng Thị Loan đối với dân tộc ta. Nơi đây có độ cao gần 100m so với mực nước biển. Đứng dưới nhìn lên ta nhận thấy mộ cụ bà Hoàng Thị Loan như chiếc khung cửi lớn, hình ảnh đó gắn bó với cuộc đời lao động cần cù của Người mẹ Làng Sen nuôi chồng, nuôi con ăn học. Hoa giấy từ Cao Lãnh - Đồng Tháp, nơi yên nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang từng ngày, từng giờ vươn ra phủ kín khung dàn, che nắng, che mưa cho người dưới mộ.
Trên thực tế, Nam Đàn là điểm du lịch hấp dẫn bởi ý nghĩa tự thân của nó là nơi sinh thành và ghi dấu tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, ngoài quần thể Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn còn có các điểm di tích khác như: Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, đền, mộ vua Mai và thân mẫu vua Mai, khe Bò Đái, Khu Du lịch Sinh thái hồ Tràng Đen. Cùng với những địa chỉ đó, có nhiều điểm du lịch mới đang được đầu tư và đưa vào khai thác, du khách sẽ có thêm nhiều địa chỉ mới hấp dẫn khi đến với Nam Đàn.